Quách Thị Lan: 'Đấu SEA Games áp lực hơn Olympic và ASIAD'

Quách Thị Lan đã vô địch châu Á nhưng chưa từng giành tấm HCV cá nhân trong suốt 4 kỳ tham dự SEA Games.

Quách Thị Lan đặt mục tiêu giành 4 HCV SEA Games 31 Ngôi sao trên đường chạy 400 m của điền kinh Việt Nam Quách Thị Lan đặt mục tiêu giành 4 huy chương vàng (HCV) ở kỳ SEA Games năm nay sau nhiều thất bại tiếc nuối.

Trong những ngày tất bật tập luyện cho SEA Games 31, Quách Thị Lan đã dành thời gian chia sẻ với Zing về ước muốn giành tấm HCV cá nhân tại kỳ SEA Games đặc biệt trên sân nhà.

Kỳ vọng giải cơn khát HCV trên sân nhà

- Xin chào Quách Thị Lan. Tại SEA Games 31, Lan sẽ tranh tài ở những nội dung nào?

- Tôi sẽ tham dự 4 nội dung tại SEA Games 31 gồm 400 m, 400 m rào, 4x400 nữ, 4x400 hỗn hợp. Tôi cố gắng phấn đấu thật tốt ở các nội dung mình tham dự. 4 tấm HCV là mục tiêu của tôi và đồng đội.

Hiện tại, còn ít ngày là tới SEA Games, tôi đang trong quá trình hoàn thiện tất cả mọi thứ để chuẩn bị tốt nhất từ thể lực cũng như sức khỏe để đạt được thành tích cao ở SEA Games 31 trên sân nhà.

- Chấn thương của Lan đã khỏi hẳn sau giải vô địch quốc gia 2021? Lan có cảm thấy hài lòng về phong độ hiện tại của mình?

- Chấn thương của tôi từ năm 2021 đã ổn định và tôi bắt đầu trở lại tập luyện từ đầu năm. Theo kế hoạch, thành tích của tôi khá ổn so với những năm trước. Mọi thứ dần đang tốt lên và tôi nghĩ bản thân sẽ cải thiện được tốt hơn. Mục tiêu của tôi và đồng đội là thành tích cao nhất, thi đấu hết mình, phá được kỷ lục của bản thân.

 Lan (phải) nỗ lực tập luyện trước thềm SEA Games 31. Ảnh: Minh Chiến.

Lan (phải) nỗ lực tập luyện trước thềm SEA Games 31. Ảnh: Minh Chiến.

- Năm 2021, Lan đã có những giây phút đáng tự hào tại Olympic Tokyo, bạn có thể chia sẻ cảm xúc khi đó?

- Đó là lần đầu tiên tôi tham dự Olympic. Tuy không phải một suất chính thức nhưng tôi rất vui và tự hào khi lần đầu được so tài với những vận động viên hàng đầu thế giới, được nhìn thấy họ ngay trước mắt. Việc chạy cùng với họ giúp tôi học hỏi được rất nhiều thứ cũng như là truyền cho mình nhiều động lực hơn.

Lần đầu tiên được chạy ở giải đấu lớn như vậy, tôi hồi hộp lắm. Lúc đầu, tôi không nghĩ mình được vào đến vòng bán kết vì theo thông báo ban đầu, ban tổ chức chỉ lấy 4 vận động viên về đầu mỗi lượt ở vòng loại. Tuy nhiên ở lượt thi của tôi, vận động viên Jamaica phạm quy nên tôi được đẩy từ thứ 5 lên thứ 4 và có suất vào bán kết.

Lúc đó, khi ra ngoài gặp thầy và anh bác sĩ của đội đi theo, mọi người nói rằng “Lan ơi, em được vào bán kết rồi”. Quả thực lúc đó cảm xúc của tôi rất dâng trào. Tôi muốn khóc quá vì lúc đó rất chi là sướng và khó tả.

- Lan đã tham dự Olympic, Asian Games và SEA Games. Đấu trường nào làm Lan thấy áp lực nhất?

- Tôi đã thi một kỳ Olympic, 2 kỳ Asian Games và 4 kỳ SEA Games từ 2013 đến nay. Tôi thấy áp lực nhất là những kỳ SEA Games. Bởi cứ những lần tham dự SEA Games là không hiểu sao, tôi lại dính chấn thương và không thể nào đạt được thành tích mà mình mong muốn. Ký ức về những kỳ SEA Games với tôi vì thế khá buồn.

Trong đó, tiếc nuối nhất là SEA Games 2017. Đợt đấy, tôi đang tập tốt nhưng sau khi đi tập huấn, tôi gặp chấn thương cổ chân. Khi sang đến Malaysia thi đấu, tôi chỉ tham dự được duy nhất nội dung 4x400 m nữ và bỏ những nội dung đơn.

 Lan về nhất trong tốp chạy của mình ở tấm HCV 4x400 m nam nữ tại SEA Games 30. Ảnh: Minh Chiến.

Lan về nhất trong tốp chạy của mình ở tấm HCV 4x400 m nam nữ tại SEA Games 30. Ảnh: Minh Chiến.

- Trong 4 lần tham dự SEA Games trước, Lan có kỷ niệm nào đáng nhớ nhất?

- Kỷ niệm khó quên nhất có lẽ là kỳ SEA Games 2019. Đó là lần đầu tiên chúng tôi tham dự nội dung tiếp sức hỗn hợp nam nữ, lần đầu tiên 4 chị em cùng thi đấu với nhau, chạy cùng nhau, dìu dắt nhau và giành tấm HCV lần đầu tiên.

Trước đấy, tôi tập tổ riêng còn 3 em (Nguyễn Thị Hằng, Trần Đình Sơn, Trần Nhật Hoàng - PV) tập một tổ. Đến SEA Games, đội mới lắp ráp đội hình và chỉ tập được 1-2 buổi trước khi thi đấu. Bên cạnh đó, chiến thuật riêng cũng giúp chúng tôi thành công khi Hằng (nữ) chạy đầu với cùng 3 đối thủ nam (tuyển điền kinh Việt Nam chấp nhận mất lợi thế ban đầu để tăng tốc những lượt chạy cuối - PV).

Khát vọng tấm HCV chính thức tại Asian Games

- Sau SEA Games, mục tiêu của Lan chắc hẳn là tấm HCV Asian Games?

- Năm 2022 có rất nhiều giải đấu quan trọng với bản thân tôi và thể thao Việt Nam. Trước mắt, tôi sẽ tập trung vào SEA Games. Rất tiếc vì Asian Games đã bị hoãn. Khi giải trở lại, tôi sẽ cố gắng phấn đấu hết mình để thành tích đạt được không còn là tấm huy chương vàng được trao lại từ vận động viên dính doping. Tôi phấn đấu giành được tấm huy chương vàng chính thức ngay trên đường chạy.

- Tại Asian Games 2018, Kemi Adekoya đã vượt qua Lan để giành HCV 400 m rào nhưng sau đó HCV được trao lại cho Lan vì đối thủ dương tính doping. Có bao giờ Lan tiếc nuối rằng mình giành HCV Asian Games mà không được nhận trực tiếp?

- Thật ra tôi rất tiếc nuối khi không được hát quốc ca tại địa điểm mình thi đấu. Một năm sau, khi về Việt Nam và biết tin được trao tấm HCV, cảm xúc vẫn còn rất nhiều và lúc đấy nó vẫn khó tả. Niềm vui chỉ vơi đi một chút vì mình không được hát quốc ca nhưng vẫn còn rất nhiều cảm xúc khác nhau.

- Là chủ nhân HCV Asian Games ở nội dung 400 m rào, nhiều người nói Lan đang là số một châu Á tại nội dung này.

- Tôi không tự nhận bởi không chỉ riêng tôi có thành tích tốt mà sau mấy năm, các vận động viên trẻ đang phát triển rất tốt. Lúc này, tôi cũng không còn quá trẻ nhưng cũng chưa phải già mà đang ở độ chín rồi. Tôi nghĩ sẽ có những vận động viên tốt hơn mình nhưng không phải vì điều này mà tôi chùn bước. Tôi sẽ phấn đấu để vượt qua thành tích kỷ lục của chính mình.

 Adekoya (trái) đã bị tước HCV Asian Games 2018 vì dính doping. Ảnh: Minh Chiến.

Adekoya (trái) đã bị tước HCV Asian Games 2018 vì dính doping. Ảnh: Minh Chiến.

- Theo Lan, ai là đối thủ lớn nhất của Lan trên đường chạy?

- Đối thủ lớn nhất châu Á trong sự nghiệp từ trước đến giờ là vận động viên Adekoya người Bahrain. Nhưng đối thủ nặng ký hơn nữa chính là bản thân tôi. Tôi nghĩ mình vẫn chưa vượt qua được những tự ti từ chính mình, chưa có được sự tự tin hoàn toàn. Nhưng khi vào thi đấu, tôi đã cố gắng cải thiện. Đến lúc này, tôi nghĩ bản thân đã cải thiện tâm lý thi đấu khá tốt so với những năm trước.

- Những năm qua, cuộc cạnh tranh 400 m luôn diễn ra giữa Lan và Huyền.

- Tôi và chị Huyền vừa là chị em, đồng đội nhưng cũng là đối thủ trên đường chạy. Chúng tôi cạnh tranh một cách tích cực để cùng nhau phát triển. Trong thể thao, phải có người kéo thì mình mới cố gắng, nỗ lực hơn để cải thiện thành tích. Tôi rất khâm phục ý chí, nghị lực của chị Huyền khi giành HCV SEA Games ngay sau khi sinh con. Đó là điều tôi cần học hỏi từ chị để quyết tâm cao nhất tại SEA Games 31.

Ở trung tâm, có một vài vận động viên trẻ đang sở hữu thành tích tiếp cận các anh chị. Tôi nghĩ sau một thời gian nữa, các em sẽ có thể phát triển và có khi thành tích còn tốt hơn tôi và chị Huyền.

- Sở trường của Lan là chạy rào. Việc vượt qua mỗi rào khiến Lan liên tưởng đến điều gì?

- Vào đường chạy, tôi chỉ nghĩ rằng làm sao để chạy về đích nhanh nhất có thể. Hiện tại, tôi đã có thể qua rào bằng hai chân. Đợt trước, tôi qua rào bằng một chân. Việc qua rào bằng một chân thì không được thuận nhiều, khiến chân của tôi hơi lập chập. Hiện tại, kỹ thuật của tôi đã tốt hơn nên việc qua rào không cần phải suy nghĩ nhiều lắm.

Chắc chắn việc vượt qua mỗi rào giống như vượt qua chướng ngại vật mà bản thân trải qua trên cả đường đời và đường chạy, phải dùng sức mạnh lớn hơn bình thường. Tôi chạy 10 rào và bây giờ cũng tập được hơn 10 năm rồi. Việc qua từng rào thể hiện ý chí vượt lên không ngừng của bản thân.

- Cơ duyên nào đưa Lan đến với điền kinh?

- Ngày trước, tôi thi cho trường từ năm lớp 7 nhưng hồi đấy chắc tôi chưa có tố chất nhiều nên các thầy cô chưa hướng cho tôi tập luyện. Năm lớp 9, tôi thi giải học sinh lần hai. Khi đó, có lẽ do thể trạng của tôi tốt lên, cao lên nên thầy cô mới tuyển tôi vào đội. Và từ đó, tôi bắt đầu tập thể thao chuyên nghiệp.

- Sự nghiệp của Lan luôn gắn liền với hình ảnh người anh Quách Công Lịch. Anh Lịch đã hỗ trợ Lan như thế nào?

- Từ khi tôi tập thể thao tới giờ, anh Lịch đã theo chân từ những bước đầu tiên. Hai anh em luôn đồng hành cùng với nhau từ quá trình tập luyện đến thi đấu, từ những khó khăn đến thành công mà hai anh em đạt được cho đến lúc này. Anh Lịch hỗ trợ tôi rất nhiều, từ lúc tôi bị chấn thương hay có vấn đề gì thì anh luôn động viên, ủng hộ, kèm cặp tôi cả trong cuộc sống lẫn trong những năm tôi tập luyện thể thao.

 Lan chưa muốn từ bỏ điền kinh. Ảnh: Minh Chiến.

Lan chưa muốn từ bỏ điền kinh. Ảnh: Minh Chiến.

- Vậy có khi nào gia đình phản đối hai anh em Lan theo nghiệp điền kinh không?

- Từ trước khi hai anh em xác định theo thể thao, các thầy cô cũng có gọi điện cho bố mẹ ở nhà để xin phép. Bố mẹ luôn ủng hộ hai anh em và chỉ hướng là khi nào các con thấy mệt quá hoặc không thể tập luyện được nữa thì hãy về nhà với bố mẹ.

Với bản thân, tôi chưa từng nghĩ tới việc từ bỏ đường chạy. Lúc này, tôi vẫn còn đam mê và thích. Khi không được chạy, tôi cảm thấy thiếu một cái gì đó rất quan trọng nên là tôi nghĩ bản thân chưa dừng lại.

- Xa hơn một chút về Olympic Paris 2024. Lan có khát khao tranh tài một lần nữa tại Thế vận hội?

- Từ giờ đến năm 2024 cũng còn 2 năm nữa. Tôi đang hướng tới SEA Games và Asian Games cũng như đại hội toàn quốc 2022. Sau đó, tôi cũng không biết bản thân có còn đủ tốt để đi Olympic hay không. Nhưng tôi hy vọng bản thân còn sức khỏe để tiếp tục chiến đấu.

- Được biết, Lan nhận được học bổng chuyên ngành quản trị. Liệu sau khi giải nghệ, Lan có ý định rẽ sang hướng mới?

- Năm 2021, tôi có nhận được học bổng của Đại học Kinh Tế, ĐHQGHN. Tôi đã học ở trường được khoảng 8 môn. Nhưng lúc này, tôi đang tập trung cho SEA Games để đạt thành tích cao nhất. Sau SEA Games, tôi sẽ quay trở lại học tiếp.

Tôi học để biết thêm nhiều kiến thức thôi. Còn sau khi giải nghệ, tôi sẽ trở về làm huấn luyện viên tại tỉnh nhà và chắc chắn rồi, nếu có cơ hội sẽ dẫn dắt đội tuyển.

- Cảm ơn Lan vì cuộc trò chuyện. Chúc Lan gặt hái thành công tại SEA Games 31!

Duy Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/quach-thi-lan-dau-sea-games-ap-luc-hon-olympic-va-asiad-post1314062.html