Pờ Ly Ngài, độc đáo nghề chạm khắc bạc

BHG - Xã Pờ Ly Ngài cách trung tâm huyện Hoàng Su Phì 23 km về phía Bắc, dân tộc Nùng chiếm 95% dân số. Bà con nơi đây vẫn lưu giữ được nhiều văn hóa đặc sắc, trong đó có nghề chạm khắc bạc của người Nùng.

Lửa bạc – công đoạn quan trọng trong quy trình chạm khắc bạc.

Lửa bạc – công đoạn quan trọng trong quy trình chạm khắc bạc.

Là thợ làm nghề chạm khắc bạc đã lâu, ông Lù Văn Chấn, thôn Tà Đản, xã Pờ Ly Ngài tự học hỏi và duy trì nghề này đến nay, không những thế, ông còn tích cực truyền nghề lại cho con cháu và những người đam mê công việc này. Ông Chấn chia sẻ: Để học và làm được nghề chạm bạc, người tiếp thu nhanh có thể thực hành và ra sản phẩm hoàn chỉnh trong khoảng 2, 3 ngày. Nghề này phải làm hoàn toàn thủ công rất cầu kỳ và tỉ mỉ ở từng công đoạn, từ nung lửa đỏ, kéo bạc và chạm khắc hoa văn. Phải thực sự yêu nghề, đam mê và khéo léo mới có thể làm được. Các sản phẩm hoàn thiện được bán tại chợ phiên hoặc làm theo khách đặt hàng, qua đó mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình.

Các sản phẩm bằng bạc được chế tác rất tinh xảo.

Các sản phẩm bằng bạc được chế tác rất tinh xảo.

Xã Pờ Ly Ngài có đường giao thông đi lại còn khó khăn, ngoài sản xuất nông nghiệp, người dân nơi đây làm thêm nhiều nghề thủ công, chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Phụ nữ trồng bông, kéo sợi, dệt vải, nhuộm chàm; nam giới làm nghề rèn, đúc, chạm khắc bạc… Tuy nhiên, số gia đình còn duy trì nghề không còn nhiều, chủ yếu tại thôn Tà Đản và một vài nghệ nhân ở thôn khác.

Trong đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Nùng, những vật trang sức được chế tác bằng bạc có một giá trị to lớn. Bạc không chỉ làm trang sức tạo điểm nhấn cho trang phục truyền thống, mà có nhiều bạc thể hiện sự giàu có, ấm no và còn để trừ tà ma, mang lại sự may mắn, tài lộc. Đặc biệt, đối với phụ nữ dân tộc Nùng, trang sức bạc được xem là “vật bất ly thân”, bạc gắn với trang phục truyền thống của các cô gái và cũng là một trong những món của hồi môn mà bố mẹ chuẩn bị cho con gái khi về nhà chồng hoặc là lễ vật mà bố mẹ chồng sẽ tặng cho con dâu mới... Chính vì thế, bạc mang trong mình những giá trị văn hóa đặc sắc, truyền từ đời này sang đời khác.

Để tạo ra những món đồ trang sức chất lượng cao, người nghệ nhân phải tìm kiếm, sử dụng nguyên liệu là bạc hoa xòe và bạc miếng. Từ những dụng cụ thủ công như: Kéo cắt, kìm vặn, búa đập, đế gỗ, nồi đun… cùng với bàn tay khéo léo, óc sáng tạo, những nghệ nhân đã chế tác ra nhiều loại trang sức có họa tiết, hoa văn tinh xảo, gần gũi với cuộc sống con người.

Một bộ trang sức đầy đủ có khoảng trên chục loại khác nhau như: Vòng tay, vòng cổ, khuyên tai, khuy cài khăn và áo, nhẫn đeo tay… Với một người thợ quen tay nghề chỉ trong 1 ngày có thể hoàn thiện từ 2 - 4 sản phẩm khác nhau có họa tiết đơn giản; đối với những sản phẩm có họa tiết phức tạp hơn sẽ mất khoảng 2 - 3 ngày cho một sản phẩm hoàn chỉnh. Với giá bán khoảng 10 triệu đồng một bộ trang sức đầy đủ, nghề chạm khắc bạc không chỉ mang lại nguồn thu nhập cho gia đình, địa phương mà còn góp phần tạo nét văn hóa đặc trưng, riêng có dân tộc Nùng, tạo dựng tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch gần gũi và thật sự bền vững.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa, nghề chạm khắc bạc của người Nùng ở xã Pờ Ly Ngài được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2019.

Bài, ảnh: Phương An (Sở Văn hóa, TT&DL)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202204/po-ly-ngai-doc-dao-nghe-cham-khac-bac-9a97c57/