Quản lý cư trú bằng CNTT - bước tiến mới trong quản lý cư trú
Sáng 21/10, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã thảo luận dự án Luật Cư trú (sửa đổi).
Qua thảo luận, vấn đề nhiều đại biểu quan tâm đó là điều kiện đăng ký thường trú đối với nhà thuê, mượn, ở nhờ; đăng ký thường trú cho người dân di cư tự do từ phía Bắc vào Tây Nguyên; thời gian chuyển tiếp bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy...
HĐND quy định diện tích tối thiểu nhập khẩu ở nhà cho thuê
Tại phiên thảo luận, đại biểu Triệu Thanh Dung, Cao Bằng đánh giá cao tinh thần cầu thị, tiếp thu ý kiến chỉnh sửa dự thảo Luật Cư trú của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời cho biết, nhất trí phương án 1 đối với điều kiện đăng ký thường trú đối với người có chỗ ở hợp pháp là nhà do thuê, mượn, ở nhờ theo khoản 3 Điều 20 của dự thảo luật, nghĩa là cần quy định một trong các điều kiện để đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ là phải đảm bảo diện tích nhà ở tối thiểu do HĐND cấp tỉnh quy định, nhưng không thấp hơn 8m² sàn/người.
“Tôi cho rằng, luật cần có quy định để đảm bảo việc đáp ứng cơ sở hạ tầng, các dịch vụ thiết yếu cho người dân sinh sống trên một địa bàn nhất định. Vì mỗi tỉnh, thành và mức gia tăng dân số cơ học là khác nhau, điều kiện cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu dân cư không giống nhau. Do đó, nên để HĐND tỉnh quyết định diện tích nhà ở tối thiểu phù hợp với địa phương mình. Luật chỉ nên quy định hạn mức tối thiểu áp dụng chung cho cả nước là 8m²/người trở lên” – đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Rơ Mah Tuân (Gia Lai) cũng bày tỏ quan điểm tán thành với phương án 1 của dự thảo luật về điều kiện đăng ký thường trú quy định tại Điều 20 là giao HĐND cấp tỉnh quy định mức diện tích nhà ở tối thiểu về chỗ ở, cho thuê, cho mượn, ở nhờ làm điều kiện đăng ký thường trú, nhằm đảm bảo điều kiện cần thiết cho người dân, phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tiễn của từng địa phương và giảm áp lực cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn của từng địa phương
Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) cũng nhất trí với nội dung như dự thảo luật là giao HĐND cấp tỉnh quy định mức diện tích bình quân về chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ làm điều kiện đăng ký thường trú. Vì trên thực tế không chỉ ở các quận nội đô mà ở một số tỉnh hoặc một số huyện trực thuộc các thành phố trực thuộc trung ương cũng đang có áp lực gia tăng dân số cơ học rất lớn.
Số người đăng ký tạm trú tăng nhanh, thậm chí nhiều hơn số người đăng ký thường trú và biến động nhiều nhất tập trung ở nhóm đối tượng có chỗ ở hợp pháp là do thuê, mượn, ở nhờ. Do đó, cần phải có một số điều kiện nhất định đối với việc đăng ký thường trú của nhóm đối tượng này nhằm bảo đảm điều kiện sống thiết yếu của người thuê, mượn, ở nhờ và phù hợp với yêu cầu quản lý về cư trú.
Đại biểu Hà Nội Nguyễn Thị Lan tán tán thành với quy định bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do HĐND cấp tỉnh quy định, nhưng không thấp hơn 8m2 sàn/người vì nhằm đảm bảo được điều kiện sống và phù hợp với điều kiện của đa số các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tạo điều kiện đăng ký thường trú cho người di cư tự do từ phía Bắc vào Tây Nguyên
Trăn trở về vấn đề người dân di cư từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào Tây Nguyên nhiều năm nhưng chưa được đăng ký thường trú, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) góp ý điều 19 của dự án Luật về nơi cư trú và quản lý cư trú đối với người không đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú.
“Đây là một nội dung hết sức quan trọng trong phạm vi điều chỉnh cơ bản của Luật Cư trú lần này. Những người di cư tự phát, với hàng chục nghìn hộ dân di cư tự phát chưa được đăng ký hộ khẩu đang từng ngày mong chờ sự đổi thay về quản lý cư trú của dự án luật lần này để họ được thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công dân theo quy định của pháp luật” – đại biểu cho biết và nhấn mạnh đây là vấn đề bất cập đang còn kéo dài.
“Từ việc áp dụng các quy định pháp luật về chỗ ở hợp pháp đang là rào cản hết sức lớn, gây khó khăn trong việc giải quyết đăng ký cư trú cho công dân, trong đó có các hộ di dân tự do, tự phát trong thời gian vừa qua đã ở, cư trú hoặc sinh sống ổn định hơn 20 năm tại các khu vực dân cư chưa được công nhận hoặc chưa được quy hoạch. Các hộ dân này đã đi khỏi nơi thường trú từ lâu, qua nhiều thế hệ, không còn các giấy tờ về hộ tịch như: Khai sinh, CMND, không có hộ khẩu gốc, nói chung là không xác định được nguồn gốc nơi đến, đặc biệt là thế hệ sinh từ những năm 1990 đến nay thì việc đăng ký hộ tịch, hộ khẩu lại càng khó khăn hơn” – đại biểu cho biết.
Đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị cần nghiên cứu quy định rõ hơn trong dự thảo luật lần này về trường hợp các hộ dân di cư tự phát đang định canh, định cư ổn định tại những khu vực trong quy hoạch đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì coi đó là chỗ ở hợp pháp để đăng ký cư trú theo luật quy định.
“Vấn đề này qua thực tiễn theo dõi nhiều năm, đã được đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, nguyên Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên rất quan tâm cùng với các cấp chính quyền các tỉnh Tây Nguyên tháo gỡ vướng mắc vấn đề về đăng ký hộ khẩu thường trú cho hàng vạn hộ dân di cư tự phát ở Tây Nguyên. Có như vậy thì mục tiêu đến năm 2025 chúng ta mới có thể cơ bản hoàn thành việc đăng ký hộ tịch, cư trú cho các hộ dân di cư tự phát đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và các quy định của Chính phủ mới hy vọng trở thành hiện thực, chương trình định canh, định cư theo Nghị quyết 88 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng miền núi giai đoạn 2021-2030 mới có tính khả thi cao.” – đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị.
Có cần giữ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sau khi Luật có hiệu lực?
Một vấn đề nhiều đại biểu quan tâm đó là có cần thời gian chuyển tiếp việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sau khi Luật có hiệu lực. Một số đại biểu cho rằng nên giữ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đến 31/12/2022 để hoàn thành nốt các thủ tục hành chính. Đa số các đại biểu đề nghị cần bỏ ngay sổ hộ khẩu, sổ tạm trú ngay khi Luật có hiệu lực.
Về vấn đề này, đại biểu Bùi Quốc Phòng (Thái Bình) đồng tình dự thảo luật quy định tại khoản 4 Điều 38 về việc yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành có nội dung liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc có yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú, tạo thuận lợi cho người dân khi thực hiện các thủ tục giao dịch và hạn chế việc sử dụng thông tin nơi cư trú để thực hiện các thủ tục hành chính.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) phân tích các điều kiện sau khi Luật có hiệu lực và cho rằng, việc quy định sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không có giá trị sử dụng trong các giao dịch quan hệ pháp luật được xác lập mới kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành được xem là một cuộc cách mạng trong quản lý nhà nước về cư trú.
“Việc đơn giản hóa hơn nữa về hồ sơ, thủ tục đăng ký cư trú trong dự luật lần này cần phải được thực hiện một cách quyết liệt, mạnh mẽ và liên thông dữ liệu với các ngành, nhằm chứng minh cho việc thực hiện những cam kết về Chính phủ số, mà trong đó “hồn cốt” của việc chuyển đổi số là phải đưa công nghệ thông tin vào mọi mặt của đời sống, trong đó phải lấy người dân làm trung tâm. Có như vậy mới thực hiện đúng cam kết không bỏ lỡ “chuyến tàu cách mạng công nghiệp lần thứ 4” mà Đảng và Nhà nước đã quyết liệt trong thời gian qua”. – đại biểu nhấn mạnh.
Ủng hộ quản lý cư trú bằng CNTT
Đại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang) cho rằng, việc thay thế việc quản lý cư trú, thường trú, tạm trú từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang phương thức quản lý hiện đại bằng công nghệ thông tin giúp công dân không cần mang theo các loại giấy tờ có chứa thông tin cá nhân và cũng đã thể hiện trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng như không phải sao y chứng thực các loại giấy tờ này khi thực hiện thủ tục hành chính hoặc tham gia các giao dịch dân sự, mà chỉ cần mang theo thẻ Căn cước công dân hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân cho cơ quan chức năng để thực hiện.
Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) đánh giá cao sự công phu, nghiêm túc chuẩn bị cũng như tinh thần cầu thị tiếp thu các ý kiến của Bộ Công an, cơ quan soạn thảo luật, để đưa ra được dự thảo luật lần này.
“Chúng tôi thấy dự thảo luật có nhiều nội dung đổi mới, vừa là để hoàn thiện hệ thống pháp luật về cư trú, đảm bảo phù hợp chủ trương cải cách hành chính hội nhập và giao lưu quốc tế, thực hiện chủ trương hiện đại hóa và đơn giản các thủ tục hành chính, giấy tờ công dân có liên quan đến công tác quản lý dân cư, đảm bảo công khai, minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, tăng cường hiệu lực quản lý của nhà nước, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội.” – đại biểu Nguyễn Thị Lan
nhấn mạnh và cho biết, việc thay thế việc quản lý cư trú từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang phương thức quản lý hiện đại và có ứng dụng công nghệ thông tin.
Cụ thể là đã áp dụng mã số định danh cá nhân để truy cập, điều chỉnh cơ sở dữ liệu quốc gia và chạy trên mạng internet. “Tôi đánh giá rất cao việc đổi mới phương thức quản lý này vì nó sẽ mang lại những lợi ích, sự tiện lợi cho người dân, giúp người dân giảm được các thủ tục hành chính cũng như sau khi chứng thực giấy tờ, việc phải lưu giữ rất nhiều các giấy tờ, tài liệu dễ dẫn đến chuyện thất lạc, bất tiện cho người dân” – đại biểu Nguyễn Thị Lan cho biết đây cũng là một cuộc cách mạng nhỏ trong việc đổi mới quản lý về cư trú, tạo thuận lợi đáng kể cho người dân và cũng phù hợp với xu thế chuyển đổi số, thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
Dự thảo luật lần này có nhiều điểm mới, nhiều nội dung mới đã được sửa đổi, bổ sung và để phục vụ cho thực tiễn được tốt hơn. Tuy nhiên, để hoàn thiện thêm, tôi cũng xin được trao đổi 2 vấn đề để Ban soạn thảo cân nhắc.