Phương pháp trị mụn bằng tỏi đang 'viral' trên Tóp Tóp có thực sự hiệu quả?

Một trong những xu hướng trị mụn có từ lâu và được rất nhiều người áp dụng chính là dùng tỏi sống. Gần đây xu hướng này đang nổi lại trên TikTok, cùng kiểm chứng xem phương pháp này có hiệu quả không.

Trong thời gian qua, các từ khóa liên quan đến trị mụn bằng tỏi đang rất phổ biến trên TikTok. Phương pháp làm đẹp này được ưa chuộng bởi tính đơn giản, dễ thực hiện tại nhà, chi phí thấp và hứa hẹn mang lại kết quả bất ngờ. Nhưng liệu tỏi có thực sự là thần dược cho làn da mụn?

Ăn tỏi sống

Những video ngắn chia sẻ về hành trình ăn tỏi sống mỗi ngày để trị mụn đã thu hút hàng triệu lượt xem, trong đó có video vượt ngưỡng 20 triệu lượt. Khi tìm kiếm các từ khóa liên quan, hàng nghìn video tương tự hiện lên, thu về lượt xem khủng mỗi ngày.

Theo một nghiên cứu của National Library of Medicine năm 2014, tỏi có chứa các hợp chất có khả năng ức chế sự phát triển của một số vi khuẩn và nấm, từ đó có thể giúp cải thiện một số vấn đề về da. Nhưng dữ liệu ít ỏi hiện tại vẫn chưa đủ để khẳng định rằng chỉ cần ăn tỏi mỗi ngày là có thể giảm mụn.

Bôi tỏi sống lên da

Tỏi chứa các hợp chất tự nhiên có khả năng kháng khuẩn và chống viêm, tương tự như tác dụng của các thực phẩm giàu chất chống ôxy hóa như trà xanh, quả mọng và lựu.

Tỏi chứa các hợp chất tự nhiên có khả năng kháng khuẩn và chống viêm, tương tự như tác dụng của các thực phẩm giàu chất chống ôxy hóa như trà xanh, quả mọng và lựu.

Mặc dù tỏi nổi tiếng với nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng các chuyên gia da liễu khuyến cáo rằng không nên đắp tỏi sống trực tiếp lên da, bởi tỏi sẽ gây ra kích ứng, bỏng rát và làm tình trạng mụn thêm trầm trọng.

Việc sử dụng tỏi không đúng cách có thể kéo theo nhiều hậu quả, làm chậm quá trình hồi phục và khiến da trở nên nhạy cảm, dễ tổn thương hơn, đặc biệt khi bôi trực tiếp lên da.

Cho đến nay, chưa có đủ bằng chứng khoa học để khẳng định sự lành tính và hiệu quả của trào lưu làm đẹp này. Mặc dù chỉ ăn tỏi mỗi ngày không phải là giải pháp trị mụn, nhưng loại thực phẩm này có thể mang lại nhiều lợi ích khi kết hợp với chế độ ăn uống cân bằng, giàu chất xơ và ít đường. Bạn có thể ăn tỏi mỗi ngày với liều lượng vừa phải nhưng tuyệt đối không nên đắp tỏi trực tiếp lên da dưới bất kỳ hình thức nào nếu không có chỉ định từ bác sĩ.

Những video làm đẹp ngắn ngủi trên TikTok có thể rất thuyết phục, nhưng nếu áp dụng mà thiếu sự tìm hiểu, bạn có thể gây ra những tổn thương lâu dài lên làn da. Vì vậy, hãy tiếp cận các phương pháp làm đẹp có chọn lọc và đừng vội tin vào trào lưu.

Sức hấp dẫn của những phương pháp làm đẹp đơn giản, tiết kiệm, kèm theo hứa hẹn về kết quả luôn khiến người ta xiêu lòng, nhất là khi được đông đảo cộng đồng làm đẹp hưởng ứng. Khi gặp vấn đề về mụn và muốn giải quyết chúng thật nhanh, chúng ta dễ bị cuốn vào những trào lưu tưởng chừng vô hại, nhưng chưa được kịp chứng. Vì vậy, trước khi liều lĩnh áp dụng bất kỳ phương pháp nào lên da của mình, hãy dừng lại và suy nghĩ về những hậu quả tiềm tàng của các giải pháp làm đẹp cấp tốc này.

Ái Phương

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/phuong-phap-tri-mun-bang-toi-dang-viral-tren-top-top-co-thuc-su-hieu-qua-post1674192.tpo