'Quản' hành nghề y dược ngoài công lập ở Nghệ An vì sao vẫn còn không ít cơ sở hoạt động không phép?
Những năm qua, công tác quản lý hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được triển khai quyết liệt. Tuy nhiên, có không ít cơ sở hành nghề không phép vẫn đang tồn tại, chưa được dẹp bỏ một cách triệt để. Nguyên nhân do công tác quản lý nhà nước của một số địa phương thực hiện chưa tốt.
Giảm cơ sở hành nghề không phép
Thông tin từ Sở Y tế Nghệ An, trong thời gia qua, công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh, qua đó đã phát hiện rất nhiều cơ sở vi phạm. Các hành vi vi phạm phổ biến gồm: Niêm yết không đầy đủ phạm vi hành nghề và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; không bảo đảm điều kiện hoạt động; cung cấp dịch vụ mà không có giấy phép hoạt động hoặc vượt quá phạm vi chuyên môn; người hành nghề chưa được cấp chứng chỉ hành nghề hoặc vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn; quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định.v.v...
Trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, Bác sĩ Trần Nguyên Truyền – Chánh Thanh tra Sở Y tế Nghệ An cho biết: Ngày 29/01/2018, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Thực hiện Chỉ thị, từ năm 2018 đến tháng 8/2023, Sở Y tế thành lập 81 đoàn thanh tra, kiểm tra và 02 tổ giám sát việc triển khai thực hiện Chỉ thị 03. Qua đó, đã tổ chức thanh tra, kiểm tra tại 709 cơ sở hành nghề y, dược (688 cơ sở đã được cấp giấy phép hoạt động và 21 cơ sở chưa được cấp giấy phép hoạt động); Trong đó, đã xử lý vi phạm hành chính đối với 163 cơ sở có hành vi vi phạm; số tiền xử phạt vi phạm hành chính là hơn 2 tỷ đồng.
Ngoài ra, Sở Y tế cũng đã quyết định thu hồi 01 giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh phòng khám đa khoa; tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề Dược, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc có thời hạn đối với 07 cơ sở bán lẻ thuốc; đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với 06 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh có thời hạn đối với 01 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh có thời hạn đối với 03 cá nhân; đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với 02 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ; buộc tháo gỡ quảng cáo nội dung khám bệnh, chữa bệnh trên trang facebook đối với 02 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh...
Thông qua các đợt kiểm tra, giám sát, Sở Y tế đã phát hiện 197 lượt cơ sở hành nghề không phép và đã thông báo cho UBND các huyện xử lý theo quy định phân cấp.
Song hành cùng Sở Y tế, các cấp, ngành liên quan như: Công An tỉnh, Cục Quản lý Thị trường, UBND các huyện, thành phố và thị xã cũng đã đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Cùng với thanh tra, kiểm tra, các hoạt động tập huấn, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật; cấp phép hành nghề y, dược; thông tin truyền thông đã được đẩy mạnh. Nhờ đó, Chị thỉ 03//CT-UBND đã dần đi vào cuộc sống, góp phần làm lành mạnh hóa hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn.
Dược sĩ Lê Hồng Lĩnh – Trưởng phòng Quản lý Hành nghề Y Dược tư nhân, Sở Y tế Nghệ An cho biết: Tính đến ngày 30/8/2023 trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 3.597 cơ sở được cấp phép hoạt động (tăng 952 cơ sở so với năm 2018). Trong đó, hành nghề Y có 703 cơ sở (15 bệnh viện, 34 phòng khám đa khoa và 654 phòng khám chuyên khoa, dịch vụ y tế); hành nghề Dược có 2.894 cơ sở (94 công ty và chi nhánh; 648 nhà thuốc và 2.152 quầy thuốc)…
Tổng số cơ sở hành nghề không phép được các huyện, thành, thị rà soát, báo cáo trước khi ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND là 685 cơ sở; sau thực hiện Chỉ thị 03 đến ngày 30/8/2023 còn 29 cơ sở hành nghề không phép đang hoạt động (chủ yếu là cơ sở răng hàm mặt và y học cổ truyền).
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý dứt điểm cơ sở không phép
Cũng theo Sở Y tế Nghệ An, hiện nay các cơ sở hành nghề không phép vẫn đang tồn tại, chưa được dẹp bỏ một cách triệt để; còn có những cơ sở hành nghề không phép khác vẫn hoạt động lén lút, chưa được các địa phương phát hiện, thống kê và báo cáo. Nhiều cơ sở hành nghề y, dược không phép đã bị các Đoàn thanh tra, kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính, đình chỉ hành nghề nhưng sau đó tái hoạt động trở lại.
Nguyên nhân của thực trạng này là do: Công tác quản lý nhà nước của một số địa phương chưa thực hiện tốt. Công tác rà soát, báo cáo về cơ sở không phép còn chưa được quan tâm đúng mức. Công tác kiểm tra chưa nhiều, xử lý chưa nghiêm, quyết liệt và chưa đủ sức răn đe. Công tác truyền thông, tuyên truyền chưa nhiều, chưa mạnh để người dân có ý thức lựa chọn dịch vụ...
Số lượng cơ sở hành nghề khám chữa bệnh nhiều, rải khắp trên địa bàn tỉnh song nhiều, nhân lực làm công tác quản lý nhà nước về hoạt động hành nghề y dược hạn chế. Các cơ sở hành nghề không phép liên kết với nhau, thông báo cho nhau mỗi khi có đoàn thanh tra, kiểm tra để chủ động đối phó tạm đóng cửa.
Chia sẻ về những khó khăn trong công tác quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập Ông Phạm Xuân Sánh - Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu (Nghệ An) cho hay: Huyện Diễn Châu hiện có có 38 cơ sở hành nghề y tư nhân ( 01 bệnh viện Đa khoa, 5 phòng khám đa khoa, 05 phòng tiêm chủng, 27 phòng khám chuyên khoa). Trong thời gian qua, UBND huyện Diễn Châu đã triển khai nhiều giải pháp để tăng cường quản lý các cơ sở y tế tư nhân. Tuy nhiên, công tác tổ chức kiểm tra các cơ sở còn ít so với số cơ sở hoạt động trên địa bàn. Vậy nên, huyện còn để xảy ra tình trạng cơ sở hoạt động chưa có giấy phép hoạt động (có 8 cơ sở chưa có giấy phép).
Việc quản lý các cơ sở y, dược ngoài công lập của Diễn Châu còn gặp nhiều khó khăn, do quy định của pháp luật chưa hoàn thiện, nhất là quy định liên quan đến tiêu chuẩn để cấp phép hoạt động đối với phòng khám y học cổ truyền. Lực lượng quản lý mỏng, không thể thường xuyên thanh tra, kiểm tra. Khi kiểm tra, các cơ sở không hoạt động nên không xử lý được.
Ngoài ra, việc xử phạt các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập cũng khó khăn, nhất là đối với các phòng khám nhỏ mức xử phạt cao và không có khả năng nộp phạt. Nhiều phòng khám hoạt động rồi mới làm thủ tục cấp giấy nhưng việc cấp giấy phép lại bị vướng mắc trong ký hợp đồng xử lý rác thải...vì vậy tình trạng hành nghề không phép vẫn diễn ra.
Thực tiễn cũng cho thấy các cơ cơ sở hành nghề y, dược không phép đang tồn tại rải rác, với quy mô nhỏ lẻ tại gia đình, không có bảng biển. Để phát hiện và xử lý những cơ sở không phép này đòi hỏi sự vào cuộc của UBND xã, phường, thị trấn.
Dược sĩ Trần Minh Tuệ - Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An nêu rõ: Các cấp ủy, chính quyền cơ sở cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò vị trí và tầm quan trọng của hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc lựa chọn các dịch vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe; tăng cường công tác rà soát, kiểm tra và xử lý dứt điểm tất cả các cơ sở hành nghề y dược không phép trên địa bàn các huyện, thành, thị; không để tình trạng hoạt động hành nghề y dược không có giấy phép trên địa bàn quản lý. gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các đơn vị trong công tác quản lý động hành nghề y dược trên địa bàn.
Đặc biệt, cần khuyến khích người dân cùng tham gia giám sát, phát hiện các sai phạm của các cơ sở y, dược ngoài công lập, để có thông tin xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của người dân.
Về phía cấp huyện cần bố trí nhân lực phòng Y tế hoặc cán bộ theo dõi y tế một cách hợp lý; tăng cường hơn nữa công tác quản lý, thanh tra kiểm tra hoạt động hành nghề y dược hàng năm theo quy định....
Ngành Y tế sẽ tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban thành Chỉ thị mới thay thế Chỉ thị 03 để đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong giai đoạn mới, phù hợp với Luật khám bệnh, chữa bệnh ngày 09/01/2023 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2024 và các Nghị định liên quan.