PSG và một tỷ euro để đánh đổi giấc mơ Champions League
Người Qatar gọi chung kết Champions League mùa này là một trận Qlassico (kinh điển của người Qatar). Suy nghĩ ấy có phần ngạo mạn nhưng không hề sai.
Các CLB Pháp thường không có thói quen dùng tiền để cạnh tranh với những nền bóng đá hàng đầu châu Âu. Người Pháp coi bóng đá như một công cụ để giải quyết các vấn đề xã hội hơn là phát triển kinh tế.
Giải VĐQG Pháp lên chuyên nghiệp vào năm 1932, với nhiều lời dè bỉu về việc tiền bạc có thể phá hỏng vẻ đẹp của bóng đá.
Chính vì thế, việc một đội bóng của thủ đô Paris dùng rất nhiều tiền để khuynh đảo cả thế giới được coi là điều chưa có tiền lệ.
Nhưng trong một thời đại mà bóng đá đã trở thành ngành công nghiệp không khói khổng lồ và khắc nghiệt, những vườn ươm tài năng như Lyon hay Lille là không đủ nếu người Pháp muốn chinh phục đỉnh cao.
Luồng gió mát cho bóng đá Pháp
Gần một thập niên với hơn một tỷ euro ném vào thị trường chuyển nhượng, người Qatar chỉ còn cách một trận đấu nữa để hiện thực hóa giấc mơ lên đỉnh châu Âu.
Bên ngoài xứ lục lăng, các ông chủ người Qatar của PSG có thể bị coi là những kẻ phá giá thị trường hoặc nặng nề hơn là hủy hoại bóng đá. Nhưng với người Pháp, dòng tiền khổng lồ từ Qatar là lối thoát cho một nền bóng đá đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi các vấn đề kinh tế xã hội trong lòng đất nước.
Liên đoàn Bóng đá Pháp (khác với UEFA) chào đón nhiệt liệt việc đầu tư của Qatar Sports Investments (QSI) vào PSG.
Năm 2012, khi Zlatan Ibrahimovic cập bến Ligue 1, giải đấu đã lên cơn sốt. Nhiều năm rồi, bóng đá Pháp chưa chứng kiến một ngôi sao lớn cập bến. Ibra nhận lương 14 triệu euro/năm tại thủ đô Paris, nhờ sự ngạo nghễ và tài năng bóng đá xuất chúng.
Cho đến trước trận chung kết với Bayern Munich, các ông chủ người Qatar đã rót 1,2 tỷ euro vào PSG (theo thống kê từ Marca). 222 triệu euro trong đó là số tiền PSG dành riêng để mua Neymar vào mùa hè 2017.
Toàn bộ đội hình Bayern ra sân trong trận đấu với Lyon được CLB nước Đức mua với giá hơn 80 triệu euro. Đó cũng là giá chuyển nhượng của Lucas Hernandez, bản hợp đồng đắt giá nhất lịch sử đội bóng vùng Bavaria.
QSI mua PSG vào năm 2011 với giá 50 triệu euro. Từ đó đến nay, họ đã tiến những bước rất dài trên con đường chinh phục lục địa già.
Neymar đến, Mbappe được đem về từ Monaco. So với các ông chủ người UAE của Man City, giới chủ Qatar của PSG còn chịu chơi hơn.
Một thống kê vào năm 2018 của Premier League cho thấy PSG trả lương cầu thủ nhiều hơn 77,6 triệu euro so với mặt bằng chung trong top 5 giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu. Số tiền thực tế PSG phải trả còn lớn hơn bởi Chính phủ Pháp đánh thuế thu nhập cá nhân lên tới 75% cho những ngôi sao triệu phú.
Nỗi xấu hổ Camp Nou và kế hoạch 5 năm thất bại
QSI đặt mục tiêu vô địch Champions League trong vòng 5 năm kể từ khi tiếp quản PSG. Họ đã thất bại.
Với Thiago Silva, Javier Pastore, Zlatan Ibrahimovic, Edinson Cavani, Angel Di Maria và David Luiz trong đội hình, PSG không cho người ta thấy dấu hiệu về một cuộc lật đổ ở Champions League.
Sau khi thất bại trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, PSG muốn chơi lớn hơn. Neymar (222 triệu euro) và Mbappe (180 triệu euro) cùng đến vào mùa hè 2017.
Vài tháng trước khi nổ hai bom tấn khiến thế giới sửng sốt, PSG là nạn nhân của một trận đấu đã đi vào lịch sử bóng đá thế giới.
Ngày 8/3/2017, PSG thua 1-6 trước Barca tại Camp Nou, để rồi bị loại dù đã thắng 4-0 ở lượt đi.
Người Qatar coi đó là nỗi xấu hổ cấp quốc gia. Họ có quyền cảm thấy điều đó vì như HLV Arsene Wenger từng nói, sự điên rồ mà PSG làm trên thị trường chuyển nhượng là những gì xảy ra khi cả một đất nước sở hữu một CLB bóng đá.
Bầu trời của Chủ tịch PSG Nasser Al-Khelaifi sụp đổ khi Sergi Roberto ghi bàn thắng quyết định. “Tôi vẫn còn không thể tin nổi”, Khelaifi nói vài tháng sau trận thua.
Gia đình Hoàng gia Qatar tức giận. Họ mua PSG để nâng tầm vị thế của đất nước. “Thay vì mua vũ khí, họ mua một đội bóng”, chuyên gia địa chính trị Pascal Boniface phân tích trên Les Echos.
“Họ muốn bảo vệ, nâng cao vị thế của quốc gia và tạo ra tầm ảnh hưởng trên thế giới. Đó là một chiến lược dài hạn”, Pascal phân tích tiếp.
Thất bại trước chính Barca đã chạm vào lòng tự ái của người Qatar. Người ta cũng cần nhớ Barca chính là một trong nhiều CLB lớn của châu Âu đứng sau Luật Công bằng Tài chính (FFP). Đối tượng mà bộ luật ấy nhắm tới là sự trỗi dậy của Man City và PSG.
Thông điệp từ chính quyền Hoàng gia Qatar sau đó được phát ra: PSG sẽ không dừng lại. Khi kế hoạch A thất bại, họ sẽ chuyển sang kế hoạch B.
Và lần này, Khelaifi phải đảm bảo mọi thứ đi đúng kế hoạch.
'Cho châu Âu thấy ánh sáng của Qatar'
“Tôi không quan tâm về FFP”, Le Monde tiết lộ lời Hoàng thân Al Thani, người được cho là đứng sau mọi kế hoạch đầu tư của Chính phủ Qatar vào PSG nói với Khelaifi.
“Tìm cách lách chúng đi, đổ tiền vào. Chúng ta phải nâng vị thế của đất nước Qatar, phải cho họ (châu Âu) thấy ánh sáng của Qatar”, người đứng đầu Chính phủ Qatar từ năm 1995 đến 2013 nói.
Ba năm sau thảm họa tại Camp Nou, PSG đã vào chung kết Champions League. Họ làm được điều đó nhờ một hàng công trị giá gần 700 triệu euro, một HLV người Đức chuẩn chỉnh trên băng ghế huấn luyện và một đội bóng đã thất bại liên tục ở Champions League trong nhiều năm qua.
Trận đấu với Bayern Munich sẽ là một màn thị uy trong mơ với người Qatar. Ngay cả đối thủ từ nước Đức của họ, Bayern, cũng là một đối tác chiến lược thân thiện với chủ nhà World Cup 2022. Hãng hàng không quốc gia Qatar (Qatar Airways) là nhà tài trợ lớn của Bayern từ nhiều năm nay.
Ngay sau khi Bayern vượt qua Lyon ở bán kết Champions League, Qatar Airways đã hồ hởi gọi đây là trận Qlassico - hiểu nôm na là một trận kinh điển của người Qatar.
Suy nghĩ ngạo mạn ấy cũng có phần đúng. Trận chung kết của giải đấu danh giá nhất châu Âu cấp CLB, giờ đã trở thành show diễn mà người Qatar tự hào.