Quân đội 'nhỏ mà có võ' của Australia
Lực lượng Phòng vệ Australia có quân số chỉ 80.000 người nhưng được trang bị phương tiện chiến đấu rất hiện đại cùng kinh nghiệm trận mạc vô cùng phong phú.
Australia là quốc gia lớn nhất châu Đại Dương và đứng thứ 6 thế giới về diện tích. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Australia là nền kinh tế lớn thứ 13, thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 10 thế giới. Kinh tế phát triển mạnh cho phép chính phủ Australia đầu tư mạnh cho quốc phòng theo hướng "tinh nhuệ, hiện đại".
Theo Global Security, Lực lượng Phòng vệ Australia (ADF) có quy mô khá nhỏ bé nếu so với các quốc gia khác có cùng diện tích. Quân số thường trực của ADF khoảng 58.206 người và 21.694 quân dự bị. ADF là lực lượng quân sự lớn nhất châu Đại Dương nhưng vẫn nhỏ hơn nhiều so với phần lớn quốc gia châu Á.
Lục quân
Lục quân Australia có quân số thường trực khoảng 30.764 người, dự bị 14.662 người và được tổ chức thành 2 sư đoàn. Trang thiết bị chiến đấu của lục quân được đầu tư theo hướng “ít mà chất”. Nắm đấm hỏa lực mạnh nhất của lục quân Australia là 59 xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams nhập khẩu từ Mỹ.
257 xe chiến đấu bọc thép ASLAV, một phiên bản của Piranha do General Dynamics Land Systems Canada sản xuất. Xe thiết giáp này đóng vai trò tấn công đột phá cho lục quân Australia. 431 xe bọc thép chở quân M113. Nó sẽ sớm được thay thế bằng xe thiết giáp mới trong dự án LAND 400.
Ngoài ra, lục quân Australia còn sở hữu hơn 2.000 xe trinh sát bọc thép Bushmaster PMV và Hawkei PMV do công nghiệp quốc phòng nước này sản xuất. Pháo binh mặt đất chủ lực là M777 do Anh sản xuất. Vũ khí phòng không của Australia chủ yếu là tầm thấp đến trung, không có tầm xa.
Năng lực chi viện hỏa lực đường không được giao cho 22 chiếc trực thăng tấn công Tiger do liên doanh Airbus Helicopter, châu Âu sản xuất. 98 trực thăng vận tải các loại do Mỹ và Pháp sản xuất.
Không quân
Không quân Hoàng gia Australia (RAAF) được đánh giá là lực lượng mạnh nhất của ADF. RAAF sát cánh cùng Không quân Mỹ tham chiến từ Thế chiến II đến nay. RAAF từng tham gia chiến dịch Không vận Berlin, Chiến tranh Triều Tiên. Gần đây, RAAF tham gia hoạt động ở Đông Timor, Chiến tranh Iraq, Afghanistan và can thiệp chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
RAAF có quân số khoảng 14.120 người. Máy bay chiến đấu mạnh nhất của RAAF là tiêm kích F/A-18, gồm 70 chiếc F/A-18A/B Hornet và 24 F/A-18F Super Hornet. Sắp tới, F/A-18 sẽ được bổ sung bằng tiêm kích tàng hình F-35A, 98 chiếc đã được đặt hàng trong đó, 2 chiếc đã bàn giao để huấn luyện.
Australia là quốc gia duy nhất ngoài Mỹ sử dụng máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler hoạt động trên mặt đất. EA-18 sát cánh cùng F/A-18 tạo nên tấm “áo giáp điện từ” mạnh mẽ bảo vệ cho biên đội chiến đấu. RAAF còn sở hữu 6 máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không Boeing 737 AEW&C.
RAAF sở hữu năng lực không vận đáng nể với 6 máy bay tiếp nhiên liệu và vận tải Airbus A330 MRTT. 8 ngựa thồ hạng nặng C-17 Globemaster III, 12 chiếc C-130J Super Hercules. 2 Boeing 737 dùng vận chuyển khách VIP.
Australia bao quanh bởi đại dương nên họ đầu tư rất mạnh cho lĩnh vực tuần tra và giám sát hàng hải trên không. 15 máy bay tuần tra hàng hải chống ngầm AP-3C Orion đang hoạt động cùng 11 Thần biển P-8 có thể mang tên lửa chống hạm Harpoon. Ngoài ra, RAAF còn sở hữu nhiều máy bay vận tải tầm ngắn, máy bay huấn luyện.
RAAF là lực lượng có kinh nghiệm tác chiến phong phú. Họ thường tham gia các chiến dịch quân sự do Mỹ dẫn đầu, qua đó nâng cao khả năng tác chiến độc lập hay hợp tác cùng các đối tác. Họ có đủ năng lực và thiết bị cho các chiến dịch phản ứng nhanh trên toàn cầu.
Hải quân
Hải quân Hoàng gia Australia (RAN) được đánh giá là lực lượng tác chiến mặt nước tinh vi nhất ở Nam Thái Bình Dương. RAN có thể thực hiện các chiến dịch trên toàn thế giới. Hải quân Hoàng gia Australia có 47 tàu quân sự các loại, 14.215 nhân viên thường trực, 8.449 dự bị.
RAN đang vận hành 6 tàu ngầm điện diesel lớp Collins, tương lai sẽ được thay thế bằng lớp Barracuda. Một tàu khu trục lớp Hobart, chiến hạm Aegis tinh vi nhất của RAN. 8 tàu hộ vệ tên lửa lớp Anzac, 2 tàu hộ vệ tên lửa lớp Adelaide.
13 tàu tuần tra lớp Armidale, 6 tàu quét mìn lớp Huon. Một tàu vận tải hạng nặng có thể chở theo xe tăng Abrams và một tàu tiếp dầu trên biển. Chiến hạm lớn nhất của RAN là 2 tàu đổ bộ trực thăng lớp Canberra, lượng choán nước 27.000 tấn. RAN từng vận hành 2 tàu sân bay những năm Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, các tàu này đã ngưng hoạt động, một tàu bị đánh chìm, tàu còn lại được trưng bày làm bảo tàng nổi.
Đường lối quốc phòng của Australia tập trung vào chiến lược “phòng thủ trước”, trong đó vai trò của quân đội Australia là hợp tác chặt chẽ với các đồng minh để chống lại các mối đe dọa tiềm tàng ở khu vực. Từ năm 1972, Australia triển khai chính sách quốc phòng Australia, tập trung vào bảo vệ lục địa Úc chống lại các cuộc tấn công từ bên ngoài.
Ngoài ra, an ninh và quốc phòng Australia có sự hỗ trợ của Mỹ thông qua Hiệp ước ANZUS, hiệp ước an ninh tập thể được ký giữa Mỹ, New Zealand và Australia được ký kết vào năm 1951. New Zealand đã rút khỏi ANZUS vào năm 1986.
Nguồn Znews: http://news.zing.vn/quan-doi-nho-ma-co-vo-cua-australia-post825777.html