Quân đội Mỹ triển khai dự án chống lại tin tức giả mạo
Tin tức giả mạo trên các mạng xã hội đã trở thành một mối đe dọa đối với an ninh của Mỹ, khiến Lầu Năm Góc phải triển khai một dự án nhằm chống lại vấn nạn này.
Theo hãng tin Bloomberg, Bộ Quốc phòng Mỹ mới đây đã bắt đầu triển khai một dự án nhằm chống lại hoạt động tung tin giả mạo trên các phương tiện truyền thông đại chúng, vốn đã trở thành mối đe dọa đối với nền an ninh của Mỹ.
Cơ quan Nghiên cứu Các Dự án quốc phòng tiên tiến (DARPA) thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ đã đưa ra yêu cầu về một phần mềm máy tính đặc biệt, có khả năng phát hiện những tin tức giả mạo nằm trong số khoảng 500.000 bài viết, bức ảnh, video và tệp âm thanh.
Phần mềm này sẽ trải qua quá trình thử nghiệm trong 4 năm và nếu thành công sẽ được sử dụng cho việc phát hiện các âm mưu khả nghi và ngăn chặn tin tức giả mạo gây ảnh hưởng đến xã hội.
Chuyên gia Andrew Grotto tại Trung tâm An ninh Quốc tế tại Đại học Stanford Mỹ nhận định: "Khoảng một thập kỷ trước, những công nghệ hiện nay vẫn còn được coi là điều viễn tưởng. Chúng ta có thể thấy công nghệ đã phát triển nhanh chóng như thế nào".
Hiện các thông tin và nội dung giả mạo đang xuất hiện ngày càng nhiều và phức tạp, khiến các phần mềm rất khó phát hiện. Các công nghệ hình ảnh liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) đã phát triển nhanh chóng và được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như thời trang, sản xuất phim hay phát triển ứng dụng nhận diện khuôn mặt.
Nhiều nghiên cứu cho rằng các công nghệ này có thể được sử dụng để tạo ra những video giả. Đạo diễn nổi tiếng Jordan Peele, người từng đạt giải Oscar, trước đây đã làm một đoạn video giả về cựu Tổng thống Barack Obama nêu ý kiến về bộ phim Black Panther và ông Donald Trump. Đoạn video đã cho thấy công nghệ AI đã phát triển như thế nào và Jordan Peele muốn cảnh báo mọi người cần thận trọng với những nội dung trên mạng Internet.
Hiện giới chức Washington vẫn đang nỗ lực chuẩn bị cho những kế hoạch nhằm ngăn chặn tin tặc nước ngoài sử dụng các kênh mạng xã hội để tung tin sai lệch, từ đó can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2020. Chính Tổng thống Donald Trump cũng từng phải đối mặt với nhiều cáo buộc cho rằng những nội dung giả mạo trên các nền tảng Facebook, Twitter, Google...đã giúp ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi năm 2016./.