Quản lý chặt chẽ vật tư nông nghiệp
ĐBP - Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật, hiện trên địa bàn tỉnh có 373 cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật và phân bón được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, buôn bán theo quy định.
Hiện nay, vụ mùa năm 2022 đang bắt đầu, cũng là lúc thị trường phân bón, thuốc bảo vệ thực vật diễn ra sôi động. Đi kèm với sự nhộn nhịp của thị trường là những nỗi lo về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng. Bên cạnh các cơ sở, cửa hàng kinh doanh có địa chỉ, thực hiện tốt các quy định của Nhà nước, vẫn còn không ít trường hợp không tuân thủ các quy trình, thủ tục đăng ký kinh doanh, không nắm bắt được các loại hàng hóa trong danh mục quy định, cố tình bán hàng kém chất lượng, hàng hết hạn sử dụng...
Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn xã Thanh Xương (huyện Điện Biên).
Nhằm kịp thời tuyên truyền, nhắc nhở, chấn chỉnh các sai phạm, xử lý triệt để các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thời gian qua, Chi cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức triển khai nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra thuộc lĩnh vực quản lý của ngành. Riêng từ đầu năm 2022 đến nay, qua kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, phân bón trên địa bàn huyện Điện Biên, TP. Điện Biên Phủ và TX. Mường Lay đối với 29 cá nhân buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, phân bón thì đã phát hiện 6/29 cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, phân bón.
Các lỗi vi phạm chủ yếu là không duy trì đầy đủ các điều kiện về buôn bán thuốc bảo vệ thực vật theo quy định tại Điều 63 Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật trong quá trình hoạt động kinh doanh, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng; buôn bán phân bón không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng (chỉ tiêu độ ẩm không đạt yêu cầu chất lượng). Qua đó, cơ quan chức năng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 6 cá nhân vi phạm; đồng thời, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc thu hồi, trả lại nhà phân phối để tái chế đối với thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng, buộc thu hồi và tái chế phân bón không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng.
Bên cạnh đó, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh tăng cường giám sát việc duy trì điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đối với 46 cơ sở buôn bán trên địa bàn huyện Mường Ảng, Tuần Giáo, Điện Biên Đông, Mường Nhé. Qua đó đã kịp thời nhắc nhở và yêu cầu các cơ sở khắc phục, duy trì điều kiện buôn bán. Đồng thời, tăng cường việc kiểm tra, đánh giá đối với các hồ sơ xin cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, phân bón. Qua kiểm ra, Chi cục đã không cấp lại giấy chứng nhận cho 2 cơ sở với lý do chưa đáp ứng điều kiện kinh doanh, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, phân bón.
Theo ông Nguyễn Trọng Kính, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, qua công tác thanh tra, kiểm tra đã giúp các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhận thức đầy đủ về những nội quy để chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong hoạt động buôn bán, lưu thông, bảo quản phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Từ đó, tạo bước chuyển tích cực trong sản xuất, kinh doanh, bảo đảm quyền lợi của nông dân khi sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn. Tuy nhiên, việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn do số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng này nhiều và phân bố rộng khắp trên địa bàn tỉnh, trong khi lực lượng thanh tra còn mỏng. Một số ít các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp vẫn chưa tự giác, nghiêm túc chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật. Trong khi đó, lãnh đạo một số xã, phường chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Thời điểm này, các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang cung ứng cho người dân các giống lúa, ngô, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để phục vụ sản xuất vụ mùa. Nhìn chung, chủng loại và số lượng vật tư tại các cửa hàng kinh doanh cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, để tránh mua phải hàng kém chất lượng, ngành chuyên môn khuyến cáo người dân nên mua vật tư nông nghiệp có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng tại các cơ sở kinh doanh cố định, có biển hiệu, địa chỉ rõ ràng, hợp pháp, được cấp chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Sau khi dùng, lưu ý giữ lại bao bì, ghi chép nhật ký sử dụng để làm căn cứ cho cơ quan điều tra khi có dấu hiệu vật tư giả, kém chất lượng. Nếu có bất kỳ nghi ngờ nào, bà con có thể báo cho cơ quan chức năng để điều tra, xử lý.
Để nâng cao hiệu quả trong quản lý chất lượng các loại vật tư nông nghiệp, thời gian tới, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra định kỳ và đột xuất đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống, phân bón, thuốc thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng; tăng cường công tác thông tin, phối hợp với các lực lượng công an, quản lý thị trường trong quá trình kiểm tra, kiểm soát. Đồng thời, tiếp tục thực hiện mô hình nâng cao năng lực của chính quyền cấp xã trong quản lý nhà nước về thuốc bảo vệ thực vật và phân bón đối với các xã trên địa bàn tỉnh.