Qua chợ Chờ nhớ về bến đợi

Bắc Ninh có nhiều vùng quê văn hóa. Huyện Yên Phong có dòng sông Cầu chảy qua, uốn lượn như một dải lụa. Tôi nhớ dòng sông Cầu ngày xưa hiền hòa, chợ Chờ cũng hiền hòa và cách đó không xa là thôn Trác Bút, một miền quê nuôi chim bồ câu và thường tổ chức những buổi thi chim vui nhộn, thể hiện nếp sống văn hóa độc đáo của vùng quê, lòng yêu chuộng hòa bình.

Tôi cũng ấn tượng lắm những cánh chim câu tượng trưng cho hòa bình dập dờn bay trên trời cao, bên dưới, những đôi mắt em nhỏ ngước lên đầy hồn nhiên. Rồi khi yêu những cánh chim, tôi lại ao ước tìm về hỏi han những cách nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy cho những chú chim cách chinh phục đỉnh cao để giành chiến thắng trong những hội thi vui nhộn.

Đã yêu đất thì cũng thương người nông dân hay lam hay làm, một nắng hai sương. Rồi những chiều đi qua thị trấn, tôi cứ ấn tượng mãi với tên thị trấn Chờ, chợ Chờ, bởi nó có tác động đến tâm trí, nghe như một dòng nhạc đang du dương cao chợt chùng xuống. Như một câu thơ đang vui chợt lặng đi. Thị trấn Chờ. Như thể ở nơi này đã có bao nhiêu cuộc chia ly, bao nhiêu người phụ nữ hoe mắt đỏ quyến luyến tiễn đưa rồi đằng đẵng chờ đợi người phương xa.

Nhiều lần tôi đi dạo chợ Chờ, rồi men theo những hàng cây ở phố Chờ. Hàng cây xanh mát nơi thị trấn khá bình yên gợi cho tôi nhiều nỗi niềm. Nó gợi đến tình nghĩa của con người vô cùng nhân văn. Đã chờ đợi thì có hồi hộp hy vọng, có niềm tin và có ở nơi xa có người mong ngóng trở về. Chờ đợi luôn là một cử chỉ đẹp rất cần cho cuộc sống. Với lòng ham hiểu, tôi đã tìm các lão niên để hỏi về khởi nguồn của tên thị trấn. Các lão niên kể rằng, xưa đoạn ngã ba sông Cà Lồ và sông Cầu có bến đò Lủ. Nơi đó hoang vắng nên trộm cướp thường hoành hành, bà con đi buôn bán qua lại lo lắng, nên đổi tên thành bến đò Lo. Ai đi sớm, qua trước thì đứng đợi ở trước đình làng Phú Mẫn để chờ. Dần dần, nơi người đứng chờ thành chợ, gọi là chợ Chờ. Cư dân từ đó đông đúc dần, rồi trở thành thị trấn Chờ, huyện lỵ của huyện Yên Phong. Đúng là một câu chuyện gây nhiều xúc động.

Ven sông Cầu, cách thị trấn Chờ hiện còn rất nhiều di tích lịch sử-văn hóa, làm nên tên tuổi của vùng đất này. Sông Cầu còn có tên là sông Như Nguyệt. Vào thế kỷ 11, kháng chiến chống quân Tống xâm lược là cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của quân và dân nhà Lý, mà đỉnh cao là trận quyết chiến chiến lược trên phòng tuyến sông Như Nguyệt do Thái úy Việt quốc công Lý Thường Kiệt lãnh đạo. Trận đánh trên sông Như Nguyệt nằm trong chiến lược tổng thể của Lý Thường Kiệt, là bước phát triển rực rỡ của nghệ thuật chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Khu di tích lịch sử-văn hóa Thái úy Lý Thường Kiệt đã được xây dựng ngay tại chân đê sông Như Nguyệt, nhìn ra bến đò Như Nguyệt thơ mộng.

Tôi không thể nào thống kê hết những bến đò dọc tuyến sông Như Nguyệt, hay bến đò Lo năm xưa, nhưng chắc có lẽ, cuộc sống của người dân từ hàng trăm năm qua, chẳng thể nào thiếu những bến đò để qua sông, đặc biệt để từ Bắc Ninh sang đất Bắc Giang. Song, bến đò nào cũng đều gợi đến sự nhớ thương, tình cảm, bởi nhiều năm về trước, trai gái đôi bên kết duyên với nhau, đám rước dâu thường đi qua những bến đò. Lẽ thường, những con đò đợi, đón và trả khách, nhưng lại ấm áp lắm tiếng gọi đò. Để rồi những đón đưa của đời đò cũng giống như cách trao và nhận giữa đò-bến, bến-đò. Một sự trao-nhận thân thương và ấm áp. Càng ngẫm, càng thấy cuộc đời nhiều ý nghĩa và giàu lắm câu chuyện nhân văn, càng thấy mình bé nhỏ trước dòng đời, trước bến rộng sông dài. Như khi đến Yên Phong, chạm vào vùng ký ức của chợ Chờ, tôi còn được trải mình trước dòng sông lịch sử và dòng ký ức oai hùng của dân tộc. Không biết có ai chờ tôi ở phía đó, nhưng đúng là tôi đã được rất nhiều.

Tản văn của DIÊN KHÁNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/qua-cho-cho-nho-ve-ben-doi-660837