Quản lý bệnh lùn sọc đen ngay từ đầu vụ

Vụ hè thu 2021, toàn tỉnh dự kiến gieo cấy khoảng 22.300 ha lúa. Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang tập trung nhân lực, phương tiện tiến hành tổ chức sản xuất vụ hè thu. Theo kết quả điều tra phân tích của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh cho thấy đã phát hiện 3 mẫu rầy lưng trắng dương tính với vi rút lùn sọc đen (LSĐ), ở xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng: 2 mẫu; xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh: 1 mẫu. Mặt khác, dự báo vụ hè thu 2021 trên địa bàn tỉnh nắng nóng có thể xảy ra gay gắt, tập trung từ tháng 5 đến tháng 8 với tần suất từ 2 - 3 đợt/tháng. Đây là điều kiện thuận lợi cho rầy lưng trắng và bệnh LSĐ phát sinh, phát triển, lây lan trên diện rộng, có khả năng gây hại nghiêm trọng lúa vụ hè thu và các vụ tiếp theo nếu không được phát hiện và phòng trừ kịp thời, triệt để.

 Thường xuyên kiểm tra để phát hiện sớm và phòng bệnh lùn sọc đen gây hại cây lúa - Ảnh: P.V.T

Thường xuyên kiểm tra để phát hiện sớm và phòng bệnh lùn sọc đen gây hại cây lúa - Ảnh: P.V.T

So với các loại bệnh gây hại trên lúa thì LSĐ được xem là bệnh nguy hiểm bởi bệnh do vi rút gây ra, đến nay chưa có thuốc đặc hiệu để phòng trừ. Tại địa bàn tỉnh, bệnh đã từng phát sinh và gây hại nặng vào vụ hè thu 2017 với diện tích 1.775 ha, trong đó diện tích bị nhiễm nặng 1.280 ha.

Bệnh LSĐ hại lúa do vi rút LSĐ phương Nam gây nên và rầy lưng trắng là môi giới lây truyền vi rút này. Cây lúa bị bệnh có triệu chứng chung là thấp lùn, lá xanh đậm hơn bình thường, mép lá rách hình chữ V. Lá lúa bị bệnh có thể xoăn ở đầu lá hoặc toàn bộ lá. Gân lá ở mặt sau bị sưng lên. Khi cây còn non gân chính trên bẹ lá cũng bị sưng phồng. Từ giai đoạn làm đòng và khi lúa có lóng, cây bị bệnh thường nảy chồi trên đốt thân và mọc nhiều rễ bất định. Trên bẹ và lóng thân xuất hiện nhiều u sáp và sọc đen. Ở giai đoạn trổ bông, triệu chứng bệnh có thể xuất hiện ở tất cả các dảnh trên cùng một khóm, hoặc chỉ ở một số dảnh, các dảnh khác vẫn phát triển bình thường. Cây lúa bị bệnh LSĐ thường không trổ bông được hoặc trổ bông không thoát và hạt thường bị đen ảnh hưởng lớn đến năng suất, nếu bị nặng toàn bộ ruộng bị hư, gây mất hoàn toàn năng suất. Rầy lưng trắng là môi giới chính truyền bệnh LSĐ hại lúa. Cả rầy non và rầy trưởng thành đều truyền bệnh. Bệnh cũng có thể lưu tồn trên lúa chét của cây lúa bị bệnh trước đó.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Trưởng Phòng BVTV, Chi cục TT&BVTV tỉnh cho biết: Để chủ động phòng chống bệnh kịp thời, có hiệu quả, đảm bảo an toàn trong vụ hè thu 2021, người dân cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh ngay từ đầu vụ. Đối với chọn giống, người dân cần sử dụng giống tốt, giống có phẩm cấp (ít nhất là giống xác nhận, không lấy lúa thịt làm giống). Tuyệt đối không sử dụng giống dài ngày, thoái hóa, nhiễm sâu bệnh. Nên chọn các giống ít nhiễm rầy để gieo trồng. Xử lý hạt giống: Đây là biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay để có thể tiêu diệt được rầy ngay từ đầu vụ mà không phải bơm thuốc trên đồng ruộng trong thời gian từ khi gieo đến 10 - 15 ngày sau gieo. Xử lý hạt giống bằng các loại thuốc như Cruiser plus 312,5 FS hoặc Map Silo 40. Tiến hành vệ sinh đồng ruộng càng sớm càng tốt. Sau khi thu hoạch lúa đông xuân phải cày vùi gốc rạ ngay, dọn sạch cỏ dại ở bờ ruộng, mương nước, làm đất kỹ kết hợp bón vôi nhằm tiêu diệt nguồn bệnh LSĐ. Đối với các chân ruộng đã bị nhiễm bệnh, sau khi thu hoạch lúa ở ruộng bị bệnh tiến hành bón vôi và cày vùi ngay gốc rạ của ruộng đó. Thời vụ, kỹ thuật gieo và bón phân: Thực hiện các giải pháp của chương trình 3 giảm 3 tăng. Gieo đúng lịch thời vụ của Sở Nông nghiệp và PTNT, không nên kéo dài thời gian gieo sạ, hạn chế nhiều trà lúa trên một khu đồng. Đảm bảo các kỹ thuật trong canh tác như sạ hàng, gieo thưa, bón phân cân đối, không bón quá thừa phân đạm. Nước tưới đảm bảo theo giai đoạn sinh trưởng. Quản lý cỏ dại, phun bổ sung phân qua lá chuyên dùng vào các giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng… để nâng cao sức đề kháng của cây. Phòng ngừa rầy môi giới bằng cách thăm đồng thường xuyên để phát hiện rầy lưng trắng và bệnh LSĐ sớm (chú ý sau gieo 7 - 30 ngày đầu là thời kỳ mẫn cảm của cây lúa với bệnh LSĐ). Ngay từ khi gieo nếu phát hiện rầy lưng trắng mang nguồn vi rút LSĐ cần phun thuốc diệt trừ rầy ngay để diệt nguồn rầy mang vi rút và hạn chế lây lan truyền bệnh. Duy trì mực nước hợp lý trên ruộng để hạn chế sự gây hại của rầy.

Đối với các biện pháp trừ bệnh: Nhổ, vùi ngay những cây lúa nghi ngờ bị bệnh để tránh lây lan ra diện rộng, cấy hoặc dặm lại cây lúa khỏe khi còn thời vụ. Kiểm tra thấy có rầy phải tiến hành phun thuốc ngay ở ruộng đó và các ruộng xung quanh, đồng thời phải phun cả trên bờ ruộng, mương dẫn nước... Cần sử dụng thuốc BVTV đúng chủng loại theo thời kỳ sinh trưởng của cây lúa. Giai đoạn từ mạ đến làm đòng hoặc ruộng lúa còn xanh: Phun thuốc trừ rầy bằng loại thuốc nội hấp trên ruộng bị bệnh và những ruộng xung quanh. Trường hợp cây lúa ngã vàng, khả năng hấp thu thuốc kém cần phun loại thuốc BVTV có tác động tiếp xúc mạnh để diệt rầy. Giai đoạn lúa phân hóa đòng trở đi, khi phát hiện rầy lưng trắng cần tiến hành phun thuốc bằng các loại thuốc chống lột xác nếu rầy non tuổi 1, tuổi 2, hỗn hợp với thuốc trừ rầy nội hấp, tiếp xúc, hoặc kết hợp cả 2 loại. Khi phun chú ý phải sử dụng đủ lượng nước thuốc từ 30 - 40 lít/sào và phải phun vào gốc lúa (thực hiện theo nguyên tắc 4 đúng). Tiêu hủy cả ruộng lúa bị bệnh: Trước khi tiêu hủy phun thuốc trừ rầy bằng loại thuốc tiếp xúc. Tiêu hủy bằng cách cày vùi phải thực hiện ngay dù không gieo, cấy lại hoặc trồng cây khác. Chú ý phải triệt để loại bỏ lúa chét trên đồng ruộng, không để nguồn bệnh tồn dư cho vụ sau.

Phan Việt Toàn

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=158504&title=quan-ly-benh-lun-soc-den-ngay-tu-dau-vu