'Quả bom hẹn giờ'

Trại tị nạn al-Hol hiện là nơi tá túc của hàng chục nghìn người vốn từng phải sống dưới ách cai trị của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Đông Bắc Syria. Điều đáng nói là al-Hol đang bị xem là một 'quả bom hẹn giờ'-nơi nuôi dưỡng và truyền bá tư tưởng cực đoan của IS.

Tờ Business Insider cho rằng, al-Hol không phải là một trại tị nạn bình thường khi chứa tới 72.000 người mà phần lớn trong số này vẫn là những người ủng hộ IS. “Đó là tàn dư của IS. Khi IS dần sụp đổ, tin tức về cuộc chiến tại Syria cũng giảm dần. Thế giới và dư luận bắt đầu chuyển hướng chú ý sang các cuộc xung đột khác. Vì vậy, hầu như không ai chú ý đến những gì thực sự xảy ra với hàng chục nghìn tín đồ còn sót lại của IS”, tờ Business Insider nhấn mạnh.

Trong khi có tới 14.000 tay súng IS bị giam giữ, vợ và con cái của những đối tượng này, trong đó có 11.500 người nước ngoài đến từ 54 quốc gia, lại được đưa đến trại al-Hol. Một trong số 450 binh lính của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF)-nòng cốt là người Kurd và do Mỹ hậu thuẫn, có nhiệm vụ canh gác tại trại al-Hol chia sẻ với tờ Business Insider rằng, bản thân họ chỉ “kiểm soát hàng rào, các bức tường bao quanh trại, nhưng bên trong, IS tiếp tục quản lý trại”. “Chúng tôi bắt đầu nhận thấy rằng những người mới đến được tổ chức rất tốt. Họ thành lập lực lượng trị an riêng. Trại al-Hol là nơi tốt nhất để phát triển lực lượng IS mới. Việc truyền bá hệ tư tưởng IS đang có sự thay đổi. Bạn không thể phân biệt được ai là IS và ai không”, CNN dẫn lời ông Mahmoud Karo, người phụ trách các trại tị nạn ở huyện Jazira, Đông Bắc Syria.

 Phụ nữ và trẻ em tại trại al-Hol. Ảnh: CNN.

Phụ nữ và trẻ em tại trại al-Hol. Ảnh: CNN.

Theo CNN, khoảng 50.000 trong số những người đang tá túc tại trại al-Hol là trẻ em, phần lớn số còn lại là phụ nữ. Những người phụ nữ cực đoan bí mật tiếp tục thực thi những quy định hà khắc của cái gọi là Vương quốc Hồi giáo (Caliphate) trước đây. Họ giám sát sự trung thành của phụ nữ với IS, trừng phạt những ai bị nghi ngờ có sự do dự trong việc ủng hộ nhóm khủng bố cực đoan này. Các quan chức quản lý người Kurd gọi trại al-Hol là “học viện IS”-nơi có sự pha trộn “độc hại” của những đối tượng có ý định nuôi dưỡng hệ tư tưởng IS và những người muốn gác lại quá khứ. Nhiều phụ nữ trong khu chợ của trại al-Hol nói với CNN rằng, ưu tiên lớn nhất của họ là làm sao chồng và con trai-vốn là các tay súng IS đang bị SDF giam giữ, được tự do. “Tôi nói với các con tôi rằng cha chúng ở với những kẻ ngoại đạo. Nếu các tù nhân không được thả, sự thù hận sẽ gia tăng đối với phụ nữ và trẻ em tại đây”, CNN dẫn lời một phụ nữ.

Aisha đến Syria vào năm 2014 để được đoàn tụ với chồng, một tay súng IS người Đức. Người mẹ trẻ này đã cùng các con chạy trốn khỏi IS vào năm 2017 và đầu hàng các tay súng người Kurd. Đó là lý do tại sao cô đang bị những phụ nữ ủng hộ IS khác trong trại al-Hol đe dọa. “Một ngày ở đây, trong trại địa ngục này còn tồi tệ hơn một năm tù”, Aisha nói với tờ Business Insider.

Tờ Business Insider cho biết, gần đây một video được đăng tải trên internet cho thấy đám đông vỗ tay nhiệt tình trước lá cờ IS màu đen được treo ở trung tâm trại al-Hol. Tình hình an ninh ở đây hoàn toàn bất ổn khi hai người bỗng nhiên bị giết bằng dao vào ban đêm, một số phụ nữ và trẻ em đã biến mất không một dấu vết. Một phụ nữ kể với CNN rằng, lều của cô đã bị đốt còn người bạn của cô vì sợ bị đâm đến nỗi không dám ngủ. Trong một số lều, lực lượng an ninh còn tìm thấy cả súng và chất nổ. “Lần ra dấu vết thủ phạm rất khó khăn. Gần như không thể xác định được danh tính những phụ nữ mặc trang phục trùm đầu kiểu niqab. Họ thường xuyên chuyển từ lều này sang lều khác để tránh bị bắt”, ông Mahmoud Karo chia sẻ với CNN.

Cách đây 3 năm, Abdel Qader Mohammed đã cùng vợ và con cái chạy trốn khỏi tỉnh Deir Ezzor ở miền Đông Syria và họ trở thành một trong những người đầu tiên tới lánh nạn tại trại Al-Hol. Abdel Qader Mohammed mở tiệm cắt tóc trong một căn phòng nhỏ ở đây. “Tôi đến al-Hol để thoát khỏi IS, vậy mà bây giờ chúng tôi lại ở trong một trại đầy rẫy IS. Chúng tôi không thể nói chuyện với những người theo IS ở đây. Ngay cả khi cắt tóc, họ cũng bắt đầu câu chuyện bằng cách nói rằng chúng tôi là những kẻ ngoại đạo”, Abdel Qader Mohammed kể với CNN.

Theo tờ Business Insider, trong khi SDF muốn trục xuất những người nước ngoài ủng hộ IS tại trại al-Hol, hầu hết các quốc gia đều từ chối tiếp nhận công dân của họ. Trại al-Hol không nhận được viện trợ. Người Kurd tuyên bố rằng, họ thiếu tài chính và lực lượng để “chiến đấu hiệu quả trong trại này”. Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế gần đây mô tả trại al-Hol rơi vào tình trạng “tận thế”. CNN cho biết, không có bất cứ một chương trình “giáo dưỡng” nào tại trại al-Hol. “Trại al-Hol là một nơi khốn khổ mà các quốc gia muốn tránh xa. Nó là di sản của cuộc chiến hôm qua. Điều này khiến al-Hol trở nên đặc biệt nguy hiểm vì nếu cứ bỏ mặc như vậy, khu trại lộn xộn này sẽ dung dưỡng mầm mống của một cuộc chiến tiếp theo, của một thế hệ báo thù cho IS”, CNN nhận xét.

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/qua-bom-hen-gio-593376