Prompts – điều gì nên biết?

Cũng tương tự với ChatGPT, người sử dụng tương tác với một số ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) khác bằng cách nói hoặc viết câu hỏi hay đề tài theo yêu cầu. Những miêu tả nói trên được gọi là 'prompts', tạm dịch là 'câu lệnh'…

Đến giờ thì hầu như chúng ta không còn xa lạ với những sáng tạo của AI, từ tranh vẽ, âm nhạc, văn học, đến những bức ảnh “giả” nếu nhìn không kỹ, ai cũng nghĩ là ảnh thật. Để tạo ra những nội dung nói trên, “tác giả” chỉ cần nhập vào ứng dụng AI một số miêu tả kết quả mong muốn.

Ví dụ, khi nhập miêu tả: “Một nhà du hành vũ trụ trong một không gian siêu thực theo phong cách hiện thực”, “một công chúa phong cách nổi loạn ngủ trên bãi biển dưới ánh trăng kiểu 3D”, hay “cảnh Hà Nội theo phong cách Gauguin” vào Dall-E hay MidJourney, các ứng dụng này sẽ tạo ra những bức tranh đúng như các miêu tả ở trên.

Cũng tương tự với ChatGPT, người sử dụng tương tác với ứng dụng AI này bằng cách nói hoặc viết câu hỏi hay đề tài theo yêu cầu. Những miêu tả nói trên được gọi là “prompts”, tạm dịch là “câu lệnh”. Tất nhiên, tùy vào prompts mà kết quả sáng tạo sẽ khác nhau. Nếu prompts có chi tiết cụ thể, logic, độc đáo thì kết quả cũng sẽ tương ứng.

Một prompts viết bởi người chưa có kinh nghiệm sẽ tạo ra kết quả kém xa bức tranh “Edmond de Belamy” của nhóm nghệ sĩ Pháp Obvious bán với giá 432.000 đô la Mỹ tại nhà đấu giá Christie, New York, Mỹ hay bức tranh Theấtre D’opéra Spatial của Jason Allen, được giải cao nhất trong một cuộc thi tranh có tiếng ở Mỹ.

Có thể nói, viết prompts cũng là một… nghệ thuật. Hiện nay, cư dân mạng ghiền sáng tạo AI trao đổi với nhau trên Discord, Reddit những bí quyết viết prompts, từ miễn phí đến phải trả tiền. Thậm chí, thị trường mua bán prompts cũng đang hình thành. Trên trang web Promp Base chúng ta có thể mua bán các prompts cho ứng dụng Dall-E, mức giá từ 3-10 đô la, với các prompts vô cùng đa dạng, từ “hình minh họa rực rỡ, ấn tượng và bí ẩn” cho đến “kế hoạch hoàn chỉnh thành lập một startup”…

Viết prompts, trong tương lai, hoàn toàn có thể là một năng lực mà nhiều doanh nghiệp tìm kiếm, cũng như có thể được đưa vào chương trình giáo dục, đào tạo. Prompts cũng có một giá trị kinh tế, giá trị chiến lược nhất định. Để viết ra được những prompts có chất lượng thì người dùng cũng phải có những kiến thức vững vàng. Vì thế, prompts đang trở thành một công cụ đầy quyền lực trong thế giới số.

Dưới khía cạnh pháp lý, prompts đang đặt ra một số vấn đề sau đây:

Thứ nhất, hiện nay, chưa có quy định nào liên quan tới việc các nhà cung cấp dịch vụ AI xử lý các prompts được sử dụng trên các nền tảng – vì thế việc các công ty này lưu giữ và sử dụng lại prompt trong điều kiện nào còn chưa rõ ràng. Khi nội dung prompts được nhập vào ứng dụng, các thông tin này có thể được chính các nhà cung cấp dịch vụ AI sử dụng để nâng cấp dịch vụ AI, hay vào các mục đích khác.

Hiện nay đang có hàng triệu người trên thế giới sử dụng ChatGPT để tổng hợp thông tin, làm công thức nấu ăn, thậm chí làm thơ hay viết truyện ngắn. Không chỉ thế, gần đây, một vấn đề kỹ thuật của ChatGPT đã dẫn đến việc một số người dùng dịch vụ này có thể nhìn thấy lịch sử tương tác của người dùng khác, với những nội dung mang thông tin nhạy cảm.

Chúng ta thường háo hức khám phá khả năng sáng tạo của AI mà quên mất rằng nhiều khi trong lúc tương tác với AI chúng ta đã để lộ các thông tin cá nhân hay thông tin mang tính nhạy cảm. Hơn nữa, hiếm khi các nền tảng AI cảnh báo người dùng về vấn đề này. Tất nhiên, đây không phải là lý do để chúng ta ngưng sử dụng AI.

Tuy nhiên, người dùng cần luôn thận trọng khi đưa ra các thông tin trong prompts – hay ít nhất hãy tham khảo các điều kiện sử dụng nền tảng. Chính vì lý do này mà nhiều doanh nghiệp như Amazon, Walmart hay Samsung đã cấm nhân viên sử dụng ChatGPT, để tránh để lộ những thông tin bí mật. Một số doanh nghiệp khác thì nghĩ tới khả năng áp dụng những quy định liên quan tới việc chỉ cho phép sử dụng prompts trong những trường hợp nhất định.

Thứ hai là vấn đề trách nhiệm pháp lý đối với prompts (ví dụ như trong trường hợp tạo ra các nội dung vi phạm pháp luật). Ngược lại với các công cụ vi tính truyền thống như xử lý văn bản hay chỉnh sửa ảnh, các hệ thống sáng tạo nội dung AI lại không tuân thủ hoàn toàn chính xác prompts mà người dùng nhập vào, điều đó có nghĩa là luôn tồn tại một khả năng “ngẫu nhiên, tình cờ” nào đó ảnh hưởng đến nội dung tạo ra.

Chính vì thế, việc xác định trách nhiệm pháp lý không phải là dễ dàng. Đây cũng là một vấn đề đặt ra cho các nhà làm luật quản lý AI hiện nay.

Cuối cùng, chúng ta có thể nghĩ tới prompts như một “tài sản”. Prompt có được coi là “sáng tạo trí óc” của con người, và được hưởng quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), như quyền tác giả đối với tác phẩm? Ở thời điểm này chúng ta có thể phần nào thấy được khuynh hướng chung của các cơ quan SHTT quốc gia từ chối bảo hộ quyền tác giả cho các sáng tạo do AI làm ra.

Tuy nhiên, đối với prompts, thì chưa có câu trả lời rõ ràng nào. Nếu như prompts chỉ dừng lại ở mức độ một “ý tưởng” như trong phần lớn các trường hợp, thì nó khó có thể được coi là một tác phẩm được luật về quyền SHTT bảo hộ. Một số chuyên gia gợi ý áp dụng chế độ pháp lý “bí mật kinh doanh” cho prompts, nhưng trong một số trường hợp prompt lại cần được đăng tải rộng rãi để đảm bảo tính minh bạch. Câu chuyện về prompts, chắc chắn sẽ còn dài…

Lê Thiên Hương

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/prompts-dieu-gi-nen-biet/