Quần áo dính mực, sơn hay dầu mỡ: Đừng vội bỏ đi vì có cách vệ sinh bằng các nguyên liệu đơn giản
Đừng vội vứt bỏ những chiếc áo dính mực, sơn hay dầu mỡ đi vì bạn hoàn toàn có thể khắc phục chúng.
Trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, đôi lúc chúng ta sẽ gặp phải rắc rối với trang phục mình đang mặc trên người. Đó là vết mực, sơn, hay dầu mỡ sẽ vô tình bị bắn và làm bẩn trang phục. Việc này sẽ càng trở nên phiền toái khi đó là các loại trang phục sáng màu.
Mực, dầu mỡ hay đặc biệt là sơn móng tay là những vết bẩn được đánh giá là khó làm sạch khi chúng đã bám trên vải. Nhiều người sẽ chọn phương án là vứt bỏ trang phục đi nếu chúng bị dính các loại vết bẩn trên.
Tuy nhiên, đó là một cách làm lãng phí. Bạn không nhất thiết phải làm như vậy vì hoàn toàn có phương pháp để xử lý những vết bám trên vải. Với từng chất bẩn thì sẽ có cách xử lý khác nhau.
1. Với vết mực
Với vết mực bám trên quần áo hoặc đồ dùng vải, có thể dùng những hoạt chất có chứa cồn để làm sạch. Nó có thể làm sạch từ vết mực bút lông, bút máy hay bút bi.
Sử dụng chai cồn đơn thuần là phương pháp làm sạch mạnh và hiệu quả nhất. Cách đơn giản là dùng một miếng bọt biển hoặc miếng mút, thấm vào cồn rồi cho lên vết mực. Lưu ý cần thấm nhẹ tay và từ từ.
Khi thấm cồn lên, vết mừng sẽ từ từ lan rộng ra nhưng rồi cũng sẽ được thấm dần, thấm dần ra khỏi bề mặt vải. Sau khi thấy vết mực đã mờ dần, đem trang phục đi giặt với xà phòng như bình thường.
Lưu ý, không nên dùng cồn để tẩy mực trên các chất liệu quần áo như len, lụa, vải sợi acetate hoặc rayon.
Nếu vết mực không quá nghiêm trọng, bạn cũng có thể tận dụng gôm xịt tóc để làm sạch. Với cách làm tương tự như với lọ cồn, xịt trực tiếp gôm lên vùng cần làm sạch, sau đó dùng bông thấm.
Nước rửa bát, baking soda và giấm cũng có thể làm sạch vết mực bám trên quần áo của bạn.
Với nước rửa bát, pha 1 thìa với khoảng 15ml Glycerin. Sau đó, nhúng một tấm vải vào hỗn hợp và thấm lên vết bẩn. Khi thấy mực ngấm ra, lật mặt còn lại và tiếp tục thấm tiếp.
Sau khi thấm hỗn hợp lên, hãy chờ khoảng 5 phút để hỗn hợp ngấm rồi xoa thêm Glycerin lên vết mực. Cuối cùng là giặt lại trang phục bình thường với nước.
Glycerin là một chất có hiệu quả trong việc tẩy rửa các vết bẩn, đặc biệt là vết ố cũ. Thêm vào đó, nó có tác dụng trên mọi loại vải nên bạn hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng.
Còn baking soda và giấm đã là 2 chất tẩy rửa, làm sạch quá quen thuộc với đời sống con người. Để tẩy vết mực bằng baking soda, trộn bột với nước theo tỉ lệ 2:1, sau đó dùng bông để thấm hỗn hợp lên vết mực. Khi vết mực dần được thấm hết, dùng khăn giấy lau sạch baking soda hoặc giặt lại với nước sạch.
Với giấm thì ta sẽ cần ngâm toàn bộ món đồ trong dung dịch giấm pha với nước ở tỉ lệ 1:1, trong khoảng 30 phút. Trong khi ngâm, dùng miếng mút hoặc vải thấm vết bẩn vài lần, cách vài phút 1 lần. Cuối cùng là giặt như bình thường. Lưu ý không nên dùng nước nóng để ngâm vì nước nóng có thể khiến vết mực bám chặt hơn, gây khó khăn cho việc vệ sinh.
2. Với vết dầu mỡ
Dầu mỡ cũng được coi là một trong những vết bẩn khó làm sạch nếu như không xử lý chúng ngay. Những cách được các chuyên gia chỉ ra để làm sạch vết dầu mỡ trên quần áo đó là dùng phấn rôm, nước rửa chén, dầu gội hoặc xà phòng.
Nghe phấn rôm có thể tẩy được vết bẩn thật kỳ lạ phải không? Nhưng chúng hoàn toàn có thể làm tốt nhiệm vụ này.
Đầu tiên, lau qua vết dầu mỡ bằng khăn giấy, nếu như chúng vừa bắn vào quần áo bạn và còn đọng dưới dạng giọt. Tiếp đến, phủ lên toàn bộ vết dầu mỡ 1 lớp phấn rôm. Nếu không có phấn rôm, có thể thay thế bằng bột ngô hoặc muối.
Sau đó, dùng thìa chà phần phấn rôm vừa cho lên vải rồi tiến hành cạo. Hãy cạo nhẹ tay, cẩn thận, tránh làm dây ra những khu vực sạch khác trên quần áo. Sau khi cạo được tương đối, dùng ngón tay thoa một ít nước rửa bát và nước lên vị trí vết dầu mỡ. Khi bắt đầu thấy có dấu hiệu nổi bọt, lấy bàn chải tiếp tục chà lên vết bẩn theo hình tròn.
Lưu ý, nên đảm bảo cọ sạch vết bẩn ở cả 2 mặt vải để việc làm sạch được tối ưu. Cuối cùng là mang trang phục đi giặt, tuy nhiên cần giặt riêng hoàn toàn. Sau khi giặt xong tiến hành phơi ngoài trời dưới ánh nắng tự nhiên. Việc dùng máy sấy với nhiệt độ sấy cao có thể khiến vết dầu mỡ bám chặt hơn vào quần áo.
Bạn cũng có thể áp dụng cách tương tự khi sử dụng dầu gội đầu hay xà phòng. Đó là cho cho dầu gội hoặc chà xà phòng lên vết bẩn rồi vò bằng tay hoặc dùng bàn chải để cọ.
3. Với vết sơn
Với vết sơn như vết sơn tường hay sơn móng tay, có thể dùng nước nóng, dung dịch cồn hoặc thuốc tẩy chuyên dụng như aceton để làm sạch chúng.
Với những vết sơn nhỏ và còn mới, ngâm trang phục bị bẩn trong nước nóng có pha nước giặt qua đêm. Hôm sau, vò kỹ vị trí có dính sơn để vết sơn dần bị đánh bay.
Còn đối với cồn, hãy sử dụng cồn 95%. Thấm cồn trực tiếp lên vết sơn rồi tiến hành vò. Lặp lại công đoạn này cho đến khi vết sơn mờ dần rồi biết mất. Cuối cùng là giặt lại bằng nước giặt và phơi khô.
Riêng với aceton, đây là dung dịch làm sạch đặc biệt hiệu quả với các vết sơn móng tay. Đầu tiên, đặt phần vải bị dính bẩn lên vài lớp giấy ăn, sao cho mặt vải bị dính bẩn ở dưới, tiếp xúc với lớp giấy. Tiếp theo, dùng 1 miếng bông hoặc khăn giấy thấm acetone để tiến hành lau. Vết bẩn sau khi được lau sẽ dần bong ra và dính vào lớp khăn giấy phía dưới.
Sau khi lau xong, cho quần áo bị bẩn vào chậu và xả nước vào phần vải bị dính sơn. Sau đó tiếp tục lấy ra, úp xuống lớp khăn giấy và lặp lại động tác lau bằng aceton như bên trên. Việc này sẽ giúp vết sơn đảm bảo được loại bỏ hoàn toàn khỏi vải.
Bạn có thể thay vài lớp giấy ăn để nhận biết xem sơn đã thấm sạch hay chưa, nếu đã sạch, lớp giấy ăn mới sẽ không còn bị dính màu của sơn từ vải ra nữa.
Sau khi vết sơn đã bị loại bỏ, giặt trang phục bình thường với nước sạch và nước giặt.
Theo WikiHow