Phương Tây ra đòn với năng lượng Nga, Moscow vẫn thu lợi nhuận cao ngất ngưởng, khách hàng lớn châu Á 'vô tình hay hữu ý'?

Trong khi châu Âu gặp khó khăn trong việc xoay trục khỏi khí đốt Nga do hạn chế của cơ sở hạ tầng đường ống hiện có, Moscow lại thành công hơn trong việc duy trì và tăng doanh số bán dầu.

Sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine (tháng 2/2022), EU đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Moscow, làm tê liệt hệ thống tài chính và cấm nhập khẩu nhiều hàng hóa của nước này. (Nguồn: Reuters)

Sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine (tháng 2/2022), EU đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Moscow, làm tê liệt hệ thống tài chính và cấm nhập khẩu nhiều hàng hóa của nước này. (Nguồn: Reuters)

Ấn Độ, Trung Quốc chỉ đang tận dụng cơ hội

Theo thống kê, số lượng dầu Ấn Độ và Trung Quốc mua của Moscow đã bù đắp phần lớn sự sụt giảm trong các chuyến hàng từ Nga đến châu Âu.

Một phân tích của Financial Times về dữ liệu thống kê của hải quan Trung Quốc và Ấn Độ cho thấy, trong quý II/2022, lượng dầu các quốc gia châu Á này nhập từ Nga tăng 11 triệu tấn so với quý đầu tiên, với kim ngạch tăng 9 tỷ USD.

Sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine (tháng 2/2022), Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh, Canada và Nhật Bản đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Moscow, làm tê liệt hệ thống tài chính và cấm nhập khẩu nhiều hàng hóa của nước này.

Nhưng các khách hàng ở Trung Quốc và Ấn Độ, những quốc gia đông dân nhất thế giới, vẫn tiếp tục mua dầu và nhiều mặt hàng khác, như than đá và phân bón, của Nga.

Trung Quốc, vốn là một khách hàng quan trọng đối với dầu thô của Nga trước xung đột ở Ukraine, đã mua 2 triệu thùng/ngày trong tháng 5/2022, tăng 0,2-0,4 triệu thùng/ngày so với tháng 1 và tháng 2 năm nay.

Bằng chứng về việc gia tăng các lô hàng đến Ấn Độ và Trung Quốc diễn ra vào thời điểm Mỹ đang thúc đẩy các nhà nhập khẩu dầu của Nga, bao gồm cả New Delhi, tham gia Hội nghị Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) để ủng hộ việc nhóm này áp giá trần với dầu của Moscow.

Alexander Gabuev, thành viên cấp cao tại tổ chức tư vấn Carnegie Endowment for International Peace có trụ sở tại Mỹ, cho biết, Ấn Độ và Trung Quốc đang “tận dụng các cơ hội trên thị trường”.

Chuyên gia này nói: “Đó không phải là do các nước châu Á muốn giúp Nga. Nhưng thực tế, việc này tạo ra dòng tiền giúp Điện Kremlin trong bối cảnh sụt giảm doanh thu xuất khẩu sang châu Âu”.

Các cảng và nhà máy lọc dầu ven biển của Ấn Độ nằm trong tầm tiếp cận dễ dàng với các tuyến đường vận chuyển từ các quốc gia xuất khẩu dầu gần Nga hơn nhiều, bao gồm Saudi Arabia, Iraq và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Ông Biswajit Dhar, Giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và lập kế hoạch tại Đại học Jawaharlal Nehru (New Delhi, Ấn Độ), cho biết: “Quan điểm của tôi về việc Ấn Độ tăng lượng dầu nhập khẩu từ Nga đó là do hiệu quả kinh tế. Trong tình hình áp lực lạm phát và tình trạng thiếu phân bón đang làm đảo lộn mọi tính toán, nguồn cung cấp của Moscow rất hữu ích”.

Giáo sư Dhar cho biết "yếu tố quan trọng" trong việc mua hàng của Ấn Độ là sự trung lập của nước này đối với xung đột ở Ukraine. Nga cũng là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của New Delhi.

Trong khi thông tin về thị trường nhập khẩu dầu của Ấn Độ không rõ ràng, các nhà phân tích cho biết, họ tin rằng nước này cũng đang tận dụng chiết khấu giá từ Nga.

Kể từ xung đột ở Ukraine, dầu của Nga đã được giảm giá tới 30 USD/thùng so với dầu thô Brent. Tuy nhiên, tổng doanh thu Moscow nhận được từ nhiên liệu này vẫn cao hơn so với năm 2021 do giá toàn cầu đã tăng quá mạnh trong năm.

Dữ liệu của hải quan Trung Quốc cũng cho thấy, giá dầu nước này nhập từ Nga gần bằng với giá thời điểm trước xung đột. Tuy nhiên, do giá dầu toàn cầu tăng mạnh trong thời gian từ tháng 2 đến nay, các số liệu ngụ ý rằng, giá dầu mua bán giữa hai nước thấp hơn giá thị trường.

Theo đó, trong quý II/2022, Trung Quốc nhập khẩu dầu thô từ Saudi Arabia, Iraq và Oman (những nguồn cung cấp dầu thô hàng đầu của Bắc Kinh, bên cạnh Nga) với giá 800 USD/tấn, trong khi con số này nếu mua hàng của Nga vẫn chỉ ở mức 700 USD/tấn.

Theo số liệu thống kê, Ấn Độ thậm chí còn được giảm giá khi mua hàng từ Nga so với thời kỳ trước xung đột. Dầu xuất khẩu từ Nga sang Ấn Độ có giá trung bình 790 USD/tấn trong quý đầu tiên nhưng đã giảm xuống còn 740 USD/tấn trong quý thứ hai. Trong khi đó, giá nhập khẩu dầu từ các nguồn cung khác ngoài Nga lại tăng.

Nga kiếm bộn tiền đến khi nào?

Ông Neil Crosby, nhà phân tích cấp cao của công ty nghiên cứu thị trường dầu mỏ OilX tại Vienna, Áo cho biết: “Mặc dù chúng tôi không biết con số chính xác, nhưng dường như xuất khẩu dầu của Nga đang giảm giá đáng kể”.

Nửa đầu năm 2022, lợi nhuận tại Tatneft, một trong những nhà sản xuất dầu lớn nhất của Nga, tăng 52% so với cùng kỳ năm ngoái. (Nguồn: Tatneft.ru)

Nửa đầu năm 2022, lợi nhuận tại Tatneft, một trong những nhà sản xuất dầu lớn nhất của Nga, tăng 52% so với cùng kỳ năm ngoái. (Nguồn: Tatneft.ru)

Bà Elina Ribakova, nhà kinh tế tại Viện Tài chính quốc tế (Institute for International Finance) có trụ sở ở Mỹ, cho biết, bất chấp việc giảm giá, các công ty dầu mỏ của Nga vẫn có thể kiếm được lợi nhuận cao ngất ngưởng.

Nửa đầu năm 2022, lợi nhuận tại Tatneft, một trong những nhà sản xuất dầu lớn nhất của Nga, đã tăng 52% so với cùng kỳ năm ngoái.

Phát biểu tại một diễn đàn kinh tế hôm 7/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, nước này sẽ không gặp vấn đề gì khi bán năng lượng cho các khách hàng không phải là phương Tây.

Trong khi châu Âu gặp nhiều khó khăn trong việc xoay trục khỏi nguồn cung khí đốt Nga do cơ sở hạ tầng đường ống hiện còn nhiều hạn chế, Moscow vẫn thành công trong việc duy trì doanh số bán dầu.

Tổng thống Nga nói: “Nhu cầu (về khí đốt) rất lớn trên thị trường thế giới nên chúng tôi không gặp vấn đề gì khi bán hàng”.

Khẳng định Moscow sẽ từ bỏ các hợp đồng năng lượng và cắt nguồn cung nếu G7 áp giá trần đối với dầu Nga, đồng thời cảnh báo phương Tây sẽ bị "đóng băng", nhà lãnh đạo Nga nói: “Chúng tôi sẽ không cung cấp khí đốt, dầu mỏ, than đá… chúng tôi sẽ không cung cấp bất cứ thứ gì”.

Tuy nhiên, nhà kinh tế Ribakova cho biết: “Các nhà chức trách của Nga hiện có thể đang cười, nhưng họ sẽ trở nên phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc và Ấn Độ để xuất khẩu năng lượng khi châu Âu xoay trục khỏi khí đốt của Nga trong một đến hai năm tới.

Đây là lý do tại sao Nga đang sử dụng đòn bẩy của mình, vì họ sớm biết rằng, nó sẽ không còn hiệu quả trong các cuộc chiến năng lượng nữa”.

(theo FT)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/phuong-tay-ra-don-voi-nang-luong-nga-moscow-van-thu-loi-nhuan-cao-ngat-nguong-khach-hang-lon-chau-a-vo-tinh-hay-huu-y-197476.html