Quản lý chặt chẽ nguồn vốn đầu tư tại các dự án.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/03/2015 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Theo đó, Nghị định này sẽ quy định tổng mức đầu tư xây dựng; dự toán xây dựng; dự toán gói thầu xây dựng; định mức, giá xây dựng; chỉ số giá xây dựng; chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng...

Nghị định về quản lý chi phí ra đời sẽ góp phần trong việc quản lý chặt chẽ nguồn vốn của nhà nước tại các dự án.

Nghị định số 32/2015/NĐ-CP quy định rõ, chi phí đầu tư xây dựng phải được tính đúng, tính đủ cho từng dự án, công trình, gói thầu xây dựng, phù hợp với yêu cầu thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật, điều kiện xây dựng, mặt bằng giá thị trường tại thời điểm xác định chi phí và khu vực xây dựng công trình. Việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng được thực hiện theo nguyên tắc phải bảo đảm mục tiêu đầu tư, hiệu quả dự án đã được phê duyệt, phù hợp với trình tự đầu tư xây dựng theo quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật Xây dựng và nguồn vốn sử dụng.

Chủ đầu tư chịu trách nhiệm quản lý chi phí đầu tư xây dựng từ giai đoạn chuẩn bị dự án đến khi kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác sử dụng. Trong phạm vi tổng mức đầu tư của dự án được phê duyệt, gồm cả trường hợp tổng mức đầu tư được điều chỉnh theo quy định tại Điều 7 Nghị định này. Chủ đầu tư được thuê tổ chức, cá nhân tư vấn quản lý chi phí đủ điều kiện năng lực theo quy định tại Nghị định về quản lý dự án đầu tư xây dựng để lập, thẩm tra, kiểm soát và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Cũng tại Điều 20 của Nghị định đã quy định về giá xây dựng công trình. Theo đó, giá xây dựng công trình gồm: Đơn giá xây dựng chi tiết của công trình được xác định cho các công tác xây dựng cụ thể của công trình, làm cơ sở để xác định dự toán xây dựng. Giá xây dựng tổng hợp được xác định cho nhóm, loại công tác xây dựng, đơn vị kết cấu hoặc bộ phận công trình, công trình làm cơ sở để xác định dự toán xây dựng, tổng mức đầu tư xây dựng.

Đơn giá xây dựng chi tiết của công trình được xác định từ định mức xây dựng của công trình, giá vật tư, vật liệu, cấu kiện xây dựng, giá nhân công, giá ca máy và thiết bị thi công. Đối với những yếu tố chi phí cần thiết khác, phải phù hợp với mặt bằng giá thị trường khu vực xây dựng công trình tại thời điểm xác định và các quy định khác có liên quan hoặc được xác định trên cơ sở giá thị trường. Giá xây dựng tổng hợp được xác định trên cơ sở tổng hợp từ các đơn giá xây dựng chi tiết của công trình.

Ông Nguyễn Tiến Tài, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh cho rằng: Sau khi Luật Xây dựng có hiệu lực, vai trò, trách nhiệm của những cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực xây dựng được quy định rất cụ thể. Do vậy, việc ban hành Nghị định số 32/2015/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng sẽ tạo thuận lợi trong quản lý đối với các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là vấn đề kiểm soát vốn nhà nước trong các dự án công trình.

Ông Tài cũng cho rằng: Theo quy định mới thì đối với những dự án nhóm C có quy mô đơn giản lại yêu cầu việc quản lý chi phí theo dạng hợp đồng trọn gói. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương do nguồn nhân lực còn mỏng nên rất khó khăn trong việc xác định chi phí dự toán xây dựng trọn gói, bởi những dạng dự án này có nhiều và trải dài tại nhiều vùng.

Nghị định cũng quy định đối với việc quản lý giá xây dựng công trình, chủ đầu tư căn cứ phương pháp xác định giá xây dựng công trình theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng về yêu cầu kỹ thuật, điều kiện và biện pháp thi công cụ thể của công trình; tổ chức xác định đơn giá xây dựng chi tiết của công trình, giá xây dựng tổng hợp của công trình làm cơ sở xác định dự toán xây dựng, tổng mức đầu tư và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Việc quản lý chi phí quản lý dự án được quy định đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước, chi phí quản lý dự án xác định theo khoản 3 Điều 23 Nghị định này là chi phí tối đa để quản lý dự án. Chi phí quản lý dự án được quản lý trên cơ sở dự toán được xác định hàng năm phù hợp với nhiệm vụ, công việc quản lý dự án thực hiện và các chế độ chính sách có liên quan.

Trong trường hợp thực hiện trước một số công việc ở giai đoạn chuẩn bị dự án thì chi phí quản lý các công việc này xác định bằng dự toán và được bổ sung vào chi phí quản lý dự án. Chi phí quản lý dự án được điều chỉnh trong các trường hợp được phép điều chỉnh dự án theo quy định tại khoản 1 Điều 61 Luật Xây dựng.

Nghị định số 32/2015/NĐ-CP về quản quản lý chi phí đầu tư xây dựng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/5/2015 và thay thế Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009 của Chính phủ về Quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.

Vũ Chiến

Theo

Link gốc:

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/quan-ly-chat-che-nguon-von-dau-tu-tai-cac-du-an.html