Quân đội Myanmar thả và trục xuất nhà báo Nhật Bản
Quân đội Myanmar hôm 14/5 đã thả một nhà báo Nhật Bản mà trước đó họ bắt giữ vì cáo buộc ông 'lan truyền thông tin sai'.
Nhà báo Nhật Bản Yuki Kitazumi, làm việc tại Myanmar, bị bắt hồi tháng trước với cáo buộc “lan truyền thông tin sai”, theo truyền hình nhà nước Myanmar.
Hôm 13/5, đài truyền hình này thông báo quân đội Myanmar đã bỏ các cáo buộc chống lại ông Kitazumi và ông sẽ được thả vì “tình hữu nghị giữa Myanmar và Nhật Bản cũng như sự quan tâm đến các mối quan hệ trong tương lai”. Trước đó, một đặc phái viên của Nhật Bản đã kêu gọi quân đội Myanmar thả nhà báo Kitayumi.
Nhà báo Nhật Bản thể hiện sự ủng hộ phong trào bất tuân dân sự ở Myanmar và vi phạm các quy định về thị thực, theo truyền thông thân quân đội Myanmar. Ông từng làm việc tại Nikkei Asia, hiện là nhà báo tự do và đang điều hành một công ty sản xuất video.
Sau khi được thả, ông Kitayumi bị trục xuất về Nhật Bản hôm 14/5. Ông dự kiến đáp chuyến bay xuống Tokyo vào tối muộn.
Trong khi đó, một nhà báo địa phương Myanmar, Min Nyo, đã bị kết án 3 năm tù. Ông bị bắt hôm 3/3 trong khi đưa tin về một cuộc biểu tình phản đối quân đội chính biến ở khu vực Bago, bị cáo buộc kích động bất ổn xã hội.
Trong một số diễn biến đáng chú ý khác tại Myanmar, quân đội đã thiết lập thiết quân luật tại bang Chin, phía Tây Bắc. Thị trấn Mindut, bang Chin đang là nơi thường xuyên diễn ra giao tranh căng thẳng giữa lực lượng quân đội và địa phương, đã có thương vong được báo cáo.
Quân đội Myanmar ngày 1/2 đã bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và một số quan chức dân sự Myanmar, sau đó giành quyền kiểm soát. Quân đội cáo buộc cuộc bầu cử mà đảng của bà Aung San Suu Kyi giành chiến thắng là gian lận, dù ủy ban bầu cử phủ nhận.
Đã nhiều tháng trôi qua sau chính biến nhưng tình hình tại Myanmar chưa có dấu hiệu ổn định trở lại. Các cuộc biểu tình, đình công liên tục diễn ra cùng với xung đột bạo lực ở biên giới giữa lực lượng quân đội và địa phương tiếp tục căng thẳng.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/quan-doi-myanmar-tha-va-truc-xuat-nha-bao-nhat-ban-ar612277.html