Quá nhiều thách thức trong xử lý các dự án ngàn tỷ nhưng yếu kém

Việc xử lý các đại dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả trong thời gian vừa qua đã đạt được những kết quả khả quan, tuy nhiên, theo chia sẻ của những 'người trong cuộc', thì để đưa các dự án cán đích sẽ là hành trình không hề dễ dàng...

Dưới sự đốc thúc quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 đang sắp về đích

Sau hơn 3 năm triển khai Quyết định số 1468/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Đề án xử lý các tồn tại yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ kém hiệu quả thuộc ngành công thương (Đề án 1468), ngày 4/11/2021, Ban chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của các dự án trên thống nhất đưa 5 dự án ra khỏi danh sách 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả.

Kết quả đáng kể này có được từ nhiều nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan trong việc tháo gỡ khó khăn về cơ chế và tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Để nhìn lại các kết quả đạt được, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm và thảo luận các giải pháp, đề xuất các cơ chế mới trong việc xử lý dự án kém hiệu quả, sáng nay, ngày 4/5 Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm "Xử lý các dự án yếu kém: Bài học kinh nghiệm và hướng đi tiếp theo".

CHÍNH PHỦ QUYẾT LIỆT TRONG VIỆC XỬ LÝ DỰ ÁN YẾU KÉM

Phát biểu tại sự kiện, ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, tại dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, từ một năm gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp chỉ đạo tại các phiên họp thường trực Chính phủ và Thủ tướng đã giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp chỉ đạo.

Yêu cầu của Thủ tướng là bằng mọi giá, mọi cách phải đưa dự án này vào vận hành, tháng 11 là phải đưa tổ máy 1 vào vận hành thương mại. Sau đó 1 tháng, tức tháng 12, là tổ máy số 2 vận hành thương mại.

Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 không chỉ là dự án quan trọng, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống an ninh năng lượng quốc gia, mà còn là dự án đóng góp rất lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Thái Bình, khoảng 1.000 tỷ cho ngân sách của Thái Bình. Đây cũng là mong mỏi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Bình.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã nhiều lần có mặt tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 để kiểm tra tiến độ của dự án.

Chỉ đạo gần như là pháp lệnh, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Tập đoàn Dầu khí với tư cách chủ đầu tư dựng đồng hồ đếm ngược tại công trường, hằng ngày nhìn thấy rằng còn bao nhiêu ngày nữa sẽ đến mục tiêu.

Cho đến nay, số lượng người làm việc tại dự án đã lên 1.000 người, cao hơn nhiều so với giai đoạn tái khởi động trước; 29 nhà thầu hiện nay đang làm các việc song song, những việc mang tính quan trọng để phục vụ đốt than.

Thứ trưởng Bộ Công thương đặt kỳ vọng: “Từ nay đến 16/6, chúng ta sẽ đạt được 2 mốc quan trọng. Một là hòa lưới điện lần đầu vào cuối tháng 4, nếu kịp vào 30/4 thì tốt. Sau đó sang mốc 16/6. Việc thì thực sự rất nhiều và đòi hỏi sự phối hợp kỹ giữa các nhà thầu, bởi 29 nhà thầu trên công trường bao gồm cả trong nước và nước ngoài, công việc điều phối rất quan trọng. Bộ Công Thương cũng bám sát, đồng chí Bộ trưởng Bộ Công Thương mùng 2 Tết Âm lịch đã trực tiếp xuống công trường, chưa kể các cuộc khác”.

TẬP ĐOÀN NHÀ NƯỚC GẶP KHÓ VÌ CÓ CỔ PHẦN ÍT TẠI CÁC DỰ ÁN “YẾU KÉM”

Trả lời về một số dự án của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang nằm trong nhóm các dự án chậm tiến độ, ông Nguyễn Hùng Dũng, Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), chia sẻ đối với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, nhiều người vẫn nói Tập đoàn này có 5 dự án nhưng theo ông Nguyễn Hùng Dũng, thực chất 5 dự án này không hoàn toàn của Tập đoàn.

Ví dụ dự án Bình Phước, Tập đoàn chỉ chiếm 29%, phía nước ngoài nắm cổ phần chi phối. Hay như Dự án Nhiên liệu sinh học Phú Thọ, Tập đoàn nắm 35%, 65% là các doanh nghiệp bên ngoài nắm. Với tỷ lệ sở hữu như vậy nên việc tham gia chỉ đạo, điều hành hoặc có can thiệp của Tập đoàn để hỗ trợ các doanh nghiệp này cực kỳ khó.

Dự án thứ ba là Dự án Nhiên liệu sinh học miền Trung, các công ty con của Tập đoàn chi phối. Khi triển khai Dự án này, giá dầu là 120-130 USD/thùng. Nhưng khi hoàn thành, do khủng hoảng năng lượng, giá dầu xuống và dự án không hiệu quả.

Tuy nhiên, PVN cũng rất nỗ lực có những chỉ đạo điều hành, báo cáo các cấp có thẩm quyền, trước đây là Bộ Công Thương và sau này là Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, có sự quan tâm, hỗ trợ giúp PVN xử lý các vấn đề tồn tại.

Về cơ bản, Nhà máy Nhiên liệu sinh học miền Trung trước đây đã vận hành thương mại 1,5 năm. Tại thời điểm vận hành thương mại đầu tiên chỉ lỗ lũy kế theo kế hoạch nhưng giai đoạn sau khi giá dầu xuống, dự án bắt đầu lâm vào khó khăn. Khi đầu tư xây dựng lãi suất rất cao, có thời điểm các doanh nghiệp của PVN tham gia góp vốn vào Dự án Nhiên liệu sinh học miền Trung phải vay tới 25-27%/năm. Có thể nói chi phí tài chính lớn ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp này.

Ông Nguyễn Hùng Dũng, Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (trái) trao đổi tại Tọa đàm - Ảnh: VGP.

Tới thời điểm hiện nay, về cơ bản các hạng mục công việc, các vấn đề liên quan đến hợp đồng dã được xử lý và được PVN báo cáo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước và Chính phủ đưa Dự án ra khỏi danh mục các dự án khó khăn, yếu kém để PVN chủ động đưa ra những quyết sách, cơ chế để xử lý dứt điểm tồn tại của dự án này.

Dự án thứ tư là Dự án Sơ sợi Đình Vũ. Dự án này trước đây PVN tham gia đầu tư với mong muốn góp phần bảo đảm nguồn sợi cho các doanh nghiệp may mặc trong nước. Qua thời gian đầu tư gặp một số khó khăn do thị trường, chúng ta hoàn toàn không chủ động được nguyên liệu nên dự án này gặp khó khăn.

Theo ông Nguyễn Hùng Dũng, hiện PVN cũng đã tìm kiếm các đối tác để cùng xử lý các vấn đề tài chính bảo đảm nguyên liệu đầu vào cũng như tiêu thụ sản phẩm của nhà máy. Đến thời điểm hiện nay, nhà máy hoạt động cơ bản ổn định, các phân xưởng đưa vào vận hành toàn bộ dây chuyền. Doanh nghiệp bắt đầu có lãi, tất nhiên lãi không lớn, bù đắp được miễn phí.

Quan điểm của PVN là chủ động xử lý các vấn đề liên quan đến nhà máy này, làm sao sau khi có lãi bắt đầu cổ phần hóa hoặc bán, chuyển nhượng cổ phần của PVN tại dự án này bởi dự án này không nằm trong cơ cấu các hoạt động sản xuất, kinh doanh chính của PVN.

Dự án thứ năm là Dự án đóng tàu Dung Quất. Khi tiếp nhận dự án từ Vinashine, dự án này trong giai đoạn đầu tư dở dang. Với sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, đặc biệt là của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, PVN đã nỗ lực chỉ đạo làm việc và hỗ trợ đơn vị ký kết các hợp đồng, tổ chức triển khai hoàn thiện các hạng mục đầu tư dở dang. Tới thời điểm hiện nay, nhà máy đã đóng một số tàu siêu trường, siêu trọng, thực hiện một số hoạt động sửa chữa, đóng mới các phương tiện cho các chủ tàu trong và ngoài nước.

Với phần tài sản đã hoàn thành, đã đưa vào sử dụng, nếu chỉ tính riêng phần tài sản tham gia và sản xuất kinh doanh, nhà máy đáu tàu Dung Quất hoàn toàn tự chủ về tài chính và có lãi. Nhưng nếu tính toàn bộ chí phí đầu tư đang dở dang cần phải tính toán đầy đủ thì dự án đang lỗ. Nhưng chúng tôi hy vọng sẽ có chuyển biến tích cực trong thời gian tới khi chúng tôi tái cơ cấu lại toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị, có cơ chế xử lý hạng mục công việc đang dở dang, dự án sẽ có những bước chuyển mình và có thể hoàn toàn tự chủ về tài chính.

Ông Nguyễn Hùng Dũng đề xuất về cơ chế, chính sách, cụ thể đối với Nhà máy lọc dầu Dung Quất, những hạng mục công việc nào đã hoàn thành, đưa vào chuỗi sản xuất dây chuyền của nhà máy thì sẽ được tính toán khấu hao thể hiện trong báo cáo tài chính. Hạng mục nào đầu tư quá lớn, thực ra trước đây PVN nhận về không có nhu cầu sử dụng, sẽ phải chuyển giao hoặc xử lý về mặt tài chính mới có thể xử lý dứt điểm được.

Đối với Nhà máy Nhiên liệu Dung Quất, PVN đang có kế hoạch, có thể bán, chuyển nhượng hoặc chuyển giao cho ngân hàng vì đây không phải là lĩnh vực chính của PVN.

Còn các dự án Bình Phước, Nhiên liệu Sinh học Phú Thọ, PVN không có quyền hoặc không thể tham gia trong việc tái cơ cấu hoặc xử lý triệt để các dự án này. Thực chất, PVN chỉ có 2 dự án: Đóng tàu Dung Quất và Nhiên liệu sinh học miền Trung.

Cũng trong buổi tọa đàm kể trên, ông Nguyễn Hữu Tú, Thành viên HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam, cho biết Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có 4 dự án nằm trong nhóm chậm tiến độ, trong đó có 2 dự án phân bón urea với tổng công suất 1,06 triệu tấn; 2 dự án phân bón phức hợp DAP với tổng công suất 660.000 tấn.

Sau sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành thì năm 2021 Tập đoàn này đã có sự chuyển biến so với năm 2020. Cụ thể dự án DAP Hải Phòng đã đủ điều kiện để đưa ra khỏi danh sách 12 dự án, hiện tại kinh doanh bền vững. Hiện Tập đoàn Hóa chất tiếp tục chỉ đạo để đưa ra các phương án bảo toàn bền vững hơn nữa, bảo toàn vốn Nhà nước, thực hiện nghĩa vụ khác nữa.

Ba dự án còn lại, đến năm 2021, dự án đạm Hà Bắc lần đầu tiên sau 5 năm đi vào vận hành và đã có lãi; Dự án đạm Ninh Bình và dự án DAP số 2 Lào Cai cũng đã cắt lỗ hàng nghìn tỷ. Do vậy công tác chia sẻ rủi ro vừa qua, chúng tôi đã thực hiện được nghĩa vụ đó.

Châu Anh -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/qua-nhieu-thach-thuc-trong-xu-ly-cac-du-an-ngan-ty-nhung-yeu-kem.htm