Quân đội TQ đưa ra quyết định ngược thông lệ mọi năm: Dấu hiệu 'chơi tất tay' với Ấn Độ?
Căng thẳng biên giới Trung - Ấn tiếp tục leo thang kể cả trong thời kì mùa đông khắc nghiệt và nguy hiểm ở vùng núi biên giới hai nước.
Trái thông lệ
SCMP dẫn nguồn tin quân sự Trung Quốc cho biết nước này đang ưu tiên cung cấp trang thiết bị tuần tra mùa đông cho binh sĩ ở Tây Tạng khi căng thẳng ở vùng biên giới tranh chấp Himalaya với Ấn Độ tiếp tục gia tăng.
Mặc dù mùa đông khắc nghiệt có thể là cơ hội để hai phía Trung - Ấn rút lui, tuy nhiên vẫn không thể loại trừ khả năng các cuộc giao tranh mới sẽ tiếp tục xảy ra sau cuộc đụng độ chết người giữa binh lính hai nước vào hồi tháng 6 vừa qua. Từ đó tới nay, các cuộc đàm phán biên giới vẫn được tổ chức nhưng không đem lại kết quả khả quan nào.
Một nguồn tin quân sự Trung Quốc cho biết, trái ngược với thông lệ thông thường là cung cấp những thiết bị mới nhất trước cho các đơn vị quân đội phía đông và phía bắc, năm nay, quân đội tiền tuyến ở Tây Tạng hiện là "ưu tiên hàng đầu" của bộ phận hậu cần thuộc quân đội Trung Quốc (PLA).
Nguồn tin nói: "Thiết bị chiến đấu mới được ra mắt vào ngày 20/9, sau đó đã được sửa đổi và cải tiến để phù hợp với nhu cầu hoạt động trong mùa đông ở Tây Tạng. Quân đội tiền tuyến của Trung Quốc tại Tây Tạng đã được trang bị sẵn sàng."
"Bộ phận hậu cần cũng đang điều hướng các nguồn trang thiết bị mùa đông từ các đơn vị quân đội khác đóng quân ở miền bắc Trung Quốc để ưu tiên cung cấp cho mặt trận Tây Tạng".
Trang bị tuần tra mùa đông mới của PLA bao gồm mũ trùm đầu giữ nhiệt, quần áo huấn luyện mùa đông, áo khoác ngoài, đồ lót hút ẩm và khô nhanh, găng tay và tất chống thấm nước, kính chống chói và bình nước giữ nhiệt đa năng.
Trong tuần này, tờ Nhân dân Nhật Báo đăng tin cho hay PLA đã xây dựng các doanh trại mới được trang bị hệ thống sưởi ấm mùa đông hiệu quả hơn và có khả năng cung cấp oxy đủ cho một trung đoàn phòng thủ biên giới đóng quân ở Tây Tạng.
Theo bài báo, doanh trại này chủ yếu sử dụng năng lượng mặt trời, có thể duy trì nhiệt độ phòng ở mức 15 độ C ngay cả khi nhiệt độ bên ngoài giảm xuống -55 độ C.
Nhà bình luận quân sự Trung Quốc Song Zhongping cho biết các thiết bị tuần tra mới “nhẹ hơn đáng kể so với phiên bản trước”, qua đó giúp giảm bớt tải trọng vận chuyển. “Thiết bị mới cũng có khả năng ngụy trang tốt hơn, được thiết kế riêng riêng cho tác chiến ở địa hình cao nguyên".
Yếu tố quan trọng
Từ tháng 11 trở đi, nhiệt độ ở khu vực Himalaya có thể giảm xuống dưới âm 40 độ. Tuyết rơi dày và gió mạnh có thể cắt đứt các con đường tiếp tế quan trọng trong tối đa 6 tháng. Do đó, việc cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm là điều tối quan trọng đối với các binh sĩ đóng quân tại đây.
Mặc dù các chỉ huy cấp cao của quân đội Trung Quốc và Ấn Độ cam kết sẽ không gửi thêm binh sĩ tới tiền tuyến, nhưng không bên nào có dấu hiệu rút các lực lượng hiện vẫn đang đóng tại biên giới.
Giáo sư Swaran Singh thuộc trường nghiên cứu quốc tế tại Đại học Jawaharlal Nehru (Ấn Độ) đánh giá: "Hai bên có nhiều điểm bất đồng, bao gồm vị trí chính xác của Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) - vị trí vốn có trước khi quân đội hai bên xuất hiện. Mùa đông này có thể là cơ hội để 'đóng băng' tình hình và tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán giảm căng thẳng".
Mặc dù một cuộc chiến toàn diện vào mùa đông là "khó có thể xảy ra", nhưng việc đụng độ giữa hai bên "vẫn là một khả năng không thể loại trừ" - ông Singh nói.
Giáo sư Singh cho rằng trang bị mùa đông mới của quân đội Trung Quốc "có thể không mang lại lợi thế trong thực chiến" vì binh lính Ấn Độ quen với điều kiện mùa đông khắc nghiệt hơn ở vùng núi cao.
Trung Quốc luôn kín tiếng về số lượng binh lính của nước này ở vùng biên giới, nhưng truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết các sân bay mới đang được xây dựng và một số bệnh viện ở các thành phố Tây Tạng đã lên kế hoạch để chữa trị thương vong cho quân đội.
Trong tháng này, Ấn Độ đã mở một đường hầm núi khoảng 150 km gần khu vực biên giới Tây Tạng. Quân đội Ấn Độ cũng đã vận chuyển nhiều loại vật tư bao gồm quần áo mùa đông đặc biệt, lều, thực phẩm và nhiên liệu để lính biên phòng có thể sử dụng trong 6 tháng tới.
Một chuyên gia tại Đại học Quốc gia Singapore cho biết rất khó để người ngoài đánh giá những nỗ lực hậu cầu ở hai phía biên giới Trung - Ấn.