Quản lý chặt hoạt động đường thủy nội địa

Đầu tư xây dựng, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa; quản lý tốt phương tiện và người lái, bảo đảm an toàn, an ninh và bảo vệ môi trường trên đường thủy nội địa, bến thủy nội địa, khu neo đậu. Đó là những việc trong công tác quản lý nhà nước cần đẩy nhanh thực hiện về hoạt động đường thủy nội địa, nâng cao ý thức chấp hành quy định bảo vệ kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, chống lấn, chiếm hành lang bảo vệ luồng; bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Trước hết, các cơ quan chức năng của tỉnh tăng cường phối hợp với UBND các huyện và các đơn vị liên quan thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa theo quy định pháp luật.

Tăng cường tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn theo thẩm quyền về thực hiện bảo vệ kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, chống lấn, chiếm hành lang bảo vệ luồng và tổ chức bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa. Rà soát danh mục các cảng thủy nội địa đã được quy hoạch hiện chưa đầu tư, kiến nghị Bộ GTVT, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam xem xét đầu tư xây dựng và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các thủ tục thỏa thuận thông số kỹ thuật xây dựng cảng, bến thủy nội địa và công bố hoạt động cảng, bến thủy nội địa theo quy định.

Đồng thời, phối hợp với UBND các huyện chỉ đạo thực hiện tốt công tác đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa theo phân cấp; rà soát, thống kê, kiểm tra, đóng số định danh, phân nhóm phương tiện (kể cả phương tiện thô sơ) đang hoạt động… phục vụ công tác quản lý, đăng ký và xây dựng thêm mẫu định hình phương tiện thủy nội địa để tạo thuận lợi cho công tác đăng kiểm. Chỉ đạo các đơn vị quản lý cảng, bến phà, bến thủy nội địa không để phương tiện thủy nội địa ra, vào cảng, bến thủy nội địa không đủ điều kiện an toàn, an ninh, môi trường.

Tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong việc thực hiện kiểm tra bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy; chú trọng các địa bàn trọng điểm. Hướng dẫn trình tự, thủ tục các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa; tham mưu cơ chế, chính sách tạo môi trường thuận lợi, kêu gọi xã hội hóa công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

UBND cấp huyện chỉ đạo, phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về giao thông đường thủy nội địa, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, chống lấn, chiếm hành lang bảo vệ luồng; kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm các quy định về đảm bảo ATGT đường thủy nội địa trên địa bàn huyện, nhất là các tổ chức, cá nhân thành lập hoặc đăng ký thêm ngành nghề kinh doanh đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện thủy nội địa.

Minh Khánh

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/quan-ly-chat-hoat-dong-duong-thuy-noi-dia-39351