Phường Dị Sử: Tái chế phế liệu nhựa tự phát gây ô nhiễm môi trường

Mùi khét nồng nặc bao phủ cả một khu vực rộng lớn dù là ban ngày hay ban đêm, nước thải chảy lênh láng ven quốc lộ 5, người dân khổ sở vì sống chung với ô nhiễm và lo lắng ảnh hưởng tới sức khỏe, đó là thực trạng đang diễn ra ở khu vực tổ dân phố Phan Bôi, phường Dị Sử (thị xã Mỹ Hào) do ảnh hưởng từ việc tái chế phế liệu nhựa tự phát của hơn 100 hộ làm nghề.

Nước thải lênh láng ven quốc lộ 5 đoạn qua tổ dân phố Phan Bôi (phường Dị Sử) Ảnh chụp ngày 28/3/2023

Hoạt động tái chế phế liệu nhựa là nghề đem lại thu nhập chính cho nhiều hộ dân ở tổ dân phố Phan Bôi từ nhiều năm nay. Phế liệu nhựa từ các đầu mối trong và ngoài tỉnh được hộ làm nghề thu gom về đây, trải qua các công đoạn phân loại, xay, nghiền, tạo hạt… trở thành hạt nhựa có thể tái chế thành sản phẩm nhựa mới. Tuy nhiên, do hoạt động nhỏ lẻ, tự phát, máy móc thô sơ, kỹ thuật hạn chế và không có sự đầu tư về bảo vệ môi trường bền vững nên lâu nay, nơi đây vẫn là khu vực hoạt động ngành nghề tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường.

Ngày 23/12/2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2826/QĐ-UBND về việc thu hồi Bằng công nhận làng nghề tái chế phế liệu Phan Bôi, phường Dị Sử, thị xã Mỹ Hào. Dù vậy, từ đó đến nay, hoạt động của các hộ làm nghề trong tổ dân phố Phan Bôi vẫn diễn ra, tình trạng ô nhiễm ngày càng khiến người dân trong khu vực bức xúc. Ông Vũ Văn Tiến, người dân ở phường Dị Sử cho biết: Bao lâu nay, không khí trong lành là thứ xa xỉ với người dân sinh sống trong khu vực tổ dân phố Phan Bôi và những khu dân cư lân cận. Mùi khét của nhựa tái chế luôn nồng nặc khắp nơi, phế liệu nhựa chất ngồn ngộn, nước thải tràn ra đường. Hộ làm nghề chỉ quan tâm đến lợi nhuận, còn những hộ dân sống xung quanh phải chịu đựng ô nhiễm, lo lắng cho sức khỏe.

Theo thống kê, hiện nay tổ dân phố Phan Bôi đang có hơn 100 hộ kinh doanh, vận chuyển và tái chế phế liệu nhựa. Hoạt động tái chế phế liệu nhựa được thực hiện ngay tại các hộ làm nghề và xen kẽ trong khu dân cư. Quá trình tái chế thô sơ khiến mùi nhựa khét trong quá trình tác động nhiệt trực tiếp bốc lên nồng nặc, kèm theo nước tẩy rửa khi tái chế nhựa xả thẳng ra cống rãnh, tràn ra đường gây ô nhiễm môi trường và những mối nguy về bệnh tật.

Ngày 6/2/2023, UBND thị xã Mỹ Hào có Công văn số 90/UBND-TNMT về việc thực hiện các biện pháp hạn chế, giảm thiểu phát thải dioxin/furan ra môi trường đất, không khí. Theo đó, căn cứ Văn bản số 490/BTNMT-TCMT ngày 22/12/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc thông báo kết quả quan trắc tại làng nghề tái chế nhựa Phan Bôi, phường Dị Sử, thị xã Mỹ Hào, kết quả cho thấy, mẫu đất và mẫu không khí ở tổ dân phố Phan Bôi có chỉ tiêu dioxin/furan vượt tiêu chuẩn môi trường cho phép. UBND thị xã đã yêu cầu các phòng, đơn vị chuyên môn của thị xã hạn chế cấp giấy đăng ký kinh doanh mới đối với hoạt động thu gom, tái chế nhựa; kiểm tra, giám sát chặt chẽ nguồn gốc phế liệu nhựa; kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn; vận động các hộ tái chế phế liệu nhựa không bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường chuyển đổi ngành nghề; xử lý nghiêm các hành vi đổ, đốt rác thải nhựa… Đồng chí Nguyễn Thế Thành, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Mỹ Hào cho biết: Hằng năm, phòng phối hợp với các đơn vị chuyên môn tiến hành kiểm tra, phát hiện, xử lý các vi phạm về bảo vệ môi trường nói chung cũng như hoạt động tái chế phế liệu nhựa nói riêng trên địa bàn thị xã. Tuy nhiên, do đây là ngành nghề chính đem lại thu nhập của nhiều gia đình đã lâu năm nên việc chuyển đổi nghề mới rất hạn chế. Từ năm 2020 đến nay mới có hơn 10 hộ làm nghề tái chế phế liệu nhựa trong tổ dân phố Phan Bôi chuyển đổi ngành nghề.

Trước tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng tại khu vực, những tưởng việc thu hồi Bằng công nhận làng nghề tái chế phế liệu là một bước để chấm dứt việc người dân phải sống chung với rác và ô nhiễm, song thực tế hoạt động tái chế phế liệu nhựa trong khu dân cư tại tổ dân phố Phan Bôi vẫn khiến người dân bức xúc và lo lắng.

Cuối năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức họp bàn về việc xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường tại khu vực tái chế nhựa Minh Khai (Văn Lâm) và khu vực tái chế nhựa Phan Bôi (thị xã Mỹ Hào), xây dựng dự thảo kế hoạch tổng thể để xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tại các bãi rác, điểm đốt rác ở đây. Trong đó, phương án chủ yếu được đưa ra là xử lý triệt để rác thải nhựa tồn đọng, ngăn chặn phát sinh rác thải mới và nghiêm cấm các hành vi gây ô nhiễm môi trường. Kế hoạch vẫn đang được hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Để thực hiện kế hoạch này, đòi hỏi chi phí cao và sự vào cuộc thực sự quyết liệt của các cấp, các ngành, đơn vị chuyên môn và chính quyền địa phương.

Hoạt động tái chế phế liệu nhựa ở một hộ dân làm nghề tại tổ dân phố Phan Bôi, phường Dị Sử

Mỗi ngày, các hộ làm nghề tại đây vẫn tái chế hàng chục tấn phế liệu nhựa. Môi trường không khí, nước thải vẫn đang bị ô nhiễm ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt và sức khỏe của người dân. Các hộ dân sinh sống trong khu vực đang phải sống chung với ô nhiễm mong muốn chính quyền các cấp, ngành chức năng sớm có biện pháp hữu hiệu để xử lý dứt điểm tình trạng trên, trả lại bầu không khí trong lành và an toàn cho người dân, bảo vệ môi trường trong khu vực để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

PV

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/tin-moi/202304/phuong-di-su-tai-che-phe-lieu-nhua-tu-phat-gay-o-nhiem-moi-truong-e4104cb/