Quản lý hoạt động đường thủy nội địa

Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 100km tuyến sông trung ương gồm sông Hồng và sông Luộc, 113km sông nội tỉnh gồm các tuyến sông: Sặt, Cửu Yên, Điện Biên, Tam Đô và sông Chanh… với khoảng 26 bến bốc xếp hàng hóa, 15 bến khách ngang sông đang hoạt động.

Trong quy hoạch luồng tuyến, tuyến sông Hồng có chiều dài 64km được quy hoạch sông cấp I; tuyến sông Luộc với chiều dài 28km được quy hoạch sông cấp II; các tuyến sông địa phương quản lý như sông: Bắc Hưng Hải, Cửu An, sông Chanh được cải tạo, nâng cấp bảo đảm cho tàu trọng tải 200 - 250 tấn lưu thông; tuyến sông Điện Biên, Tam Đô bảo đảm cho tàu trọng tải 150 tấn lưu thông. Theo đánh giá của ngành chức năng, tuyến sông Luộc hiện có hoạt động vận tải sôi động nhất trong hệ thống giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh, với lưu lượng trung bình 250 - 300 lượt phương tiện/ngày, đêm, chủ yếu tàu tự hành có tải trọng 300 – 400 tấn. Trên sông Hồng trung bình có khoảng 150 – 200 lượt phương tiện/ngày, đêm lưu thông. Tuy nhiên, tiềm năng về giao thông đường thủy chưa được khai thác hiệu quả, hoạt động vận tải đường thủy trong những năm qua chỉ đạt khoảng 30% - 50% tiềm năng. Nguyên nhân chủ yếu do hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ; nhiều đơn vị, doanh nghiệp tham gia vận tải đường thủy năng lực tài chính còn yếu, cùng với đó là phương tiện lạc hậu; các tuyến sông còn thiếu sự kết nối…

Hoạt động vận tải đường thủy trên tuyến sông Luộc

Thúc đẩy sự phát triển của vận tải đường thủy, nhất là vận tải hàng hóa trên sông Hồng, sông Luộc và hệ thống sông Bắc Hưng Hải là giải pháp bền vững nhằm giảm gánh nặng, giảm chi phí vận chuyển, cũng như giảm áp lực ngày một tăng về nhu cầu giao thông lên mạng lưới giao thông đường bộ. Thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp về cơ chế, chính sách phát triển vận tải, kết cấu hạ tầng giao thông, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, quỹ đất và vốn đầu tư…
Từ ngày 15.3.2021, Sở Giao thông vận tải thực hiện công bố hoạt động các bến thủy nội địa (hàng hóa, bến khách ngang sông trên sông trung ương) theo quy định tại Nghị định số 08/2021/NĐ-CP ngày 28.1.2021 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa. Đến nay, sở đã cấp phép hoạt động đối với 26 bến hàng hóa và 15 bến khách ngang sông. Từ đầu năm đến nay, Sở Giao thông vận tải đã ban hành 29 công văn chấn chỉnh, nhắc nhở đối với các chủ bến vi phạm trong quá trình hoạt động. Qua các đợt thanh tra, kiểm tra, lực lượng chức năng của sở đã xử phạt 58 trường hợp vi phạm các quy định về hoạt động bến, bãi với tổng số tiền xử phạt gần 50 triệu đồng; đình chỉ 17 lượt phương tiện vi phạm do hết hạn đăng kiểm kỹ thuật và bảo vệ môi trường; thu hồi 4 giấy phép hoạt động bến theo quy định; đình chỉ hoạt động 2 bến do không bảo đảm điều kiện an toàn theo quy định...
Cùng với đó, 8 tháng năm 2022, qua tuần tra, kiểm soát, lực lượng Cảnh sát giao thông của tỉnh đã phát hiện, xử lý hơn 100 trường hợp vi phạm các quy định trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, xử phạt với số tiền hơn 700 triệu đồng. Lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa với các hành vi: Khai thác cát, sỏi hoặc khoáng sản khác trong phạm vi hành lang bảo vệ luồng mà không có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tài nguyên; phương tiện chở quá vạch mớn nước theo quy định; vi phạm quy định về thuyền viên, người lái phương tiện và các vi phạm về quy tắc giao thông, tín hiệu của phương tiện…
Mặc dù vậy, tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường thủy diễn ra ở nhiều tuyến đường thủy nội địa, đặc biệt tại các khu vực dân cư nơi có đường thủy nội địa đi qua, gây cản trở đối với hoạt động vận tải và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông; việc khai thác cát trái phép làm thay đổi dòng chảy, gây sạt lở bờ sông… ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn của các công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa…
Để phát triển mạng lưới, khai thác hiệu quả vận tải đường thủy, tỉnh đã có quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống giao thông vận tải tỉnh giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030, mục tiêu nhằm nâng cấp các tuyến sông địa phương đạt tiêu chuẩn cấp IV; cải tạo các âu thuyền trên hệ thống sông Bắc Hưng Hải; xây dựng cảng sông trên sông Hồng và sông Luộc đạt công suất 150.000 - 350.000 tấn/năm; các bến sông địa phương đạt công suất 50.000 - 100.000 tấn/năm. Quy hoạch các tuyến sông Bắc Hưng Hải, sông Cửu An, sông Chanh được cải tạo, nâng cấp bảo đảm cho tàu 200 - 250 tấn lưu thông; các tuyến sông Điện Biên, Tam Đô bảo đảm cho tàu 150 tấn lưu thông… Bên cạnh đó, các ngành, địa phương quan tâm công tác kiểm tra, xử lý vi phạm; đầu tư kinh phí để nâng cấp, sửa chữa một số tuyến luồng cũ, cầu yếu có chiều cao tĩnh không thấp, khoang thông thuyền hẹp; một số âu đập cũ, kích thước nhỏ. Để hạn chế tình trạng mất an toàn giao thông và nâng cao hiệu quả khai thác vận tải đường thủy, việc đầu tư và thi công các công trình liên quan đến giao thông đường thủy cần được thực hiện thống nhất về số liệu kỹ thuật theo quy hoạch cấp sông, đồng thời bảo đảm các công trình trên cùng một tuyến có kích thước thông thuyền tương đồng nhau, tạo điều kiện cho các phương tiện đi lại liên hoàn trên cùng một tuyến.

Phạm Đăng

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/kinh-te/202209/quan-ly-hoat-dong-duong-thuy-noi-dia-0e93dca/