Quá trình nghiên cứu công điền ở Nam Kỳ Lục tỉnh

Pháp chiếm Nam Bộ trước toàn quốc đến một phần tư thế kỷ, nên đã có những bài báo cáo hoặc tham luận về công điền công thổ ở đây trước.

Vấn đề công điền công thổ ở Nam Bộ chưa được nghiên cứu có hệ thống trong các sách khảo luận do người Việt hay người ngoại quốc viết về chế độ phong kiến, về xã thôn, về chế độ ruộng đất và cả về công điền công thổ ở Việt Nam, vấn đề này mới chỉ được lướt qua.

Pháp chiếm Nam Bộ trước toàn quốc đến một phần tư thế kỷ, nên đã có những bài báo cáo hoặc tham luận về công điền công thổ ở đây trước. Song tất cả đều manh mún, phiến diện và hầu như có chung một ý đồ: tìm cách xóa bỏ hoặc thu hẹp tầm vóc của chế độ công điền công thổ cố hữu của Việt Nam, ngõ hầu thiết lập và củng cố “quyền tư hữu tuyệt đối và bất khả xâm phạm”, một khái niệm mà Pháp hãnh diện mang tới khai hóa An Nam! Thực chất đây chỉ là mưu tính chiếm hữu và tập trung ruộng đất vào tay thực dân và địa chủ.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Nhân dân.

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Nhân dân.

Mãi đến năm 1932, một chuyên gia nông học là Yves Henry mới đưa ra những tỷ lệ về ruộng công tư ở cả ba miền Việt Nam trong cuốn Kinh tế Nông nghiệp Đông Dương do phủ Toàn quyền xuất bản (1). Đây là kết quả của một cuộc điều tra tiến hành khoảng từ 1928 đến 1930, theo đó Trung kỳ có 25%, Bắc kỳ 21% và Nam kỳ 3% ruộng là công điền.

(1). Yves Henry, Économie agricole de l’Indochine, Gougal, Hanoi, 1932. - 15 -

Như vậy thì công điền ở Nam kỳ có rất ít, không đáng quan tâm! Vì thế, người ta chú ý đến vấn đề công điền ở Trung và Bắc kỳ hơn. Năm 1936, tiến sĩ Văn khoa Pierre Gourou viết một cuốn địa lý nhân văn do Trường Viễn Đông Bác Cổ phát hành với nhan đề Nông dân ở đồng bằng Bắc kỳ (1). Tác giả đã dành một chương trình bày vấn đề và tình hình công điền ở vùng châu thổ sông Hồng.

Trong mục khảo cứu phương thức khẩn hoang tại vùng bãi biển tân bồi ở Tiền Hải và Kim Sơn do Nguyễn Công Trứ chủ trương, Gourou cũng nói nhiều về công điền công thổ. Và tới năm 1939, lần đầu tiên, một tác phẩm chuyên đề Sở hữu xã thôn ở Bắc kỳ ra mắt với nội dung đặc khảo về công điền công thổ trong lịch sử Việt Nam và tồn tại đương thời ở xứ Bắc. Đây là luận án tiến sĩ luật khoa của Vũ Văn Hiền (2).

***

Từ đó đến nay, nhiều tác phẩm giá trị nghiên cứu về chế độ công điền công thổ đã được công bố, phần lớn là trong khuôn khổ và do sự khuyến khích của Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam. Nhiều bài tham luận sâu sắc cũng được trình bày trong các tập san Nghiên cứu Lịch sử Nghiên cứu Kinh tế (3).

(1). Pierre Gourou, agrégé de l’Université, docteur ès-lettre, Les paysans du delta Tonkinois, Etude de géographie humaine, BEFEO, Paris, 1936.

(2). Vũ Văn Hiền, La propríeté communale du Tonkin, Hanoi et Paris 1939.

(3). Phan Huy Lê, Chế độ ruộng đất và kinh tế nông nghiệp thời Lê sơ, Nxb Văn Sử Địa, Hà Nội, 1959. Nguyễn Khắc Đạm, “Vai trò của nhà nước và vấn đề khai hoang trong lịch sử Việt Nam”, trong Nghiên cứu Lịch sử, số 39, 1962. Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, Hà Nội, 1963. Vũ Huy Phúc, “Chế độ công điền công thổ nhà Nguyễn”, trong Nghiên cứu Lịch sử tháng 5/1964.

Những công trình đó đã vượt xa Henry, Gourou, Vũ Văn Hiền hay bao người khác, mặc dầu một số thống kê hoặc dữ kiện vẫn được trích dẫn vì giá trị khách quan của chúng. Các nhà nghiên cứu trước bị vượt qua, không phải chỉ những gì liên hệ đến quan điểm, mà còn ở những phát hiện mới của việc nghiên cứu lịch sử và đặc biệt là của các cuộc điều tra điền dã công phu.

Những công trình đó là ánh sáng chiếu soi vào tình trạng u minh của chế độ sở hữu ruộng đất nói riêng, của chế độ gọi là “phong kiến” ở Việt Nam nói chung mà ta cần tìm hiểu. Tuy nhiên, mỗi khi nói đến tình hình công điền công thổ ở Nam Bộ thì tác giả nào cũng chỉ đề cập một cách sơ sài, chứ không đi sâu và đầy đủ như khi phân tích cùng vấn đề ở Trung hay Bắc Bộ. Có lẽ vì thiếu tư liệu và vì quá xa hiện trường của đối tượng nghiên cứu. Cho nên, mục đích trước hết của bản tiểu luận này là hy vọng ít nhiều lấp vào chỗ trống đó: cung cấp thêm cho độc giả một số tư liệu tuy không mới mẻ nhưng dễ bị lãng quên.

Do vì tư liệu sơ sài nên thường đi tới giản đơn hóa và đôi khi còn gây ấn tượng sai lầm. Như khi nói tới số lượng công điền ở Nam Bộ, người ta hay nhắc tới con số 3/100 của Y. Henry (đúng vào năm 1929) và trình bày như là tỷ lệ đó đã có từ trước khi bị Pháp xâm lăng (1). Mục đích thứ hai của tập này cũng là để đính chính một số nhận định lệch lạc hoặc thiếu quan điểm lịch sử như vậy.

Vũ Huy Phúc, “Chế độ công điền công thổ Bắc kỳ dưới thời Pháp thống trị”, trong Nghiên cứu Lịch sử tháng 6/1966. Đặng Phong, “Ruộng công thời phong kiến ở Việt Nam và vấn đề “phương thức sản xuất châu Á”, trong Nghiên cứu Kinh tế, số 93 và 94, 1976. Ngô Kim Chung, Nguyễn Đức Nghinh, Propríeté priveé et propríeté collective dans l’ancien Vietnam, L’Harmattan, Paris, 1987.

(1). Nguyễn Thế Anh, Thạc sĩ Sử học, Kinh tế và xã hội Việt Nam dưới các vua triều Nguyễn, Lửa Thiêng, Sài Gòn, 1971, tr.106.

Nguyễn Đình Đầu/ NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/qua-trinh-nghien-cuu-cong-dien-o-nam-ky-luc-tinh-post1498528.html