Quản lý chặt cơ sở kinh doanh thuốc
ĐBP - Những năm gần đây, hoạt động hành nghề dược trên địa bàn tỉnh đã và đang phát triển mạnh mẽ, nhất là các cơ sở bán lẻ thuốc, như: Nhà thuốc, quầy thuốc. Điều này sẽ giúp cho người dân có thêm sự lựa chọn các sản phẩm cần thiết, đáp ứng nhu cầu về thương hiệu, giá cả, phong cách phục vụ... Tuy nhiên, để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, công tác quản lý hành nghề sao cho hiệu quả là vấn đề mà cơ quan chức năng cần phải thực hiện chặt chẽ, nghiêm ngặt...
Cơ quan chức năng kiểm tra thuốc tại cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ.
“Nở rộ” cơ sở bán lẻ thuốc
Dạo quanh TP. Điện Biên Phủ, không khó để tìm kiếm một nhà thuốc hoặc cơ sở kinh doanh, buôn bán thuốc. Qua thống kê của cơ quan chức năng, toàn tỉnh hiện có 350 cơ sở hành nghề y dược, trong đó, các nhà thuốc tập trung chủ yếu ở khu vực thành phố. Với việc các cơ sở kinh doanh, buôn bán thuốc ngày càng phát triển, điều này về cơ bản sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách, bao gồm cả các bệnh nhân có nhu cầu đặc biệt như người già, trẻ em, phụ nữ mang thai hoặc các bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính. Việc này cũng giúp tăng cường sự phục vụ và giải quyết các vấn đề sức khỏe khác nhau cho mọi người.
Chị Nguyễn Hoài Anh, tổ 23, phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ buôn bán nông sản ở chợ. Kiến thức chăm sóc sức khỏe có hạn nên mỗi khi gia đình có người ốm chị thường đến cơ sở bán lẻ thuốc ở gần nhà nhờ tư vấn và mua về sử dụng. Chị Nguyễn Hoài Anh chia sẻ: Hiện nay, chỉ vài chục mét hoặc vài trăm mét cũng có một nhà thuốc. Với việc hệ thống các nhà thuốc nhiều thế này, sẽ giúp cho người dân chúng tôi giảm được thời gian đi lại, mua thuốc một cách nhanh chóng và thuận tiện.
Nhà thuốc, quầy thuốc phát triển nhanh chóng, không chỉ giúp người dân thuận lợi hơn trong quá trình đi lại, tiết kiệm thời gian mà còn tăng cường sự đa dạng của sản phẩm, mặt hàng thuốc. Giá cả cũng có sự cạnh tranh, bởi ở cùng một khu vực, nếu giá quá cao so với mặt bằng chung thì sẽ không thu hút được khách hàng. Chính vì vậy, điều này giúp cho người dân có thể mua được thuốc với giá tốt hơn và không phải lo lắng về chi phí.
Khi các cơ sở bán lẻ thuốc “nở rộ”, việc nâng cao chất lượng dịch vụ cũng được các nhà thuốc, quầy thuốc quan tâm nhiều hơn. Chất lượng dịch vụ và sản phẩm phải được cải thiện để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đồng thời, cung cấp dịch vụ chăm sóc tốt hơn để giành được sự tin tưởng, ủng hộ của khách hàng. Chị Phương Lam, chủ cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ cho biết: Chúng tôi luôn mong muốn mang đến cho khách hàng, người dân những dịch vụ, sản phẩm thuốc tốt nhất. Muốn làm được điều đó, ngoài việc chú trọng chất lượng nguồn gốc sản phẩm, việc đổi mới phong cách phục vụ luôn được chúng tôi quan tâm. Bởi vậy, mỗi khi khách hàng đến với nhà thuốc đều rất hài lòng.
Tăng cường công tác quản lý
Không thể phủ nhận lợi ích của việc ngày càng tăng số lượng các cơ sở buôn bán thuốc lẻ; tuy nhiên, “nở rộ” các nhà thuốc, quầy thuốc cũng dẫn đến nhiều bất cập. Nhiều người dân khi ốm đau, bệnh tật đã không đến các cơ sở y tế để khám, chẩn đoán bệnh mà họ tự đến điểm bán thuốc để mua thuốc theo ý của bản thân. Điều này vô hình chung sẽ khiến cho người bệnh về lâu dài khó kiểm soát được bệnh tật, tăng tác dụng phụ từ việc sử dụng nhiều loại kháng sinh mạnh... từ đó gia tăng chi phí, thời gian điều trị.
Một dược sĩ Trường Cao đẳng Y tế Điện Biên cho biết: Việc lạm dụng thuốc, nhất là thuốc kháng sinh, dùng sai chỉ định hoặc tự ý sử dụng kháng sinh sẽ gây ra kháng thuốc, đa kháng thuốc… làm cho các cơ sở chăm sóc y tế không còn thuốc kháng sinh đáp ứng cứu chữa kịp thời.
Chưa dừng lại ở việc lạm dụng thuốc, vấn đề kiểm soát chất lượng cũng cần được quan tâm đúng mức. Bởi nhiều nhà thuốc, quầy thuốc với nguồn cung cấp thuốc đa dạng, dễ dàng tiếp cận; nếu không coi trọng uy tín, đạo đức nghề nghiệp dễ dẫn đến tình trạng để cạnh tranh, mà buôn bán thuốc không đảm bảo an toàn, chất lượng. Nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ từ cơ quan quản lý Nhà nước, nhiều nhà thuốc sẽ bán những loại thuốc kém chất lượng hoặc không đúng quy định, dẫn đến nguy cơ gây hại cho sức khỏe người dân.
Ông Lê Trọng Cảnh, Chánh Thanh tra Sở Y tế cho biết: Trước thực trạng này, thời gian qua, cơ quan chức năng đã tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vưc y, dược; đưa ra các quy định chặt chẽ về việc cấp phép mở nhà thuốc, kiểm tra và giám sát chất lượng thuốc để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong việc sử dụng. Bên cạnh đó, thường xuyên thanh tra, kiểm tra các cơ sở hành nghề y, dược. Từ năm 2022 đến nay, Sở Y tế mới chỉ xử lý vi phạm hành chính 8 cơ sở hành nghề dược trong tổng số 142 cơ sở được thanh tra, kiểm tra; tổng số tiền xử phạt 14 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là không mở sổ hoặc không sử dụng máy tính để quản lý nhập, xuất, tồn trữ, theo dõi số lô, hạn dùng, nguồn gốc của thuốc và thông tin liên quan khác theo quy định của pháp luật.
Theo Chánh Thanh tra Sở Y tế, ngoài một số lỗi vi phạm hành chính trên, qua thanh tra, cơ bản cho thấy, tại thời điểm kiểm tra, các cơ sở kinh doanh thuốc được kiểm tra không phát hiện việc kinh doanh thuốc giả, thuốc đã bị đình chỉ lưu hành; công tác sắp xếp thuốc, phân loại nhóm thuốc, niêm yết giá thuốc... đảm bảo theo quy định; người quản lý chuyên môn vắng đã thực hiện việc ủy quyền hoặc cử người thay thế theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm kết nối liên thông của các cơ sở bán lẻ thuốc để bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả, nguồn gốc chất lượng thuốc giữa nhà cung cấp với khách hàng cũng như việc chuyển giao thông tin cho cơ quan quản lý liên quan khi được yêu cầu...
Có thể nói, các nhà thuốc, quầy thuốc ngày càng gia tăng là xu thế tất yếu của thị trường, đáp ứng nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, ngoài việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý Nhà nước đối với các cơ sở này, thì sử dụng thuốc thế nào cho hiệu quả thì người dân cũng cần trang bị những kiến thức cho bản thân, từ đó, bảo vệ sức khỏe cho người thân, gia đình.