Quản chặt giết mổ khi dịch bệnh phức tạp

PTĐT - Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 1.257 hộ hành nghề giết mổ, 13.177 hộ kinh doanh thịt lợn và sản phẩm từ thịt lợn tại 184 chợ. Cũng do nhiều nguyên nhân, mà đến nay, trên địa bàn tỉnh gần như chưa xây dựng được cơ sở giết mổ tập trung nào. Trong khi dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát, nguy cơ mất an toàn chăn nuôi rất cao, thì càng đòi hỏi phải siết chặt quản lý khâu giết mổ vốn còn đang rất lỏng lẻo hiện nay.

Theo đánh giá của ngành thú y, hầu như các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ đều không đáp ứng yêu cầu về vệ sinh thú y và vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, nhiều hộ do hám lợi sẵn sàng mua lợn ở những vùng bị dịch về giết mổ và tiêu thụ nên làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch ra diện rộng, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Do đó, để bảo vệ chăn nuôi an toàn và phát triển trước tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, việc cần thiết là yêu cầu xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung để kiểm soát nguồn gốc và tình trạng lợn trước khi giết mổ đã trở nên vô cùng cấp thiết, nhất là trong tình trạng dịch bệnh đang bùng phát, lây lan nhanh, khó kiểm soát như hiện nay.Đến thời điểm này, dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát và lây lan nhanh, đe dọa trực tiếp đến ngành chăn nuôi lợn trong đó nguy cơ lây nhiễm và bùng phát ở tỉnh ta rất cao. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã yêu cầu siết chặt việc truy xuất nguồn gốc, tình trạng sức khỏe của lợn trước khi đưa vào giết mổ và buôn bán bên cạnh các biện pháp kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển, khử trùng tiêu độc. Các ngành chức năng đã vào cuộc một cách quyết liệt, đồng bộ và đạt được nhiều kết quả tích cực. Đã có trên 1.200 hộ giết mổ và trên 12.300 hộ kinh doanh đăng ký đảm bảo lợn có nguồn gốc xuất xứ, an toàn; UBND các huyện đã chỉ đạo UBND các xã yêu cầu thú y viên cơ sở kiểm tra, xác nhận tình trạng của lợn trước khi giết mổ và cấp giấy chứng nhận. Việc làm này đã được đại bộ phận các hộ giết mổ, kinh doanh và người tiêu dùng ủng hộ. Thực tế cũng cho thấy, việc xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung và thu gom các hộ giết mổ nhỏ lẻ đang hết sức khó khăn, nhưng để ngành chăn nuôi có thể phát triển bền vững, an toàn trong thời gian tới và góp phần hạn chế dịch bệnh lây lan, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thì bắt buộc phải thực hiện tốt việc tổ chức giết mổ tập trung và quản lý an toàn thực phẩm. Làm được như vậy, mới góp phần quan trọng vào công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đưa hoạt động kinh doanh giết mổ tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, góp phần phòng, chống dịch bệnh một cách hiệu quả…

Minh Tự

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-de-hom-nay/201907/quan-chat-giet-mo-khi-dich-benh-phuc-tap-165454