Quản lý hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường đảm bảo yêu cầu phát triển

Năm 2021 là một năm đầy khó khăn của Sóc Trăng do phải đối mặt với tình hình diễn biến vô cùng phức tạp của dịch Covid-19. Tuy nhiên, bằng những nỗ lực cao nhất trong công tác chỉ đạo và thực hiện, phát huy truyền thống năng động, sáng tạo, Sóc Trăng vẫn có những 'điểm sáng' về phát triển kinh tế - xã hội với nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Làm nên những thành công chung đó, có những đóng góp không nhỏ của ngành Tài nguyên và Môi trường (TN-MT). Về lĩnh vực này, đồng chí Ngô Thái Chân - Giám đốc Sở TN-MT Sóc Trăng chia sẻ nhiều vấn đề trong công tác quản lý nhà nước về TN-MT trong năm 2021 và những kế hoạch trong thời gian tới.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật trong công tác quản lý nhà nước về TN-MT của Sóc Trăng trong năm 2021?

Đồng chí Ngô Thái Chân:Được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Bộ TN-MT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự nỗ lực của toàn thể công chức, viên chức ngành TN-MT, năm 2021 ngành đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh nhà.

Cụ thể, trong năm 2021, các nhiệm vụ của ngành được sở tập trung thực hiện tốt. Theo đó, công tác cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh, thực hiện nâng cấp 93/106 dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4, qua đó đã giải quyết 274 hồ sơ trực tuyến mức độ 4, chiếm tỷ lệ 52,59% tổng số hồ sơ đã giải quyết và tăng 100% so với cùng kỳ năm 2020; rút ngắn thời gian đo đạc, trích đo địa chính thửa đất, từ đó nâng cao tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu trên địa bàn tỉnh, đến nay đã đạt 99,96%; thực hiện đúng và trước thời hạn 100% số thủ tục hành chính được giải quyết. Tổ chức bộ máy từng bước được sắp xếp, hoàn thiện, hướng tới hoàn chỉnh theo đề án tổ chức sắp xếp bộ máy TN-MT.

Công tác truyền thông, tuyên truyền pháp luật TN-MT cũng được ngành TN-MT quan tâm tăng cường đẩy mạnh, trong năm 2021 đã tổ chức 4 lớp tập huấn về bảo vệ môi trường cho trên 500 đối tượng là cán bộ quản lý môi trường các cấp, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; 1 lớp đào tạo nghiệp vụ bảo vệ môi trường trong kinh doanh xăng dầu cho trên 50 người. Đặc biệt trong công tác phòng, chống rác thải nhựa, ngành đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 41/KH-UBND, ngày 15-3-2021 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng và Kế hoạch số 66/KH-UBND, ngày 7-5-2021 về triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2021 - 2025”, sở đã xây dựng báo cáo chuyên đề về hiện trạng môi trường rác thải nhựa năm 2021 trên địa bàn tỉnh; lắp đặt 10 panô tuyên truyền về rác thải nhựa trên địa bàn 10 huyện, thị xã. Thông qua đó nhận thức của người dân ngày càng được nâng cao, số vụ việc vi phạm pháp luật về TN-MT cũng giảm so với cùng kỳ.

Công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch tiếp tục được quan tâm, trong năm nhiều công trình giải phóng mặt bằng đã được đẩy mạnh thực hiện, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư vào tỉnh. Thường xuyên thực hiện công tác phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường thông qua việc quan trắc chất lượng môi trường và tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm. Phối hợp thực hiện đạt 4/4 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 được giao.

Công tác thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án được thực hiện tốt; trong năm đã tham mưu tổ chức thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt 15 hồ sơ ĐTM (thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường), trong đó, đã thẩm định và phê duyệt 4 dự án điện gió, 1 dự án cảng tổng hợp Cái Côn và các dự án sản xuất, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Lũy kế đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt 315 hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Phóng viên: Phát huy kết quả đạt được, xin đồng chí cho biết mục tiêu chung mà ngành TN-MT Sóc Trăng quyết tâm thực hiện trong năm 2022?

Đồng chí Ngô Thái Chân:Mục tiêu chung của ngành TN-MT tỉnh nhà vẫn là đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin nhằm rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Phát huy tối đa các nguồn lực của ngành TN-MT để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường quản lý khai thác, sử dụng tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên; kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm môi trường, nhất là tại các làng nghề, khu công nghiệp, lưu vực sông, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm; phòng ngừa, phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ TN-MT; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng tránh thiên tai; phát triển ngành TN-MT trên cơ sở đổi mới và vận dụng cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo phát triển bền vững, đồng thời gia tăng đóng góp của ngành cho ngân sách nhà nước, tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác quản lý TN-MT.

Phóng viên: Như vậy, dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu mà ngành TN-MT tỉnh đề ra trong năm 2022 như thế nào?

Đồng chí Ngô Thái Chân: Dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu trong năm 2022, ngành TN-MT phối hợp các ngành và địa phương phấn đấu thực hiện đạt các chỉ tiêu về môi trường như sau: tỷ lệ cơ sở sản xuất mới xây dựng phải áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm ô nhiễm, xử lý chất thải 100%; tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường 100%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt khu dân cư nông thôn, làng nghề đạt tiêu chuẩn môi trường 62,3%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải nguy hại 100%.

Phóng viên: Công tác bảo vệ môi trường luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ hàng đầu. Xin đồng chí chia sẻ thêm về vấn đề này?

Đồng chí Ngô Thái Chân: Nhiệm vụ của ngành đối với vấn đề này, trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục tăng cường công tác phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường, qua đó triển khai kiểm tra, giám sát việc sản xuất, nhập khẩu và sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật dùng trong nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; việc nhập khẩu phế liệu, máy móc, thiết bị đã qua sử dụng gây nguy hại cho môi trường; kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả thải lớn, có chứa hàm lượng các chất ô nhiễm cao; tăng cường bảo vệ môi trường các lưu vực sông, cải thiện, phục hồi môi trường các khu vực bị ô nhiễm; giám sát, kiểm tra các khu, cụm công nghiệp trong việc xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, lắp đặt hệ thống thiết bị kiểm soát, giám sát hoạt động xả thải theo quy định của pháp luật, truyền số liệu trực tiếp về Sở TN-MT. Tập trung giám sát các dự án lớn, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố, ô nhiễm môi trường cao, bảo đảm không để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng. Điều tra, thống kê chất thải, đánh giá tình hình ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường đã được phê duyệt. Đồng thời quản lý bảo vệ các khu bảo tồn, vùng đất ngập nước quan trọng, khu vực đa dạng sinh học cao, hành lang đa dạng sinh học và các khu vực chưa đủ điều kiện thành lập khu bảo tồn; phát triển và mở rộng các khu bảo tồn thiên nhiên. Tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ có mục tiêu từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường cho các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các nhiệm vụ nạo vét kênh mương, xử lý ô nhiễm, thu gom rác thải... Bên cạnh đó, tích cực hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường của các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!

QUANG BÌNH (Thực hiện)

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/kinh-te/quan-ly-hieu-qua-tai-nguyen-bao-ve-moi-truong-dam-bao-yeu-cau-phat-trien-54056.html