Quan điểm bảo vệ lợi ích của nước Mỹ

Rút lính Mỹ từ các 'điểm nóng' trên thế giới luôn là một quan điểm xuyên suốt của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Mới đây, ông Trump tiếp tục nhấn mạnh quan điểm này trong một tuyên bố phát biểu tại New York, Mỹ. Một lần nữa, quốc tế dấy lên nghi ngại về các thỏa thuận, cam kết về hợp tác quân sự của Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại lễ tốt nghiệp sĩ quan của Học viện Quân sự Mỹ ở West Point, bang New York, ngày 13-6. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại lễ tốt nghiệp sĩ quan của Học viện Quân sự Mỹ ở West Point, bang New York, ngày 13-6. Ảnh: Reuters

Bất chấp làn sóng chỉ trích các kế hoạch rút quân, đặc biệt là việc rút 9.500 binh lính Mỹ khỏi Đức, cuối tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục đưa ra tuyên bố rằng, nhiệm vụ của lính Mỹ là bảo vệ lợi ích sống còn của nước Mỹ trước các kẻ thù bên ngoài, thay vì kiến thiết cho các nước khác. Tuyên bố được đưa ra trong bài phát biểu của Tổng thống Trump tại Học viện Quân sự Mỹ ở bang New York.

Ông Trump nhấn mạnh rằng, đây chính là thời điểm để Mỹ chấm dứt kỷ nguyên của những cuộc chiến dai dẳng ở các quốc gia khác. Xuyên suốt hàng chục năm qua, nước Mỹ đã và đang duy trì quân đội tại nhiều “điểm nóng” về bất ổn an ninh khắp thế giới, thậm chí có những vùng đất xa xôi mà nhiều người chưa từng biết tên.

Liên quan đến động thái Mỹ rút quân khỏi Đức, Chính phủ Đức đã tỏ ra hết sức ngạc nhiên về kế hoạch của chính quyền Tổng thống Donald Trump, đồng thời xác nhận Mỹ đã thông báo cho Đức về kế hoạch rút 9.500 quân và sẽ còn 25.000 binh lính Mỹ tại nước này. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas bình luận rằng, Đức với Mỹ có quan hệ đối tác thân thiết nhưng là một mối quan hệ phức tạp.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell vừa từ chức ngày 1-6 cho biết, lý do quan trọng nhất thúc đẩy quyết định của Tổng thống Trump chính là việc Mỹ phải chi trả quá nhiều chi phí quân sự cho an ninh của quốc gia khác, trong đó, phần lớn số tiền đều từ nguồn thuế của người dân Mỹ.

Cũng theo cựu Đại sứ Richard Grenell, số lượng 25.000 binh lính Mỹ còn lại tại Đức vẫn không phải con số nhỏ. Ngoài Đức, ông Trump cũng tuyên bố muốn rút quân tại hàng loạt quốc gia khác như Afghanistan, Syria, Iraq, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Theo giới chuyên gia quốc tế, việc rút quân đội Mỹ được xem là quan điểm chính trị của chính quyền nước này kể từ khi ông Trump nhậm chức vào năm 2017. Động thái rút quân Mỹ khỏi Đức có nguy cơ làm xói mòn khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - Liên minh quân sự lớn nhất thế giới. Bởi lẽ, Đức là một thành viên quan trọng của NATO và cũng là quốc gia có nhiều binh lính Mỹ đồn trú nhất tại châu Âu.

Cùng quan điểm rút quân sẽ làm suy yếu NATO, ngay trong nội bộ nước Mỹ, làn sóng phản đối kế hoạch rút quân cũng “hâm nóng” chính trường nước này. Ngay nội bộ đảng Cộng hòa của Tổng thống Trump, đã có 22 nghị sĩ trong Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ gửi thư tới ông Trump đề nghị không rút quân khỏi Đức.

Các nghị sĩ Mỹ khẳng định, kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, việc bố trí quân Mỹ ở các điểm nóng chiến lược đã giúp đảm bảo an toàn cho nước Mỹ nói riêng và ngăn chặn được một cuộc chiến tranh thế giới nữa. Hơn hết, việc rút quân sẽ không giúp nước Mỹ tốt hơn mà sẽ gây hại rất lớn đến an ninh nước này.

Mặt khác, việc giảm quân Mỹ tại Đức cũng gây nên căng thẳng giữa 2 quốc gia, tạo nên khó khăn nghiêm trọng về hậu cần khi Mỹ cần chuyển tiếp lực lượng tới các căn cứ trên toàn thế giới. Cùng quan điểm với giới chuyên gia và nhà lập pháp Mỹ, nhiều chính trị gia của Anh cho rằng, việc rút quân sẽ làm suy giảm khả năng hoạt động của Mỹ ở Trung Đông và châu Phi.

Theo phân tích của giới chuyên gia, vấn đề mấu chốt để duy trì lính Mỹ tại các quốc gia khác là việc những nước này phải tăng chi tiêu quốc phòng cho Mỹ. Trên thực tế, ông Trump đã nhiều lần hối thúc các nước như Đức, các thành viên NATO, Hàn Quốc... phải tăng chi phí để giảm gánh nặng cho Mỹ.

Mặc dù vậy, yêu cầu của Tổng thống Trump vẫn chưa được các nước ủng hộ và đáp ứng. Cũng chính lẽ đó, việc rút quân được xem như một biện pháp “mặc cả” của Tổng thống Trump và điều này đã được minh chứng trong các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Hàn Quốc về chia sẻ chi phí quân sự (SMA) thời gian tới.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/quan-diem-bao-ve-loi-ich-cua-nuoc-my-post429952.html