Theo "Địa chí Hải Phòng", cách đây gần 2.000 năm, nữ tướng Lê Chân (20-43) có công khai khẩn đất hoang, lập nên vùng đất Hải Phòng ngày nay. Hiện nay, tại thành phố Hải Phòng, một quận được đặt theo tên bà. Đó là quận Lê Chân.
Theo sách “Giai thoại lịch sử Việt Nam”, Lê Chân là một trong những nữ tướng xuất sắc của Hai Bà Trưng, từng giúp 2 chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị đánh đuổi quân Hán xâm lược, giành lại độc lập cho dân tộc.
Khi còn trẻ, bà nổi tiếng xinh đẹp, giỏi võ nghệ, giỏi thơ phú. Viên Thái thú Tô Định đòi lấy bà làm tỳ thiếp, nhưng cha mẹ bà nhất quyết từ chối. Bị cự tuyệt, Tô Định ra tay giết hại cha mẹ bà. Lê Chân buộc phải bỏ quê theo đường sông đi về phía Nam. Khi đến vùng An Dương, cửa sông Cấm, thấy địa hình, đất đai thuận lợi, bà dừng lại lập trại khai phá, lập nên vùng đất Hải Phòng ngày nay.
Theo sách “Giai thoại lịch sử Việt Nam”, sau khi khai phá vùng đất mới, Lê Chân phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm và đánh bắt cá, tạo nên một vùng đất trù phú. Nhớ cội nguồn, bà đặt tên vùng này là trang An Biên. Cùng phát triển sản xuất nông nghiệp, bà còn chiêu mộ trai tráng để luyện binh, được sự ủng hộ của nhân dân quanh vùng. Binh sĩ của Lê Chân được huấn luyện chu đáo và rất giỏi về thủy trận.
Khi Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa, Lê Chân cùng nghĩa quân ở căn cứ An Biên đã gia nhập và lập nhiều chiến công vang dội. Khởi nghĩa thắng lợi, Lê Chân được Trưng nữ Vương phong là Thánh Chân công chúa, giữ chức chưởng quản binh quyền nội bộ, chuyên lo việc tổ chức luyện tập quân sĩ và tăng gia sản xuất.
Theo sách "Đại Việt sử ký toàn thư", năm 43, Mã Viện đưa quân sang đàn áp. Khi cuộc khởi nghĩa thất bại, Hai Bà Trưng tử trận, Lê Chân đem quân về lập căn cứ địa ở Lạt Sơn (Hà Nam ngày nay), tìm cơ hội khôi phục cơ đồ. Cuối cùng, kế hoạch của bà không thành công. Mã Viện đem quân tấn công, nghĩa quân của bà dù chống trả quyết liệt, không bảo toàn được lực lượng. Nữ tướng Lê Chân đã trầm mình xuống sông tự tử để bảo toàn danh tiết.
Theo Cổng thông tin điện tử Hải Phòng, tưởng nhớ công lao của bà, nhân dân đã lập đền thờ nhiều nơi. Các triều đại phong kiến cũng có chiếu phong bà là Thượng đẳng phúc thần công chúa. Ngày nay, ngoài một quận đặt theo tên bà, thành phố Hải Phòng còn đặt tên bà cho giải thưởng "Nữ tướng Lê Chân", trao cho những phụ nữ có thành tích xuất sắc của đất Cảng.
Theo Nguyễn Thanh Điệp/ Zing