Quán bar, karaoke là nơi có nguy cơ cao lây nhiễm SARS-CoV-2
Theo BS Trương Hữu Khanh, nguy cơ mắc Covid-19 ở nơi đông người rất cao, đặc biệt trong không gian quán bar, buổi tiệc,...
Mới đây, Công an phường Thảo Điền (quận 2, TP.HCM) phát thông báo khẩn yêu cầu những người đã đến hoặc chở khách tới quán bar Buddha cần kiểm tra sức khỏe sau khi có 2 trường hợp mắc Covid-19 từng đến đây. Tính đến sáng 25/3, 8 người ở TP.HCM đã dương tính với SARS-CoV-2 khi đã từng đến và làm việc tại quán bar này.
Tại phương Tây, chính phủ các nước đã ra lệnh hạn chế đi lại, tiệc tùng nhưng nhiều người trẻ vẫn đổ về các tụ điểm vui chơi. Họ coi đây như một cách phản đối khuyến cáo của chính phủ.
Ông Markus Soeder, Thống đốc bang Bavaria, miền Nam nước Đức, cho biết "vẫn còn nhiều buổi tiệc corona" được tổ chức tại địa phương. Ông chỉ trích người trẻ tuổi không chỉ tiệc tùng mà còn có thái độ kỳ thị khi "ho vào mặt người già, hét lớn 'corona' chỉ để cho vui, và điều đặc biệt đáng lo ngại là số lượng nhóm như vậy đang tăng".
Không tụ tập để bảo vệ bản thân và cộng đồng
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, nhận định nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 ở nơi đông người rất cao, đặc biệt trong không gian chật chẹp như quán bar, các buổi tiệc, hội nghị,... Lượng virus trong cơ thể người bệnh phát tán ra môi trường ít hay nhiều phụ thuộc vào từng giai đoạn. Với những người đã có biểu hiện ho thì virus phát tán sẽ càng nhiều.
Vì vậy, bác sĩ Khanh khuyến cáo người dân nếu không biết cách bảo vệ bản thân và cộng đồng sẽ có nguy cơ lây nhiễm cao. Việc hạn chế đi lại, tụ tập nơi đông người rất quan trọng.
"Một người nhận thức được mình có khả năng mắc Covid-19 biết tự cách ly, phòng ngừa trong gia đình sẽ hạn chế rất tốt việc lây nhiễm ra ngoài môi trường. Loại virus này chỉ lây từ người sang người. Nếu ta ngăn chặn được nguồn đó, những người xung quanh không thể lây nhiễm", ông nói.
Cũng theo vị chuyên gia này, khi người dân nâng cao ý thực, dịch bệnh lây lan chậm, được kiểm soát tốt, các y bác sĩ sẽ có đủ thời gian để chăm sóc cho bệnh nhân, đặc biệt là trường hợp nặng. Khi quá nhiều người mắc bệnh trong cùng một thời điểm, bệnh viện quá tải, đồng nghĩa ca bệnh nặng cũng tăng lên, việc chăm sóc và điều trị sẽ khó khăn hơn.
Đồng quan điểm, TS Phạm Bá Hiền, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV của Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, cho biết quán bar, karaoke hay chùa chiền, nhà thờ là những nơi mọi người có khoảng cách tiếp xúc rất gần với nhau.
Đặc biệt, những nơi như quán bar, karaoke thường có không khi sôi động, mọi người trò chuyện, nhảy, hát, nếu có trường hợp mắc Covid-19, giọt bắn từ họ có cơ hội phát tán rất nhiều. Vì vậy, nguy cơ lây nhiễm cao.
Việc lây nhiễm xảy ra những nơi đông người như trên rất nguy hiểm. Những đối tượng tiếp xúc với F0 là F1, F2 không được phát hiện và cách ly sớm sẽ tăng nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng, khó kiểm soát dịch.
Trước tình trạng không ít người vẫn chưa có ý thức bảo vệ bản thân khi đến nơi đông người, bác sĩ Hiền cho rằng cần tuyên truyền nhiều hơn nữa đến nhân dân. Vận động các tổ chức, gia đình, cá nhân nâng cao ý thức trong việc khử trùng, đeo khẩu trang nơi công cộng để ngăn ngừa lây lan dịch bệnh. "Mỗi cá nhân không ý thức, ngăn ngừa ngay từ đầu thì nguy cơ lây lan virus sẽ rất lớn, theo cấp số nhân, không kiểm soát nổi", BS Hiền nhận định.
Cách tự bảo vệ mình khi đến nơi đông người
Khi bắt buộc đi ra ngoài, bác sĩ Khanh cho hay người dân cần bảo vệ bản thân bằng các biện pháp theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Đặc biệt, trường hợp cách ly tại nhà phải đảm bảo đúng quy trình, tuân thủ các quy định về y tế, ngăn ngừa việc lây lan ra cộng đồng.
Khi ở nơi làm việc: Ở cơ quan, bạn cần hỏi đồng nghiệp xem ai an toàn, ai nguy cơ với SARS-CoV-2 để biết cách bảo vệ bản thân, gia đình. Khi nói chuyện, phải cách xa 1-2 m. Nếu khó có thể đứng cách xa, bạn nên mang khẩu trang vải, rửa tay thường xuyên.
Sau giờ làm việc, chúng ta nên hạn chế đi lung tung, tránh nguy cơ đem virus gây bệnh về nhà.
Khi đi xe buýt: Người dân nên chuẩn bị hai khẩu trang. Một chiếc dùng khi đi, chiếc còn lại cho lúc về, lót thêm giấy lau tay, mang theo chai sát trùng tay nhanh nếu đi xa.
Khi đi thang máy: Đừng quên mang khẩu trang khi đi thang máy. Sau khi bấm nút, bạn chờ một chút cho thoáng khí rồi mới bước vào. Bạn nên yêu cầu ban quản lý tòa nhà mở quạt lớn, không dùng điều hòa. Nếu bạn sử dụng cầu thang bộ sẽ rất tốt.
Khi đi siêu thị: Sử dụng khẩu trang vải và lót thêm một lớp giấy lau tay bên trong. Nếu có thể, bạn nên cố gắng giữ khoảng cách khoảng 1 m với người khác. Trước khi đi siêu thị, bạn nên ghi sẵn những đồ cần mua, về tới nhà phải rửa tay ngay.
Khi ở quán ăn, cà phê: Bạn nên chọn chỗ ngồi thoáng, không gần điều hòa.
Khi đi du lịch: Bạn không nên vào khu dịch vụ nếu có các biểu hiện sốt hoặc ho, khó thở, mệt mỏi. Khi đến người đông người phải đeo khẩu trang đúng cách và bỏ ngay khẩu trang y tế sau khi sử dụng vào thùng rác đúng nơi quy định. Nếu dùng khẩu trang vải, bạn phải giặt sạch với xà phòng trước khi tái sử dụng. Ngoài ra, bạn nên thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch.