Quản Bạ quan tâm phát triển thương hiệu Hồng không hạt

Sản phẩm Hồng không hạt (HKH) huyện Quản Bạ đã được cấp Giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý từ năm 2017. Để phát huy những lợi thế sẵn có, người trồng HKH luôn quan tâm xây dựng và phát triển thương hiệu, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường cho loại quả đặc sản này.

Vườn hồng không hạt đang độ thu hoạch của hộ ông Lục Chính Lân, thôn Bản Thăng, xã Tùng Vài.

Vườn hồng không hạt đang độ thu hoạch của hộ ông Lục Chính Lân, thôn Bản Thăng, xã Tùng Vài.

Hiện đang vào vụ thu hoạch HKH ở các xã vùng cao huyện Quản Bạ. Bà con vui mừng khi năm nay thời tiết ổn định, cây hồng phát triển tốt, sai quả, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song giá bán vẫn giữ ở mức ổn định từ 35 – 40 nghìn đồng/kg, giúp bà con tăng thu nhập. Ông Lục Chính Lân, thôn Bản Thăng, xã Tùng Vài, chia sẻ: “Từ khi cây HKH có Chỉ dẫn địa lý đã giúp cho sản phẩm nâng cao giá trị và nhiều người tiêu dùng biết đến. HKH là loại cây phù hợp với thổ nhưỡng khí hậu nơi đây, người dân địa phương đã trồng từ lâu năm rồi, chúng tôi để cây phát triển tự nhiên, đến mùa là thu hoạch nên sản phẩm của chúng tôi sạch và đảm bảo an toàn”.

Để phát triển thương hiệu HKH, huyện Quản Bạ đã định hướng cho người dân nhân rộng diện tích trên địa bàn, trồng HKH tập trung theo hướng hàng hóa để nâng cao sản lượng, đáp ứng được nhu cầu thị trường. Cùng với đó là xây dựng tem, nhãn có Chỉ dẫn địa lý, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, xây dựng các HTX thu mua HKH. Đến nay, toàn huyện có trên 240 ha HKH, trong đó có trên 80 ha đang cho thu hoạch.

Đến xã Nghĩa Thuận - vùng lõi của Chỉ dẫn địa lý, hiện toàn xã có 173 ha HKH, trong đó có khoảng 70 ha cho thu hoạch, năng suất ước đạt 30,5 tạ/ha. Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận, Sân Tiến Phúc, cho biết: “Cây HKH đã đem lại thu nhập khá cho nhiều hộ dân trong thôn, thực hiện chủ trương của huyện, xã định hướng cho người dân nhân rộng diện tích cây hồng trên địa bàn và hỗ trợ về giống. Để quản lý và bảo vệ thương hiệu HKH của xã, từ đầu năm nay xã đã hỗ trợ HTX dịch vụ nông nghiệp (DVNN) Nghĩa Thuận xây dựng tem, nhãn mang tên HKH Nghĩa Thuận. Thông qua đó, làm đầu mối thu mua sản phẩm của bà con trong xã và làm cầu nối tiêu thụ, quảng bá sản phẩm HKH ra thị trường trong và ngoài tỉnh”.

Theo anh Vàng Hồ Kháng, Giám đốc HTX DVNN Nghĩa Thuận: “Nhận thấy tiềm năng về phát triển sản phẩm HKH tại xã, chúng tôi đã thành lập HTX để cung ứng giống HKH và xây dựng nhãn hiệu sản phẩm HKH của địa phương với mục đích tập hợp, liên kết các hộ trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, áp dụng KHKT vào sản xuất, hướng tới phát triển bền vững các sản phẩm sạch, theo tiêu chuẩn Vietgap. Qua đó, xây dựng thương hiệu của HTX, tạo niềm tin cho khách hàng”.

Để cây HKH thực sự giúp người dân giảm nghèo, ngoài việc khuyến khích bà con mở rộng diện tích, huyện đang quan tâm ứng dụng khoa học công nghệ vào việc nhân giống, trồng, chăm sóc và bảo quản quả để nâng cao năng suất, chất lượng; định hướng xây dựng, phát triển vùng trồng HKH hàng hóa, theo tiêu chuẩn VietGap, hữu cơ để mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Bài, ảnh: LÊ HẢI

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202111/quan-ba-quan-tam-phat-trien-thuong-hieu-hong-khong-hat-784639/