Quản lý chất thải nguy hại - Những vấn đề đặt ra

PTĐT - Chất thải nguy hại có tính chất nguy hiểm, nếu quản lý không tốt sẽ gây nên những tác hại khó lường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và môi trường. Sau vụ việc đổ dầu thải gây 'cuộc khủng hoảng' nước sạch sông Đà vừa qua, dư luận lại nóng lên câu chuyện quản lý ...

Cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về quản lý CTNH và bảo vệ môi trường trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản tại huyện Yên Lập.

Cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về quản lý CTNH và bảo vệ môi trường trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản tại huyện Yên Lập.

PTĐT - Chất thải nguy hại có tính chất nguy hiểm, nếu quản lý không tốt sẽ gây nên những tác hại khó lường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và môi trường. Sau vụ việc đổ dầu thải gây “cuộc khủng hoảng” nước sạch sông Đà vừa qua, dư luận lại nóng lên câu chuyện quản lý chất thải nguy hại. Đây cũng là hồi chuông cảnh báo với không chỉ cơ quan, doanh nghiệp mà ngay cả người dân khi không thực hiện nghiêm các biện pháp quản lý chất thải nguy hại một cách có trách nhiệm, đúng quy định của pháp luật.
Đề cập đến vấn đề chất thải nguy hại (CTNH), Trưởng phòng Kiểm soát ô nhiễm Đào Minh Hải (thuộc Chi cục Bảo vệ môi trường- Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Hầu hết tất cả các ngành nghề đều phát sinh chất thải nguy hại. Trên địa bàn tỉnh hiện đang có gần 400 cơ sở, doanh nghiệp phát sinh CTNH đã đăng ký chủ nguồn thải CTNH với Sở Tài nguyên và Môi trường và được cấp sổ quản lý, theo dõi với tổng khối lượng 3.212 tấn/năm. Các loại CTNH này phát sinh trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, y tế, nông nghiệp, khai thác và chế biến khoáng sản, hóa chất, sản xuất vật liệu xây dựng… Chủng loại CTNH phát sinh gồm các loại dầu thải, bóng đèn huỳnh quang thải, pin ắc quy thải, chất thải trong ngành y tế, vỏ bao bì các loại bám dính CTNH, giẻ lau bám dính dầu chất thải, bùn thải từ máy móc và hệ thống xử lý nước thải, thuốc diệt trừ các loài gây hại.

Giải pháp được đưa ra nhằm khắc phục những khó khăn trong công tác quản lý CTNH thời gian qua chính là đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, nâng cao trách nhiệm của các chủ nguồn thải CTNH; tăng cường thanh tra, kiểm tra quản lý CTNH đối với các chủ nguồn thải, trong đó ngành công an và ngành tài nguyên và môi trường đã thực hiện nhiều đợt thanh, kiểm tra chuyên đề về việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Thông qua công tác thanh, kiểm tra đã nhắc nhở, chấn chỉnh những biểu hiện, hành vi chưa tuân thủ đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường như: Chất thải nguy hại chưa được thu gom, bảo quản lưu giữ theo đúng quy định; chưa thực hiện lập báo cáo định kỳ hàng năm hoặc lập báo cáo chưa đúng theo hướng dẫn của cơ quan chức năng. Bước đầu cho thấy, nhiều đơn vị đã nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc quản lý CTNH, điển hình như Công ty TNHH công nghệ Cosmos 1 ở Khu công nghiệp Thụy Vân. Là doanh nghiệp chuyên sản xuất các linh kiện, phụ tùng xe máy, thu hút hơn 1.400 công nhân làm việc 3 ca liên tục/ngày ở 4 phân xưởng, trong quá trình sản xuất, Công ty TNHH công nghệ Cosmos 1 đã phát sinh không ít CTNH như: Dầu thải máy, giẻ lau dính dầu. Với phương châm xây dựng môi trường làm việc xanh- sạch- đẹp, Công ty liên tục đầu tư cải thiện điều kiện làm việc, trồng cây xanh trong khuôn viên, lắp đặt hệ thống điều hòa, làm mát trong các xưởng sản xuất, thu gom phân loại rác tại nguồn. Mỗi chuyền máy công ty đều bố trí thùng rác 5 ngăn 5 màu khác nhau, quy định mỗi màu thu gom 1 loại rác như: Rác tiêu hủy được, rác không tiêu hủy được, rác thải nguy hại, rác thải có thể tái chế… Anh Phạm Trọng Đạt- cán bộ Công ty cho biết: 100% rác thải nguy hại như dầu thải, dầu thừa trong quá trình vận hành sản xuất đều được thu gom hàng ngày, có máng hứng không để rơi rớt, phát tán ra môi trường. Các chất thải này được lưu trữ trong các thùng đựng chuyên biệt và chuyển sang nhà rác chứa CTNH, trung bình 1-2 tháng sẽ chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý CTNH. Hàng năm, Công ty đều thực hiện đầy đủ việc đăng ký và báo cáo số lượng CTNH với các cơ quan chức năng, ký hợp đồng với những đơn vị xử lý CTNH có đầy đủ tính pháp lý, quá trình bàn giao CTNH đều có biên bản, hóa đơn xuất kho, có hệ thống giám sát bằng camera… Từ khi thành lập đến nay, Công ty chưa để xảy ra sự cố nào liên quan đến môi trường nói chung và CTNH nói riêng. Với ý thức cao trong công tác bảo vệ môi trường, quản lý CTNH đã tạo sự an tâm làm việc của công nhân trong Công ty, góp phần nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giúp Công ty ngày càng phát triển với mức doanh thu tăng từ 15-19%/năm, thu nhập bình quân người lao động đạt 7 triệu đồng/người/tháng.Mặc dù công tác quản lý CTNH của các đơn vị trên địa bàn tỉnh đã và đang từng bước đi vào nền nếp, nhận thức của các cơ sở về trách nhiệm quản lý CTNH ngày càng được nâng lên song vẫn còn một số đơn vị, doanh nghiệp chưa chấp hành tốt các quy định về bảo vệ môi trường, quản lý CTNH. Đặc biệt sau vụ việc mới đây của Công ty CP gốm sứ Thanh Hà ở thị xã Phú Thọ cho thấy, CTNH chưa được kiểm soát chặt chẽ ngay tại nguồn phát thải. Qua công tác thanh, kiểm tra tại một số đơn vị vẫn còn các tồn tại, bất cập như CTNH được lưu giữ trong khu vực lưu giữ chưa được dán nhãn cảnh báo theo đúng quy định; CTNH còn lưu giữ quá thời hạn cho phép mà không báo cáo với cơ quan quản lý; các đơn vị không gửi báo cáo định kỳ tình hình quản lý CTNH về Sở TN&MT để quản lý hoặc có báo cáo nhưng chưa đầy đủ về tình hình quản lý CTNH, thiếu chứng từ và hợp đồng chuyển giao CTNH theo quy định.

Lý giải về thực trạng trên, chúng tôi đã có buổi làm việc với Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh). Trung tá Nguyễn Quang Minh- Đội trưởng đội 2, cho biết: Do ý thức của một số chủ nguồn thải chưa cao, còn chủ quan buông lỏng quản lý, trong khi CTNH cũng có loại tái chế được và loại không tái chế được nên có những đối tượng vì lợi ích trước mắt, lợi dụng sự lơi lỏng quản lý đã lén lút chuyển giao CTNH cho các cá nhân, tập thể không đủ thẩm quyền, chức năng xử lý để trục lợi theo kiểu hai bên cùng có lợi. Vấn đề ở đây là phải quản lý chặt chẽ những loại CTNH có thể tái chế được. Từ năm 2015 trở lại đây, lực lượng cảnh sát môi trường đã kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính một số hành vi “chuyển giao CTNH cho cá nhân không có giấy phép hành nghề quản lý CTNH”, “không đăng ký chủ nguồn CTNH theo quy định” với các mức xử phạt theo quy định của pháp luật. Được biết trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có Công ty TNHH môi trường Phú Hà được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép xử lý chất thải nguy hại. Ngoài đơn vị này thì chủ nguồn thải CTNH trên địa bàn tỉnh muốn xử lý CTNH có phát sinh phải tự tìm các chủ hành nghề quản lý, xử lý CTNH tại các tỉnh, thành lân cận: Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh… nếu không tự giác và vì cái lợi trước mắt thì việc vận chuyển lén lút, trái phép CTNH rất dễ xảy ra, nhất là vào thời điểm ban đêm, ngoài giờ hành chính. Một bất cập khác là trong công tác thanh, kiểm tra, trung bình mỗi năm các lực lượng chức năng cũng chỉ tiến hành kiểm tra được 1/5 số đơn vị là chủ nguồn thải CTNH, nếu các đơn vị có nguồn chất thải nguy hại không tự giác báo cáo số lượng phát sinh thực tế thì cũng rất khó quản lý, chưa kể những đơn vị có phát thải CTNH nhưng lại chưa thực hiện nghĩa vụ đăng ký theo Luật bảo vệ môi trường. Trong khi đó quá trình vận chuyển, chuyển giao CTNH cho những cá nhân, đơn vị không đủ điều kiện năng lực hành nghề hiện rất khó kiểm soát. Sau vụ việc xảy ra ở Công ty CP gốm sứ Thanh Hà, lực lượng CSMT Công an tỉnh, Chi cục bảo vệ môi trường- Sở TN&MT đều tiến hành kiểm tra, rà soát lại các đơn vị chủ nguồn thải CTNH, đặc biệt những đơn vị có phát sinh số lượng lớn CTNH để vừa tuyên truyền nhắc nhở, vừa kiểm tra giám sát để từ đó phát hiện, xử lý ngay những trường hợp vi phạm trong quá trình thu gom, lưu giữ, chuyển giao CTNH không đúng quy định của pháp luật nhằm hạn chế thấp nhất những vụ việc vi phạm, gây tác động xấu đến môi trường và cộng đồng dân cư. Cùng với lực lượng chức năng, thiết nghĩ mỗi cá nhân, doanh nghiệp đều cần nâng cao ý thức chấp hành tốt các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Mai Phương

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-de-hom-nay/201911/quan-ly-chat-thai-nguy-hai-nhung-van-de-dat-ra-167859