Quân đội Mỹ, Trung vừa hợp tác vừa đấu khẩu 'dằn mặt' nhau
Tờ Newsweek đăng tải, quân đội hai nước Mỹ và Trung Quốc đã có cuộc họp chung thảo luận về cách duy trì liên lạc nếu xảy ra khủng hoảng.
Hôm thứ Năm (29/10), Lầu Năm góc cho hay, đại diện của Văn phòng Bộ Quốc phòng Mỹ, Bộ Tổng tham mưu và Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương đã họp trực tuyến với các thành viên trong Văn phòng Quân ủy Trung ương Trung Quốc về Hợp tác Quân sự Quốc tế, Bộ Tham mưu Liên hợp Quân ủy Trung ương và Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam Bộ trong một sự kiện kéo dài 2 ngày của Nhóm Làm việc Liên lạc Khủng hoảng đầu tiên giữa hai nước. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy một tuần nữa Ngày Bầu cử Mỹ sẽ chính thức bắt đầu.
Theo thông cáo, mục đích của cuộc họp trực tuyến là "gây dựng sự thấu hiểu lẫn nhau" giữa hai đối thủ "dựa trên các nguyên tắc nhằm ngăn chặn và quản lý khủng hoảng đồng thời giảm thiểu nguy cơ cho các lực lượng vũ trang".
"Hai bên đã thống nhất với nhau về tầm quan trọng cần phải thiết lập các cơ chế để có thể liên lạc kịp thời trong một cuộc khủng hoảng cũng như nhu cầu duy trì các kênh liên lạc thường xuyên để ngăn ngừa khủng hoảng và tiến hành các đánh giá hậu khủng hoảng", thông cáo viết.
Cũng trong ngày 29/10, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Wu Qian đã nhấn mạnh nhu cầu cải thiện quan hệ giữa hai nước. "Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục giữ vững các nguyên tắc không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác hai bên cùng có lợi và nỗ lực thúc đẩy phát triển quan hệ Trung-Mỹ theo hướng hợp tác và ổn định", ông Wu nói với báo giới tại Bắc Kinh.
Ông Wu cùng bày tỏ mong muốn Washington sẽ làm điều tương tự. "Tôi hy vọng Mỹ và Trung Quốc sẽ gặp gỡ thường xuyên, giảm thiểu thù hận, kiềm chế các hành động khiêu khích, củng cố liên lạc, quản lý nguy cơ và giữ một vai trò tích cực trong phát triển ổn định mối quan hệ giữa hai lực lượng vũ trang", người phát ngôn chỉ ra.
Tuy nhiên, bên cạnh các thông báo về kế hoạch tương tác giữa quân đội hai nước trong thời gian còn lại của năm 2020, ông Wu còn đưa ra một lời cảnh báo sắc bén nhằm đáp trả lại một thông tin chưa xác định trên truyền thông Mỹ. Cụ thể, một số tờ báo Mỹ đăng tải, Tổng thống Donald Trump có thể sẽ để máy bay không người lái MQ-9 Reaper hiện diện tại những hòn đảo đang bị Trung Quốc kiểm soát một cách bất hợp pháp ở khu vực Biển Đông - từ đó giành thêm lợi thế cho chính quyền đương nhiệm trong cuộc bầu cử Mỹ sắp diễn ra.
Ông Wu cho biết đã nhận được sự đảm bảo từ Lầu Năm góc là việc trên sẽ không xảy ra. Tuy nhiên, ông tuyên bố, Trung Quốc sẽ chống trả quyết liệt nếu "có ai châm ngòi xung đột trên biển".
Một ngày trước đó, khi bình luận về những nỗ lực hợp tác giữa Washington và New Delhi nhằm đối phó với Trung Quốc sau cuộc họp bộ trưởng Mỹ-Ấn tại New Delhi, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin gọi đó là một phần trong "tinh thần Chiến tranh Lạnh và khái niệm trò chơi tổng bằng không".
Washington mới đây đã ký kết một loạt các thỏa thuận phòng thủ với New Delhi. Ấn Độ cũng là nước duy nhất trong Đối thoại An ninh Bốn bên (hay còn gọi là nhóm Bộ Tứ) không phải là một đồng minh chính thức với Mỹ. Ấn Độ cùng với các thành viên còn lại của Bộ Tứ là Australia, Nhật Bản và Mỹ - tất cả đều đang có mối quan hệ căng thẳng với Bắc Kinh.
Tháng sau, lần đầu tiên hải quân bốn nước trong Bộ Tứ sẽ tổ chức tập trận chung trong sự kiện mang tên Malabar.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper từng miêu tả Trung Quốc và Nga là những "đối thủ chính" của Lầu Năm góc. Việc Mỹ tìm cách kêu gọi các nước cùng đối phó với Trung Quốc và Nga lại khiến hai đồng minh này ngày càng xích lại gần nhau hơn.
Trong buổi họp báo ngày 29/10, phát ngôn viên Wang Wenbin đã có những biện hộ cho Trung Quốc trên mặt trận ngoại giao. "Chúng tôi khuyến nghị Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo dừng việc phá hoại quan hệ Trung-Mỹ và không tiếp tục đi trên con đường sai lầm", ông Wang nhấn mạnh.
Tuy nhiên, hôm thứ Tư, chính Ngoại trưởng Pompeo lại tuyên bố, các động thái của Bộ Ngoại giao Mỹ nhằm giúp "tiến một bước gần hơn tới một mối quan hệ dựa trên minh bạch và có đi có lại với Trung Quốc".
Bộ trưởng Hải quân Mỹ Kenneth Braithwaite tỏ ra đồng tình. "Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất cho chúng ta trong khi người dân Mỹ lại không hiểu điều đó", ông Braithwaite phát biểu trong một sự kiện ngày 28/10. "Tôi không thể nhấn mạnh nhiều hơn nữa rằng những gì chúng ta đang chứng kiến là một nguy cơ đang trỗi dậy và vượt xa tất cả những gì có thể so sánh được trong lịch sử của nước Mỹ".
Chính quyền Tổng thống Trump đã phát động một chiến dịch toàn diện nhằm tái xem xét lại mối quan hệ của Washington với Bắc Kinh với một loạt cáo buộc hướng vào Trung Quốc trong các lĩnh vực như thương mại, nhân quyền, tranh chấp lãnh thổ tại châu Á…