Quán gió

Một người đàn ông dừng xe máy trước quán lẻ loi ven đường trong dãy phi lao dưới chân đê, lặng lẽ bước vào. Đó là ông già cao mảnh khảnh rất khó đoán chính xác tuổi vì tóc đã bạc nhưng khuôn mặt đầy đặn hồng hào, đi lại nhanh nhẹn.

“Chào ông khách đặc biệt”. Ông chủ quán tươi cười bước

ra cửa.

“Ấy chết, đâu dám”.

“Đặc biệt quá chứ. Ai ngờ cái tên Quán Gió ông đặt lại khối người tìm đến”.

Ông khách lẳng lặng đến chỗ cũ - chỗ mà ông đã bao lần ngồi - nơi có chiếc ghế dài và bàn đều là gỗ lim cũ kỹ kê ngay dưới cửa sổ, phía bên ngoài là cây phi lao già cỗi. Ông chủ quán đã quen lệ mang ra cốc cà phê phin cùng bao thuốc lá.

 Minh họa: Hiền Nhân.

Minh họa: Hiền Nhân.

Rất lạ, người khách này chỉ vào quán buổi sáng ngày rằm tháng tư. Sở dĩ chủ quán nhớ rõ vì ông ta có những điều đặc biệt. Ông khách ngồi trầm lặng nhìn ra khoảng không qua khung cửa sổ. Không hiểu ông trông lên bờ đê lác đác người, xe qua lại hay khoảng trời nào đó. Gió từ phía khe núi qua cánh đồng lúc ào ạt thổi, lúc rì rào bâng quơ lại có khi chỉ thì thào phập phồng qua kẽ lá.

Ông bần thần nhìn ra đường. Đã 5 năm rồi. Cái ngày ấy…

Độ đang đi qua cầu. Một phụ nữ luống tuổi mặc chiếc áo trắng lấm tấm hoa tím từ đâu bỗng đi vụt lên, ngang qua Độ.

"Hòa !". Độ thảng thốt.

Người phụ nữ quay đầu lại:

“Giời đất ơi, anh Độ”.

Vẫn câu nói thuở trước. Cứ có chuyện bất ngờ, lạ lùng nào là Hòa kêu lên câu ấy. Có điều má em hồng có lúm đồng tiền, miệng em tươi rói, giọng trong vắt cùng với đôi mắt long lanh đã làm cho những tiếng "giời đất ơi" vốn câu than vãn của người già đã trở nên thánh thót du dương.

“Giời đất ơi, bao năm rồi”. Hòa run run

Phải, đã hơn 50 năm rồi…

Hồi ấy, cô gái tuổi hai mươi cứ nhí nha nhí nhảnh trong đoàn giáo sinh cao đẳng Sư phạm về thực tập tại trường đã khuấy động bao anh giáo. Cô xinh đẹp, duyên dáng, mặt lúc nào cũng tươi như hoa, chăm chỉ với công việc nên ai cũng yêu mến. Học trò luôn ríu rít bên cô.

Độ như trẻ lại, tạo mọi cớ để gặp gỡ trò chuyện với Hòa, mặc dù vẫn giữ vẻ nghiêm nghị. Anh là người luôn biết nén cảm xúc mình. Dường như có hai trái tim ẩn trên nét mặt lạnh lùng. Hòa nói với anh cũng không sai: “Trông mặt anh không khác gì ông công tố đọc cáo trạng”. Có lần mẹ Độ bảo: “Đúng là bố nào con ấy. Bố mày không có bạn bè xúm vào vun vén thì đến giờ cũng ế vợ”. Những lúc ngồi bên Hòa, anh chỉ nói chuyện đẩu đâu, rặt những việc trong trường, chẳng dám cầm tay, thậm chí nhìn vào mắt cô còn ngượng ngập. Nhút nhát đến thế là cùng.

Hết kỳ thực tập, Hòa đột ngột trở lại trường đúng dịp vào năm học mới, Độ ngạc nhiên, sung sướng khi biết cô xin bằng được về đây - một xã trung du hẻo lánh - chứ không phải ở quê nhà - một huyện đồng bằng và nhà ở gần thị trấn. “Sao Hòa không ở quê?”, Độ hỏi. “Em không biết. Đố anh đấy”.

“Ông thử uống chè này xem sao. Thằng cháu tôi ở Cao Bằng vừa gửi cho”. Ông Độ quay lại. Ông chủ quán đi ra mang tới gói chè cùng bộ xuyến chén. “Vài năm nay trông ông có vẻ già và buồn hơn trước. Hẳn ông có chuyện gì đấy”. Ông chủ quán khẽ khàng. Ông lấy làm lạ với người khách đặc biệt này. Một người trầm lặng, hút thuốc lá liên tục, không bắt chuyện với ai.

Ông Độ thẫn thờ nhìn người qua lại trước cửa quán. Buồn. Hòa đã mất đúng vào ngày sinh nhật, rằm tháng tư. Một tai nạn giao thông khủng khiếp. Chiếc ô tô mất phanh lao chếch sang đường đè nát mấy người đi xe máy, xe đạp. Hòa đang trở về nhà. Anh chỉ biết tin muộn qua người quen ở quê Hòa. Vợ chồng Hòa đã cùng con cái vào Tây Ninh từ mấy năm nay. Chồng Hòa là thương binh từng chiến đấu ở đó. Hẳn ông chủ quán chẳng hiểu vì sao cứ vào rằm tháng tư ông khách lạ này lại đến đây và ngồi đúng vị trí đã định. Ông Độ khẽ thở dài. Buồn. Một nỗi buồn man mác trong lòng ông. Ông có gia đình hạnh phúc. Nhà cửa đàng hoàng. Vợ xốc vác, đảm đang. Con cái có công việc ổn định. Vậy mà…

“Em và Phượng sẽ đến nhà anh. Hôm nào anh nhỉ”? Hòa âu yếm hỏi. Khổ, lại nói chuyện nhà cửa. Đó là điều mà anh e ngại. Gia đình anh ở tỉnh lỵ. Chiến tranh xảy ra ngày càng ác liệt. Bố mẹ anh phải đi sơ tán nhiều nơi ở những làng quê xa xôi. Dân ở đâu cũng tốt bụng nhưng nghèo, đa phần ở nhà rạ, tường cay, chỉ có ít gia đình có nhà ngói sân gạch. Người ta cho ở nhờ cũng là cố lắm rồi.

Có nơi nhà chủ cho gia đình anh ở nhà ngang chật chội cùng với chỗ chứa nông cụ, cối xay thóc, giã gạo. Có nơi ở gian trái đã dột nhiều chỗ. Hiện bố mẹ anh ngụ tại một căn nhà tạm, tường là cót quây lại, chỉ đủ chỗ kê cái giường, bộ bàn ghế và chiếc xe đạp. Hòa về chơi nhìn thấy cảnh này chắc cũng ngao ngán. Cũng vì vậy mà anh cứ lần chần ừ hữ cho qua chuyện.

Lần nào anh về thăm là mẹ anh rầu rĩ: “Tao cứ nay đây mai đó chạy hết chỗ này đến chỗ khác vì theo cơ quan bố mày. Không biết còn khổ đến bao giờ mới thôi”. Độ là con trai duy nhất, chị anh sống cùng chồng con ở nơi xa. “Bom đạn thế này chẳng biết bao giờ mới hết, không thể ở nhờ mãi. Chả lẽ lúc bố hoặc mẹ chết phải khiêng ra ngoài đường chứ ai người ta cho để nhờ. Tao tính rồi, đã đi hỏi dân làng, nếu mày lấy vợ ở đây xã sẽ cấp đất cho. Có đất thì mới dựng tạm mấy gian nhà, to nhỏ, đẹp xấu thế nào cũng là của mình”. Mẹ anh bảo vậy.

Một hôm mẹ anh hồ hởi: “Bà Kha trong xóm dẫn tao đến nhà ông Tài xem mặt cái Tú con gái cả ông ấy. Con bé xinh đáo để, lễ phép lắm, cả xóm đều khen. Nghe chừng ông Tài có vẻ ưng mày lắm. Chỉ cần mày gật đầu là xong. Mọi chuyện tao lo hết”. Độ chẳng lạ gì Tú vì thi thoảng gặp nhau ở đường làng. Cô trông cũng xinh xắn, hiền lành, dĩ nhiên không thể bằng Hòa. Độ rất thương mẹ. Mẹ anh nóng nảy, quyết đoán, vất vả từ bé, gánh hết việc to việc nhỏ gia đình.

Ông chủ quán trở lại:

- Ông thấy chè thế nào?

- Rất ngon ông ạ. Cảm ơn ông.

- Này tôi hỏi không phải, cái bà ngồi bên ông năm nào là ai vậy? Bà ấy hồi trẻ chắc là hoa hậu?.

Ông Độ mủm mỉm cười. Có vài người khách ồn ã vào. Ông chủ quán vội ra cửa. Sau ngày bất ngờ gặp lại nhau tại cầu, vào đúng ngày sinh nhật Hòa rằm tháng tư, ông Độ tới quán này, nơi Hòa thường hay đi qua. Ông đến một lúc thì Hòa tới. Cô gái xinh đẹp, duyên dáng, nhí nhảnh năm nào giờ đã là người phụ nữ tóc bạc trầm lặng.

- Anh xưng tội trước đi - Hòa khẽ nói.

- Anh lắm tội, nặng nhất là không có bản lĩnh

- Đúng ra là không có tình yêu mãnh liệt. Em nghe người ta nói không một bạo lực, thế lực nào có thể ngăn cản được tình yêu. Có đúng thế không anh?

Hòa đã nói đúng. Bị mẹ nhắc nhiều lần, nghĩ về những gập ghềnh trước mắt, về sợi dây tình cảm mong manh với Hòa. Độ rất mông lung. Cuối cùng, Độ đã ưng lấy Tú. Đám cưới được tổ chức nhanh gọn trong thời chiến trước sự bất ngờ của giáo viên trong trường, nhất là Hòa. Hơn một tháng sau, dù vẫn trong năm học, Hòa lẳng lặng xin về quê, dạy ngay thị trấn. Từ ấy, họ không còn giữ tin tức về nhau.

- Anh còn nhớ chuyện xưa không, ở văn phòng ấy?

Ông Độ làm sao quên được kỷ niệm ngọt ngào đó.

Một ngày chủ nhật, anh từ chỗ bạn thân trở về trường. Không ngờ Hòa cũng không về quê vì chuẩn bị giáo án để sáng hôm sau nhiều giáo viên trong tổ đến dự chấm điểm thi đua. Hòa ngồi ngay cạnh chỗ anh.

- Hòa uống nước vối hay

chè tươi?

- Em không khát.

- Mai Hòa còn vướng mắc gì về bài giảng không?

- Chánh án hỏi, bị cáo xin trả lời là không. Anh chán lắm – Hòa mủm mỉm cười.

- Anh vụng…

- Anh ghét em đúng không?

- Kh…ô…ng… Hòa đáng yêu lắm.

- Chỉ có đáng yêu thôi ư?

Có tiếng cười nói lao xao ở ngoài sân trường. Hình như vài ba người dân qua đây. Hòa bỗng hôn vào má anh rồi chạy ra ngoài. Suốt đêm hôm đó Độ lâng lâng với cảm xúc kỳ diệu. Đó là nụ hôn duy nhất của Hòa tặng anh mà anh chưa khi nào đáp lại.

Thấy ông Độ lặng im, Hòa

thì thầm:

- Anh là người mà em vừa giận vừa thương.

Họ cứ ngồi lặng lẽ bên nhau như thế cho đến khi quán vắng người, gió thổi mang đến hơi lạnh của buổi hoàng hôn… Đó cũng là lần gặp gỡ cuối cùng của họ.

Có tiếng động mạnh trong quán. Hình như ai đó đã xô đổ chiếc ghế. Ông Độ giật mình bừng tỉnh hồi ức miên man.

- Trông mặt ông thừ ra, tôi tưởng ông làm sao - Ông chủ quán oang oang - Chắc ông lại nghĩ tới người phụ nữ năm xưa hả ?

Ông Độ lặng lẽ cười.

Quán bỗng ào ào gió. Gió từ phía bờ đê thốc vào. Gió từ khe núi tràn tới. Những cây phi lao rào rào như thác nước. Ông Độ bỗng thấy Hòa đang bồng bềnh trước mặt mình, lơ lửng trong không trung. Hòa vẫn là cô gái duyên dáng năm nào. Không gian bỗng nhòe đi. Ông cứ đăm đăm nhìn mãi như thế cho tới khi ông chủ quán lẳng lặng đến bên.

Truyện ngắn của Đỗ Nhật Minh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/van-hoa/tac-gia-tac-pham/414325/quan-gio.html