Quan điểm của Trạng nguyên Vũ Duệ về hiền tài

Trạng nguyên Vũ Duệ (1468-1522) người làng Trình Xá, xã Sơn Vi, trấn Sơn Tây (nay thuộc xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao). Là một vị đại khoa tài đức vẹn toàn nhưng do hạn chế của điều kiện lịch sử, ông mới phát huy, cống hiến được khoảng trên chục năm dưới thời các vua Lê Thánh Tông...

Đền thờ và văn bia về thân thế của Trạng nguyên Vũ Duệ ở xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao.
Ảnh:Đức Hoàng

(baophutho.vn) - Trạng nguyên Vũ Duệ (1468-1522) người làng Trình Xá, xã Sơn Vi, trấn Sơn Tây (nay thuộc xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao). Là một vị đại khoa tài đức vẹn toàn nhưng do hạn chế của điều kiện lịch sử, ông mới phát huy, cống hiến được khoảng trên chục năm dưới thời các vua Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, sau đó triều Lê Sơ đi vào suy thoái, nội bộ Hoàng tộc tranh dành ngôi vị chém giết lẫn nhau. Một lòng trung quân ái quốc, ông vẫn tận tụy phục vụ dưới các triều Lê Uy Mục, Lê Tương Dực, Lê Chiêu Tông mong cứu vãn tình thế. Nhưng rồi nhà Lê suy sụp, quyền hành vào tay Mạc Đăng Dung, vua phải bỏ chạy khỏi kinh thành thì ông vô cùng thất vọng và tìm đến cái chết để tỏ rõ lòng trung theo quan điểm nhà Nho.

Di sản của Vũ Duệ để lại không nhiều nhưng có giá trị đặc biệt quan trọng thể hiện trí tuệ uyên bác của vị đại khoa nặng lòng với việc trị quốc, an dân. Trong văn bia đề danh Tiến sĩ khoa thi năm Giáp Tuất (1514), Vũ Duệ đã thể hiện quan điểm, tầm nhìn khoa học, tiến bộ về lựa chọn hiền tài mà đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị. Đây là khoa thi Hội dưới triều vua Lê Tương Dực, niên hiệu Hồng Thuận thứ 6 (1514), gồm có 5.700 sĩ tử, lấy đỗ từ Tiến sĩ trở lên được 44 người. Trạng nguyên Vũ Duệ được vua giao viết văn khắc lên bia. Đến năm Tân Tỵ, niên hiệu Quang Thiệu thứ 6 (1521) đem dựng ở Văn miếu Quốc tử giám Hà Nội, là một trong số 82 bia hiện còn.

Điểm nổi bật của nội dung văn bia là tác giả đã đưa ra nhận xét tổng quát về việc tổ chức thi cử là nhằm tuyển chọn người hiền tài. Việc này các đời vua bên Trung Quốc đã làm, nhưng không thể so bằng Việt Nam về “Quy mô to rộng, khuôn phép tốt đẹp, đầy đủ rõ ràng như các bậc liệt thánh triều ta”. Đồng thời xác định việc dựng bia là để tỏ ý “khuyến khích biểu dương nhân tài”. Vũ Trạng nguyên có quan điểm đúng đắn cho rằng người tài trước hết là phải có đạo đức. Trạng viết “Trước lo phận sự sau mới tới tài năng, trước phải trau dồi khí tiết sau mới tới tài nghệ, trước phải nên đức hạnh sau mới đến văn chương”. Dưới chế độ phong kiến nhiều người cho rằng học hành, thi cử để văn hay chữ tốt, sáng tác, ngâm vịnh. Nhưng Vũ Trạng nguyên có một quan niệm hết sức tiến bộ là thi cử đỗ đạt để làm bất kỳ công việc nào ích quốc lợi dân “Là sao sáng mây lạ, làm điềm lành cho đương thời, là vàng ngọc thiên nhiên làm của quý cho thế gian, là gươm Can Tương, mặc Da để dẹp tiếm loạn, là gỗ biền nam kỷ tử để vững cột rường, là thóc lúa vải lụa để nuôi sống dân, là sâm linh chi thuật để dưỡng thọ mạch nước, để cuộc trị nước đến chỗ phồn vinh và đặt thiên hạ vào thế bình yên như Thái sơn bàn thạch”. Kẻ sĩ thi cử đỗ đạt nào làm được như thế thì mới: “Trên không phụ sự biểu dương của đức thánh, dưới không phụ vốn học vấn của đời mình, Như vậy công danh sự nghiệp ghi mãi trên bia đá cứng, không bao giờ phai mòn”.

Tấm bia Tiến sĩ đầu tiên vào năm Đại Bảo thứ ba ở Văn Miếu Quốc tử giám Hà Nội do Tiến sĩ Thân Nhân Trung soạn văn có một ý bất hủ là thi cử để chọn người hiền tài, mà “Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh và vươn cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà xuống thấp”. Nội dung văn bia do Trạng nguyên Vũ Duệ soạn, tiếp tục khẳng định rõ hơn quan niệm về người hiền tài, lấy đức hạnh làm đầu, đem tài năng làm bất cứ việc gì cho đất nước phồn vinh, nhân dân no ấm. Đó là một số quan điểm đúng đắn tiến bộ mà hơn 600 năm về trước, Trạng nguyên Vũ Duệ đã để lại cho hậu thế.

Trong số 44 vị đỗ Tiến sĩ trở lên trong khoa thi Giáp Tuất (1514) được ghi danh trên bia, có một vị người Đất Tổ. Đó là ông Nguyễn Chính Tuân, quê xã Xuân Lũng, huyện Sơn Vi, nay thuộc huyện Lâm Thao. Sau khi đỗ Hoàng giáp, ông được bổ dụng chức Doãn sự, rồi Thượng thư tước Ngọc Quận công. Thấy Mạc Đăng Dung (1483-1541) chuyên quyền định cướp ngôi nhà Lê, ông bất bình bỏ về không chịu làm quan cho nhà Mạc. Đến thời Lê Trung Hưng ông được xếp vào số những vị đại khoa công thần tiết liệt, phù Lê không theo nhà Mạc mà tự vẫn như Trạng nguyên Vũ Duệ, hoặc dấy binh chống nhau với nhà Mạc như Tiến sĩ Đàm Thận Huy (1463-1526) quê Bắc Ninh...

Hương Nao

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-vi-dat-to/202112/quan-diem-cua-trang-nguyen-vu-due-ve-hien-tai-181841