Qua sông Bé, ghé… cá duồng

Tuy không nằm trong rổ hải sản quá đắt tiền (một triệu đồng/kg trở lên), song thịt da con cá duồng đại sông Bé thật dạt dào luyến khoái.

Nếu cá tính mỗi người tạc nên ấn tượng đậm sâu, thì bao sản vật còn lúc lắc luôn gợi nhớ đến những dòng sông bao dung, miệt mài dâng hiến cho đời.

Trong Nam, cứ nhắc đến cặp đôi sông Tiền, sông Hậu, sẽ có nhiều người thèm nhớ tô cá cóc “chà bá” kho lạt hay nồi canh cá bông lau loang loáng mỡ và thơm “điếc mũi”. Ngược lên miền Đông chập chùng, không thể ngó lơ dòng sông Bé với khá nhiều “biệt đội” cá tôm lớn ẩn náu: cá lăng, chình mun, trà sóc, tôm càng… Song, người viết lại khoái mấy con duồng ưa vọt phóng như bay lúc kinh hoảng.

Lưng gù lại phóng như bay

Cá duồng bay hay còn gọi duồng xanh thoạt trông khá giống cá mè. Nhìn kỹ mới thấy, lưng nó hơi gù, vẩy lấp lánh trắng xanh khá giống màu vẩy cá diếc hoặc cá trôi. Cá sống ở lưu vực sông Mekong và hệ thống sông Đồng Nai của Việt Nam. Chúng ưa ở vùng trung và thượng lưu của các dòng sông này.

Ngoài ra, cá duồng bay còn phân bố ở Ấn Độ, Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanma, Philippines… Dân địa phương đánh bắt chúng bằng nhiều cách: giăng lưới, giăng câu, đăng…

Những hôm xả đập Phước Hòa, các thương lái ở đây thu mua được nhiều cá duồng lớn.

Những hôm xả đập Phước Hòa, các thương lái ở đây thu mua được nhiều cá duồng lớn.

Ở miền Tây Nam bộ, mùa vụ đánh bắt cá rộ trái ngược với miền Đông. Cụ thể, từ cuối mùa nước nổi (cỡ tháng Chín âm lịch) đến tháng Giêng, Hai. Nguồn cá chủ yếu từ Biển Hồ (Campuchia) bơi về, chung bầy với đám cá linh non. Chúng nối đuôi nhau “phiêu bạt” hướng hạ nguồn Cửu Long, trong dòng phù sa ngầu đục của sông mẹ Mekong hào phóng.

Còn miền Đông Nam bộ lại rộ cá duồng vào mùa mưa. Nguyên nhân chính do các hồ thủy điện hoặc thủy lợi thường xả bớt nước vào những ngày mưa bão. Nhờ vậy, đám cá duồng lão, tra cụ… liền vọt ra cửa xả hoặc cố sức bơi ngược nước, mong tìm chân trời mới. Nào dè, điểm đến cuối cùng của chúng thường quanh quẩn trong hàng quán đặc sản khu vực miền Đông và TP.HCM.

Hợp các món nước

Cá duồng càng lớn thịt càng thơm ngon. Có con nặng đến 10kg. Cũng như cá cóc, cá duồng hợp với các món nước hoặc sền sệt. “Đặc biệt, khi chế biến phải giữ vẩy cá lại. Nếu bỏ đi, chất lượng thịt cá sẽ giảm đi phân nửa”, lão nông Năm Huệ, dân cù lao Tân Triều, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai cho biết.

Một ngư dân hối hả gánh 4 con “duồng cụ” đến bán ở vựa quen tại huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương.

Một ngư dân hối hả gánh 4 con “duồng cụ” đến bán ở vựa quen tại huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương.

Từ năm 13 tuổi, ông đã được má dạy cách ăn cá duồng đúng điệu. Toàn hàng duồng “lão đại”, nặng từ 5 kg/con trở lên. “Khi nấu hoặc hầm đủ độ, vẩy nó giòn sần sật và beo béo như một dạng sụn rất đặc biệt. Càng ăn, càng ghiền!”, ông Năm trầm trồ. Ngoài ra, phần ức (nây) cá rất giòn béo lẫn ngọt bùi mê mẩn.

Lạ miệng và hấp dẫn thố cá duồng kho lạt kiểu miền Đông.

Lạ miệng và hấp dẫn thố cá duồng kho lạt kiểu miền Đông.

Riêng da thịt cá, cấp độ luyến khoái không thua kém bao nhiêu so với cá cóc cùng trọng lượng. Song, nếu “soi” kỹ hơn, thì hương vị cá duồng đại vẫn lép vế một chút so với ngư cóc cùng cỡ. Bởi mỡ cá duồng không thơm sang cả và khuyến dụ bạo liệt bằng cá cóc.

Cuốn hút nồi kho lạt kiểu miền Đông

Nếu ngồi bồng bềnh ở quán sà lan Năm Huệ, trong làng bưởi Tân Triều, bạn có quyền yêu cầu đầu bếp chế biến theo ý mình. Chẳng hạn, hôm đó một người bạn sành ăn đi cùng yêu cầu nấu món kho lạt kiểu miền Đông. Món này dùng vài trái khế chua loại hườm với nhúm lá giang không “ăn” phân hóa học thay thế cho độ “chua mỏng” của trái me xanh với xoài bằm. Chấm kèm cùng tiểu đội rau vườn, rau bưng thật xôm tụ.

Đặc biệt khi bộ ba chua chát (khế, lá giang, đọt me non) tương hợp, bỗng dưng hương vị chua thơm thanh thoát của muỗng nước cá kho bội phần cuốn hút. Nhờ vậy, suối nước bọt trong vòm miệng thực khách cũng được kích hoạt tối đa.

Hoặc nấu lẩu ngót cũng “số dzách”!

Hoặc nấu lẩu ngót cũng “số dzách”!

Một lần nữa, xin tạ ơn dòng sông ngoằn ngoèo, thường đổi hướng lại thầm lặng góp nhiều công lớn. Tạ ơn những phận đời “hạ bạc”, mỏi mòn mưu sinh cùng cánh vạc thấm đẫm sương đêm...

Bài: Tạ Tri

Ảnh: Tấn Tới“Anh Nông dân” Bình Dương

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/qua-song-be-ghe-ca-duong-24746.html