Quán cà phê của tinh thần trao tặng và phụng sự

Ở đó, khách gọi cà phê và được thông báo 'ly cà phê của bạn đã được người đến trước trả tiền, mời bạn thưởng thức…'. Khách uống và lại… trả tiền cho người đến sau. Hoặc nếu muốn, có thể đăng ký làm tình nguyện viên ở kỳ sau.

“Karma café” nằm trên lầu 2 ở một căn nhà tại con đường Nguyễn Huệ sầm uất tại Quận 1, TP. HCM, vốn là một quán cà phê mang tên khác. Điều lạ lùng, tuy tên là quán cà phê nhưng hình thức và tổ chức lại như một buổi gặp gỡ thân mật giữa khách và người phục vụ. Mỗi tháng lại chỉ tổ chức một lần với những chủ đề khác nhau. Ngay từ cửa, đã thấy các bạn tình nguyện viên đứng đón khách. Tất cả người phục vụ của buổi cà phê đặc biệt hằng tháng này là sinh viên, kỹ sư, nghệ sĩ, doanh nhân... đủ mọi lãnh vực, ngành nghề.

Không có khoảng cách giữa khách và tình nguyện viên.

Tại Karma Cafe, tình nguyện viên sẽ chuẩn bị và phục vụ nước uống với tình yêu thương và tinh thần trao tặng. Để tiếp tục lan tỏa tinh thần này, khách sẽ tùy hỷ đóng góp cho chi phí của những người tiếp theo. Số tiền còn dư sẽ được trao tặng lại cho các dự án xã hội.

Karma Cafe bắt đầu hoạt động vào tháng 12/2019 bởi nhóm Giftivism Việt Nam, lấy cảm hứng từ phong trào Karma Kitchen, được bắt đầu tại Berkeley, Mỹ ngày 31/3/2007. Từ một sáng kiến của nhóm tình nguyện viên địa phương nhằm thử nghiệm nền kinh tế trao tặng, hiện nay phong trào đã lan rộng khắp thế giới. Karma café cũng là nơi thực hành hình thức và lan tỏa lối sống “Giftivism”, một khái niệm không có trong từ điển mà hiểu nôm na là lối sống trao tặng và phụng sự.

Thực hành Giftivism với những cái ôm động viên nhau...

Giftivism với cảm hứng hứng từ những danh nhân cả đời phụng sự con người vô điều kiện để mang đến cho cộng đồng những giá trị tốt đẹp như Mẹ Teresa, Gandhi, Martin Luther King, Nelson Mandela.

Chị Vưu Lệ Quyên, một doanh nhân nổi tiếng tại Sài Gòn, một trong những tình nguyện viên nổi bật tại Karma café vẫn còn nhớ như in những lúc team chuẩn bị, nào là viết giấy dó, vẽ logo, viết card, sắp xếp không gian, thảo luận trả lời câu hỏi, mỗi người tỉ mẫn, chăm chú vào công việc của mình. Cũng như các bạn trẻ ở đây, chỉ trẻ trung, nhỏ nhắn và tới lui rót nước phục vụ khách, hoặc trò chuyện với họ, khác hẳn với hình dung của một nữ doanh nhân lớn gắn liền với thương hiệu Biti’s.

... hoặc cùng nhau vẽ tranh, gửi thông điệp tốt đẹp đến người khác.

Theo chị Quyên, nếu những người hùng ghi tên vào lịch sử, thì mỗi người chúng ta đều có thể trở thành những người hùng của cuộc sống thường nhật. Mỗi người đều có thể phụng sự cộng đồng và người xung quanh từ những việc nhỏ nhất: dắt tay một người già qua đường, nhặt rác ở nơi công cộng, để lại món quà cho một người không quen, đến thăm trại trẻ mồ côi, mỉm cười với một người lạ mặt. Những hành động thường ngày ấy đều là những món quà chúng ta có thể trao tặng thế giới, với tình cảm tốt đẹp nhất trong tim. Bởi vậy Giftivism cũng không phải là hình thức từ thiện bởi ngay cả người nghèo, người thiệt thòi vẫn có thể trao tặng: một nụ cười chân thành, lòng tốt và sự sẻ chia, tình bạn và sự quan tâm.

Tình nguyện viên và khách cùng vẽ tranh, gửi thông điệp sống tích cực đến nhau.

Mỗi tháng, Karma café tổ chức một lần với những chủ đề: Nếu bạn thực sự chú tâm, bạn có thể lắng nghe cả lời thì thầm của Vũ trụ.", “Phụng sự”, "Generosity isn’t an act, it is a way of life"...

Khách đến đây uống cà phê và luôn được người đến trước trả giúp, và bạn sẽ trả cho người tiếp theo để vòng tròn trao tặng được lan tỏa. Khách và tình nguyện viên cùng nhau nuôi dưỡng không gian của sự trao tặng, hướng về một thế giới nơi con người tin tưởng nhau thay vì vận hành theo giao dịch thị trường, nỗi sợ hãi về sự thiếu thốn được thay thế bằng niềm vui của sự đủ đầy, và cam kết phụng sự cộng đồng sẽ đẩy lùi cảm giác cô đơn.

Thảo luận và chia sẻ về lối sống, tinh thần trao tặng.

Theo chân người bạn đến đây trải nghiệm, bạn Quỳnh Hân, sinh viên trường ĐH Kinh tế TP. HCM cảm nhận: “Lần đầu tiên mình cảm nhận rõ ý nghĩa sự trao tặng, không cần gì to tát, có khi chỉ là nụ cười, lời hỏi thăm với người khách bên cạnh, hoặc tìm giúp một quyển sách cho ai đó đang cần. Khách đến đây như những người thân tình. Mình cũng có thể lan tỏa sự trao tặng ở bất cứ đâu”.

Có nhiều hoạt động nhỏ xinh được diễn ra để thực hành: vẽ tranh cho nhau, tặng nhau một bài hát. Có khi cả khách và tình nguyện viên quây quần trò chuyện về một chủ đề. Hoặc một cái ôm nồng ấm động viên nhau khi ra về. Các vị khách được mời bốc thăm một lá phiếu có ghi một hành động để tặng cho người ngồi bên trái. Lúc ra về, mỗi người lại được tặng một chiếc thẻ có ghi một hành động tử tế để làm trong tuần.

Khách có thể để lại những cảm nhận của mình để người đến sau tiếp tục vòng tròn lan tỏa.

Trên chiếc bàn nhỏ của Karma café, có rất nhiều thông điệp ghi trên các mảnh giấy nhỏ. Một bạn tên Lam viết: “lần đầu tiên đến một quán cà phê mà mình không bị xem là khách, được đối đãi bằng chân tình. Cảm ơn Đạt đã vẽ chân dung mình nhé”. “Con thấy hạnh phúc khi được một người bạn ẩn danh trả tiền. Chúc bạn ẩn danh mạnh khỏe”, một cô bé tên Hương ghi lại.

Trò chuyện và thăm hỏi nhau là một cách để gửi đi tinh thần trao tặng, phụng sự.

Cũng có buổi vắng khách như dịp cận Tết, các tình nguyện viên lại tự phục vụ nhau bằng ly nước, cùng nhau hát, hoặc đơn giản là một lời hỏi thăm lẫn nhau. Giftivism là những món quà đến từ trái tim, chạm vào trái tim và từ đó thế giới trở nên tốt đẹp hơn.

Khoa Tư

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/quan-ca-phe-cua-tinh-than-trao-tang-va-phung-su-post1328779.tpo