Quân, dân tỉnh Sơn La góp sức người, sức của trong Chiến dịch Thượng Lào

Được giải phóng tháng 11 năm 1952, dù khi ấy đời sống nhân dân và lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Sơn La còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng Đảng bộ, quân và dân Sơn La vẫn hăng hái đóng góp sức người, sức của chi viện cho Chiến dịch Thượng Lào.

Trong Chiến dịch Tây Bắc, quân và dân Sơn La đã đóng góp một phần không nhỏ xương máu và vật chất cho chiến dịch kết thúc thắng lợi ngày 10-12-1952.

Ở khắp nơi bộ đội địa phương và dân quân du kích đều đi chiến đấu và phục vụ chiến đấu, tham gia thu dọn chiến trường. Quân và dân tỉnh Sơn La đóng góp hơn 1.421.000 ngày công, có đợt dân công phục vụ lên tới 4.000 người liên tục hằng tháng, cung cấp được 693.434kg gạo; 8 tấn ngô; hơn 48.300kg thịt các loại. Quân và dân Sơn La đã làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, phối hợp với quân và dân cả nước đưa Chiến dịch Tây Bắc đi đến thắng lợi.

Cán bộ Bộ CHQS tỉnh Sơn La hướng dẫn cán bộ Bộ CHQS tỉnh Hủa Phăn (Lào), kỹ thuật chăm sóc rau xanh. Ảnh: HOÀNG HÀ

Cán bộ Bộ CHQS tỉnh Sơn La hướng dẫn cán bộ Bộ CHQS tỉnh Hủa Phăn (Lào), kỹ thuật chăm sóc rau xanh. Ảnh: HOÀNG HÀ

Với khí thế đó, quân và dân Sơn La tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quan trọng của Tổng quân ủy làm nhiệm vụ quốc tế, giúp đỡ nhân dân các tỉnh Bắc Lào. Đảng bộ, quân và dân Sơn La chuẩn bị tốt mọi mặt để xây dựng và phát triển lực lượng, củng cố, gây dựng các cơ sở quần chúng cách mạng; tuyên truyền và vận động nhân dân các bộ tộc Lào đoàn kết, phối hợp với LLVT tỉnh Sơn La tập trung mở nhiều đợt hành quân chống càn quét của địch tại Sầm Nưa, Xiêng Khoảng.

Mặc dù mới được giải phóng, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, song với tình cảm đoàn kết đặc biệt, thủy chung, Đảng bộ, quân và dân Sơn La đã hăng hái đóng góp sức người, sức của chi viện cho Chiến dịch Thượng Lào.

Là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong chiến dịch này, tại Sơn La, địch ra sức củng cố phòng tuyến sông Mã, đường số 41 (nay là Quốc lộ 6) nhằm giữ vững hành lang an toàn giữa Sơn La với Thượng Lào. Các cấp ủy Đảng trong LLVT Sơn La tập trung công tác quán triệt, giáo dục, bồi dưỡng một số nội dung về quan hệ quốc tế, động viên cán bộ, chiến sĩ về công tác dân vận, quan hệ với quần chúng, các quy định về tiếp xúc nhân dân, phong tục tập quán của nước bạn, tạo thuận lợi cho mọi cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến đấu trên đất bạn. Để chi viện hiệu quả cho Chiến dịch Thượng Lào, quân và dân Sơn La đã đẩy mạnh xây dựng lực lượng, cử nhiều cán bộ, chiến sĩ tình nguyện sang giúp bạn. Với những hoạt động mạnh của liên quân Việt - Lào, tiến công địch ở Sầm Nưa, Xiêng Khoảng, uy hiếp Luông Pha Băng, buộc quân Pháp điều 2 tiểu đoàn cơ động từ Nà Sản sang ứng cứu, nhưng chúng không cứu vãn nổi được tình thế. Chiến dịch Thượng Lào kết thúc, một vùng đất đai rộng lớn trên 35.000km2 được giải phóng, trong đó có Sầm Nưa và Xiêng Khoảng với hơn 40 vạn dân. Căn cứ kháng chiến của Lào được mở rộng, nối liền với vùng Tây Bắc Việt Nam.

Cùng với các dân tộc và nhân dân trên địa bàn cả nước, Sơn La đã tạo những căn cứ đứng chân đầu tiên, điểm xuất phát là các tuyến trung chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược, cụ thể: LLVT tỉnh Sơn La cùng nhân dân Tây Bắc cung cấp, tiếp tế cho chiến dịch: 6.300 tấn gạo, 200 tấn muối, 290 tấn thịt, 190 tấn thực phẩm khô khác. Sơn La phối hợp chặt chẽ với Chiến trường Thượng Lào, chỉ tính riêng từ tháng 1 đến tháng 6-1953, ngoài việc bẻ gãy nhiều cuộc hành quân càn quét, “nhổ” các đồn, bốt... số địch bị giết và bị thương 404 tên, bị bắt và ra hàng 266 tên, bộ đội ta thu 218 khẩu súng các loại, tiêu diệt nhiều ổ phỉ, biệt kích, do thám.

Thắng lợi của Chiến dịch Thượng Lào 1953 đã khẳng định mối quan hệ đoàn kết gắn bó đặc biệt giữa LLVT tỉnh Sơn La với các tỉnh Bắc Lào nói riêng và tình đoàn kết giữa Đảng, chính phủ, quân đội và nhân dân hai nước Việt - Lào nói chung.

Kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, trong giai đoạn hiện nay Sơn La đang đẩy mạnh hoạt động hợp tác hữu nghị với các tỉnh Bắc Lào. Bên cạnh các hoạt động hợp tác, giao lưu kinh tế, hằng năm Sơn La và các tỉnh Bắc Lào tăng cường hợp tác, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước; hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế; thường xuyên trao đổi thông tin tình hình về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, duy trì chế độ giao ban định kỳ và đột xuất, thông tin tình hình có liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới giữa hai nước, qua đó tạo môi trường ổn định, thân thiện trên khu vực biên giới, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển và tạo thế vững chắc cho khu vực phòng thủ tỉnh, góp phần đưa quan hệ hữu nghị đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào ngày càng bền vững, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

CAO MẠNH TƯỜNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/quan-dan-tinh-son-la-gop-suc-nguoi-suc-cua-trong-chien-dich-thuong-lao-724647