Quá tải hệ thống giao thông Hà Nội và TP Hồ Chí Minh một phần do văn hóa quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị

Tình trạng quá tải của hệ thống giao thông Hà Nội và TP Hồ Chí Minh dẫn đến ùn tắc nghiêm trọng có nguyên nhân trực tiếp từ văn hóa quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị.

Nên thí điểm ở khu vực có tỷ lệ đô thị hóa cao

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng 2 Đề án “Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030” và Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn TP có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đã đi vào”.

GS.TS Vũ Thị Vinh, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam cho rằng, giao thông vận tải là xương sống của một TP và các lựa chọn về phương tiện giao thông công cộng là những quyết định cơ bản về sự tăng trưởng và phát triển trong tương lai của TP đó.

Theo bà Vinh, khu vực các nước Asean, ngoại trừ Việt Nam và Campuchia còn các nước khác như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Myanmar, Lào hầu như đều không có xe máy đi trong TP. Thực tế đã chứng minh sau biện pháp này đã thu được nhiều lợi ích và kết quả tốt đẹp, khung cảnh đô thị yên bình hơn, không khí trong lành giao thông an toàn hơn và chất lượng sống của người dân tốt hơn.

Bà Vinh cho rằng, để giao thông công cộng có sức hấp dẫn cần bố trí hợp lý các bãi đỗ xe đạp, xe máy để mọi người thuận tiện sử dụng giao thông công cộng, đồng thời tổ chức nhiều xe buýt mini phục vụ đi lại trong khu vực trung tâm.

Bà Vinh cũng cho hay, bất cứ chính sách cấm hay hạn chế phương tiện nào đều ảnh hưởng xã hội rất lớn, nên cần hết sức thận trọng trong việc đưa ra các quyết định. Quá trình thực hiện cần được triển khai từng bước, chỉ nên giới hạn ở một số khu vực có tỷ lệ đô thị hóa cao chứ không nên áp dụng trong khu vực rộng lớn.

 Để giải quyết ùn tắc giao thông, cần nhiều giải pháp đồng bộ. Ảnh: INTERNET

Để giải quyết ùn tắc giao thông, cần nhiều giải pháp đồng bộ. Ảnh: INTERNET

Phát động phong trào sử dụng xe buýt trong đội ngũ cán bộ công chức

Theo ông Nguyễn Công Nhật, Phó Tổng GĐ TCty Vận tải Hà Nội, hiện nay, diện tích đất dành cho giao thông tĩnh chỉ đạt 0,28% diện tích đất xây dựng đô thị trong khi đó theo Quyết định 55 của Thủ tướng Chính phủ thì tỉ lệ diện tích đất dành cho giao thông đến năm 2020 phải đạt từ 10 đến 13%, trong đó giao thông tĩnh đạt 0,6 đến 0,7% và đến năm 2025 phải đạt 15 đến 17%.

Phó Tổng GĐ TCty Vận tải Hà Nội cho rằng, TP cần có chính sách ưu tiên cho hạ tầng xe buýt, ban hành quy định về tiêu chuẩn diện tích tối thiểu bố trí điểm đầu cuối trung chuyển, bố trí điểm dừng chuyển tiếp phương tiện giao thông công cộng vào tiêu chí để phê duyệt các dự án xây dựng đô thị, khu chung cư, những điểm thu hút nhiều chợ, trường học, BV, công viên và coi đây là hạng mục bắt buộc.

Trong khu vực hạn chế xe máy, cần triển khai các tuyến buýt nhỏ hoặc xe buýt điện, bổ sung các điểm đỗ xe đạp công cộng tại các điểm trung chuyển xe buýt để tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận dịch vụ xe buýt. Đồng thời, phát động phong trào sử dụng xe buýt trong đội ngũ cán bộ công chức để tạo hình ảnh đẹp về đội ngũ cán bộ công chức và lan tỏa đến các tầng lớp nhân dân.

Chú trọng xây dựng văn hóa giao thông

Theo TS Phương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong lĩnh vực giao thông, văn hóa giao thông là nền tảng tạo nên một môi trường giao thông an toàn. Văn minh văn hóa giao thông không chỉ là văn hóa của những người trực tiếp tham gia giao thông mà còn là văn hóa của người quản lý giao thông, người thực thi công vụ giao thông, người tạo dựng các công trình giao thông, người sản xuất phương tiện giao thông, người tổ chức khai thác công trình và phương tiện giao thông.

TS Phương Kim Tạo nhìn nhận, ở Việt Nam có thể nói tình trạng quá tải của hệ thống giao thông Hà Nội và TP HCM dẫn đến ùn tắc nghiêm trọng có nguyên nhân trực tiếp từ văn hóa quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị.

Sự thiếu tầm nhìn trong tư duy, thiếu khoa học trong dự báo của các nhà quy hoạch đô thị đã làm cho các TP này phát triển mất cân đối nghiêm trọng về hạ tầng giao thông công cộng, công viên, cây xanh, cấp thoát nước… đặc biệt, tầm quan trọng của hệ thống giao thông đô thị không được quan tâm đúng mức nên đã không đáp ứng được yêu cầu đi lại của nhân dân khi bùng nổ gia tăng dân cư đô thị.

Cũng theo TS Phương Kim Tạo, có thể nói lối sống văn hóa giao thông chưa phát triển xứng tầm với sự cố gắng của cả hệ thống chính trị không chỉ vì ý thức văn hóa kém của cộng đồng dân cư đô thị mà chủ yếu do văn hóa quy hoạch và văn hóa quản lý đô thị còn lạc hậu, bất cập.

Ông Tạo cũng cho rằng, xe máy không chỉ là phương tiện đi lại thông thường mà còn liên quan đến đời sống của nhiều người nên cần phải chỉ ra các giải pháp trước khi ép buộc thời gian chuyển đổi xe máy sang vận tải hành khách công cộng. Nếu không tìm ra được cách thức giải pháp thay thế xe máy mà cấm hoạt động của xe máy là không đúng, không tốt và không đẹp.

Để xác định phạm vi thu phí vào nội đô, nếu tiến hành thu phí trên các trục đường chính đang ùn tắc sẽ kéo theo hiệu ứng là người dân dùng phương tiện chạy qua các đường nhánh và kết quả ùn tắc giao thông trên đường nhánh có thể sẽ diễn ra trầm trọng hơn, mục tiêu giảm ùn tắc và giảm ô nhiễm môi trường không đạt được.

Việc thu phí từ ngoài vào nội đô có thể kéo theo xu thế người dân mua nhà trong vành đai thu phí để tự do đi lại không mất phí, hiện tượng này có thể dẫn đến sự tích tụ dân cư, dẫn đến ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường tăng lên.

Để khắc phục bất cập trên, ông Tạo cho rằng ùn tắc có thể diễn ra tại mọi nơi trong TP và có thể thay đổi từ vị trí này sang vị trí khác, nên cần xem xét đến khả năng thu phí đối với mọi xe ô tô hoạt động vào giờ cao điểm trên địa bàn TP.

Theo ông Nguyễn Công Nhật, Phó Tổng GĐ TCty Vận tải Hà Nội, tính đến đầu năm 2019 trên địa bàn Hà Nội có hơn 7,6 triệu phương tiện các loại, trong đó có 740.000 xe ô tô, 5,8 triệu xe máy, trên 1 triệu xe đạp. Tốc độ tăng trưởng trung bình ô tô các loại khá cao, trung bình 12,9%/ năm, xe máy tăng trung bình 7,66%/năm; tỷ lệ phương tiện trên 100 dân là 0,16 phương tiện xe buýt/1.000 dân; 49,8 phương tiện xe con/1.000 dân; 682 phương tiện xe máy/1.000 dân.

Tính đến tháng 6 - 2018, trên địa bàn 12 quận, tổng số các bãi đỗ xe tập trung khoảng 577 điểm, với diện tích khoảng 34,04 ha. Trong đó diện tích bãi đỗ xe tập trung khoảng 20,81 ha, diện tích điểm đỗ xe khoảng 13,23 ha. Ngoài ra còn có một số vị trí tuyến phố tổ chức sơn kẻ vạch hướng dẫn nhân dân tự sắp xếp để xe đạp, xe máy trên vỉa hè với chiều dài 21.977m.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/qua-tai-he-thong-giao-thong-ha-noi-va-tp-ho-chi-minh-mot-phan-do-van-hoa-quy-hoach-xay-dung-va-phat-trien-do-thi-167738.html