Quan chức EU: Anh sẽ đối mặt với những thách thức lớn hậu Brexit

Người ủng hộ chủ trương Brexit vui mừng khi Anh chính thức rời liên minh châu Âu (EU), tại quảng trường Nghị viện ở trung tâm London tối 31/1/2020 - Ảnh: AFP/TTXVN

Vương quốc Anh đã đánh dấu một chương mới vào ngày 25/12 sau khi đảm bảo một thỏa thuận thương mại hậu Brexit với Liên minh châu Âu (EU) và các đặc phái viên của EU đã đưa ra nhận định thận trọng về thỏa thuận này, mà hai bên đạt được chỉ nhiều tháng đàm phán.

Các đặc phái viên dự kiến sẽ gặp lại vào ngày 28/12 để bắt đầu quá trình phê chuẩn. Đối với Anh, thỏa thuận này có nghĩa là nước này sẽ không rơi vào tình trạng sụp đổ thương mại vào ngày 1/1/2021 khi tránh một loạt thuế quan và hạn ngạch bất lợi. Tuy vậy, những thay đổi lớn là không thể tránh khỏi khi London dứt khoát rời khỏi thị trường chung EU và sự tự do đi lại với khối kết thúc sau gần nửa thế kỷ hội nhập.

Theo tờ The Times, thỏa thuận này có những hạn chế mới bao gồm chấm dứt việc di chuyển tự do vào Anh đối với người lao động châu Âu và vào EU đối với người lao động Anh. Giới trẻ sẽ bị ảnh hưởng bởi việc Anh rút khỏi chương trình trao đổi sinh viên Erasmus áp dụng trên toàn châu Âu và được thay thế bằng một chương trình học tập tại quê nhà được đặt theo tên nhà khoa học máy tính tiên phong Alan Turing.

Một nhà ngoại giao EU cho AFP hay đối với lĩnh vực tài chính quan trọng của Anh, về lâu dài, vấn đề thực chất của Brexit sẽ là tuân theo các quy tắc của EU nếu không Anh sẽ hoạt động trong trạng thái tự cô lập.

Trong khi đó, ngày 25/12, hãng tin BBC cho biết họ đã có được bản sao đầy đủ của thỏa thuận thương mại hậu Brexit, chỉ việc Anh rời EU, giữa Anh và EU vừa đạt được, đồng thời lưu ý rằng thỏa thuận này vượt xa thỏa thuận của EU và Canada.

Theo BBC, văn kiện dài 1.246 trang này gồm khoảng 800 trang phụ lục và chú thích, các trang về nội dung pháp lý sẽ xác định mọi khía cạnh thương mại giữa Anh và EU. BBC cho rằng ngay từ cái nhìn đầu tiên, toàn bộ nội dung thỏa thuận hậu Brexit này đã vượt xa thứ gọi là thỏa thuận "kiểu Canada”.

Một phần phụ lục đã tiết lộ một sự thỏa hiệp vào phút chót về lĩnh vực ôtô điện. EU muốn đề nghị cách tiếp cận miễn thuế chỉ dành cho những ôtô của Anh có hầu hết các phụ tùng được sản xuất tại châu Âu. Việc này sẽ được chia từng giai đoạn trong hơn sáu năm, song sẽ thấp hơn mức đề nghị của Anh đưa ra.

Ngoài ra, có một cam kết rõ ràng là không hạ thấp các tiêu chuẩn về môi trường, quyền lợi người lao động và biến đổi khí hậu so với những quy định hiện hành cũng như các cơ chế để thực thi nó. Tuy nhiên, BBC nói thêm rằng các bên cũng có quyền "tái cân bằng" thỏa thuận này nếu có "sự khác biệt đáng kể" trong tương lai có khả năng "tác động đến thương mại”.

Tương tự, việc hạn chế bồi thường đối với trợ cấp không công bằng dành cho các công ty "không áp dụng" trong những tình huống như thảm họa thiên nhiên. Điều đó sẽ giúp gói hỗ trợ COVID-19 hiện nay của EU dành cho các lĩnh vực hàng không, không gian, biến đổi khí hậu và ô tô điện không bị ảnh hưởng.

Ngày 26/12, tân Bộ trưởng Thương mại Úc Dan Tehan cho rằng việc ký kết thỏa thuận Brexit sẽ tạo động lực mới cho những nỗ lực của Úc trong việc thúc đẩy các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với cả Anh và Liên minh Châu Âu (EU), đồng thời tăng cường sự ổn định trên toàn cầu.

Ông Tehan nói: “Thỏa thuận sẽ tạo động lực mới cho những nỗ lực của Úc nhằm ký kết các FTA toàn diện và đầy tham vọng với Anh và EU”.

Chính phủ Úc đã đặt mục tiêu ký kết các thỏa thuận trên vào năm 2021 và theo đuổi các thỏa thuận tương tự với các nước châu Âu không thuộc EU, trong nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu trong bối cảnh xung đột thương mại với Bắc Kinh leo thang.

Chính quyền sắp mãn nhiệm của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 25/12 đã hoan nghênh việc Anh và EU đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit, khẳng định Washington sẵn sàng xây dựng “các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương mạnh mẽ hơn”.

Trên mạng xã hội Twitter, các quan chức an ninh Nhà Trắng bày tỏ “chúc mừng Anh và EU đã hoàn tất thỏa thuận hậu Brexit lịch sử," đồng thời khẳng định “Nước Mỹ sẵn sàng làm việc với các bên để xây dựng các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương thậm chí còn mạnh mẽ hơn trong những năm sắp tới”.

Cùng ngày 25/12, Nhật Bản và Thổ Nhĩ Kỳ đã hoan nghênh thỏa thuận thương mại đạt được giữa Anh và EU giai đoạn hậu Brexit (Anh rời EU) trước khi London kết thúc giai đoạn chuyển giao vào ngày 31/12 tới.

Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu cho biết Nhật Bản hoan nghênh việc Anh và EU đã “tránh được các vấn đề như áp thuế giữa 2 bên có thể tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu”.

Ngoại trưởng Motegi cho biết Nhật Bản sẽ “theo dõi chặt chẽ” việc thực thi thỏa thuận thương mại giữa Anh và EU, đồng thời sẽ tiếp tục chia sẻ thông tin và hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản tại Anh cũng như tại các nước châu Âu nhằm đảm bảo hoạt động suôn sẻ.

Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Kajiyama Hiroshi khẳng định: “Nhật Bản hy vọng quốc hội hai bên sẽ nhanh chóng thực hiện các biện pháp cần thiết để thông qua thỏa thuận này”.

Trong động thái tương tự, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ra tuyên bố nêu rõ: 'Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ chặt chẽ với Vương quốc Anh trên mọi lĩnh vực, là ứng cử viên gia nhập EU và có liên minh thuế quan với EU. Chúng tôi tin rằng thỏa thuận này sẽ tạo cho Thổ Nhĩ Kỳ cơ hội trong quan hệ với cả EU và Anh." Tuyên bố nhấn mạnh trong bối cảnh này, công tác chuẩn bị cho việc ký kết thỏa thuận thương mại tự do (FTA) giữa nước này và Anh đang trong giai đoạn cuối.

Trước đó, ngày 24/12, Anh và EU đã thông báo chính thức đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit. Thỏa thuận này khép lại giai đoạn gần 9 tháng đàm phán (khởi động hồi tháng 3). Kết quả này tạo cơ sở pháp lý để Anh và EU tránh được một cuộc “ly hôn” trong hỗn loạn và không có thỏa thuận để xác định mối quan hệ kinh tế và an ninh giữa hai bên giai đoạn hậu Brexit.

Dự kiến, Quốc hội Anh sẽ nhóm họp vào ngày 30/12 để tiến hành bỏ phiếu thông qua thỏa thuận lịch sử với EU. Cuộc bỏ phiếu diễn ra chưa đầy 48 giờ đồng hồ trước khi thỏa thuận thương mại có thể được thực thi kể từ ngày 1/1/2021. Trong khi đó, EU dường như sẽ dùng cơ chế "áp dụng tạm thời" cho đến khi các nghị sĩ EU bỏ phiếu chính thức thông qua.

Anh rời EU từ ngày 31/1 năm nay nhưng hai bên duy trì mô hình quan hệ cũ cho tới hết năm 2020 để tiến hành đàm phán về quan hệ tương lai.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/250461/quan-chuc-eu--anh-se-doi-mat-voi-nhung-thach-thuc-lon-hau-brexit.html