Quản lý hoạt động khai thác, sử dụng nước ngầm
Nước dưới đất (hay còn gọi nước ngầm) vốn là nguồn tài nguyên quý giá mà con người đã sử dụng hàng ngàn năm nay phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất. Trước những 'tín hiệu' về ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước ngầm thì công tác quản lý hoạt động khai thác, sử dụng nước ngầm ngày càng trở nên quan trọng đối với sự phát triển bền vững.
Tổ chức, cá nhân khai thác nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô từ 10m3/ngày đêm trở lên phải xin cấp phép (ảnh minh họa).
Ông Cao Thạch H. ở huyện Hoằng Hóa là người có nhiều năm kinh nghiệm làm dịch vụ khoan giếng trên địa bàn huyện và các vùng lân cận. Ông cho biết, công việc của ông và nhóm thợ phụ vẫn khá đều đặn bởi nhu cầu khoan giếng vẫn rất cao ở các khu dân cư mới, khoan giếng cho tưới cây ăn quả hay ở những hộ làm nghề mà cần dùng đến nước nhiều, như: rửa xe, làm bánh, bún... bởi họ muốn giảm chi phí tiền nước trên hóa đơn hàng tháng. Khi có nhu cầu, hộ gia đình chỉ cần liên hệ với ông, thỏa thuận giá cả (tùy theo địa chất từng khu vực), trang bị thêm máy bơm, đường ống nước... là sau một vài ngày, các hộ đã có nước giếng khoan dùng lâu dài. Đa số các hoạt động này tự phát theo nhu cầu của các gia đình.
Tìm hiểu công việc khoan giếng hằng ngày của ông H. và nhóm thợ mới thấy, hiện nay, mặc dù hệ thống nước máy đã có mặt ở nhiều huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh nhưng nhu cầu khoan giếng và sử dụng giếng khoan của nhiều hộ gia đình vẫn ở mức cao. Bởi bài toán kinh tế đơn giản mà nhiều hộ dân nhận thấy đó là chi phí phải trả cho một lần khoan giếng rẻ hơn so với chi phí lắp đặt đường ống cấp nước sạch và hóa đơn tiền nước hằng tháng... Chính từ lý do này, hoạt động khoan giếng tự phát vẫn còn diễn ra nhiều, không kể quy mô khai thác, sử dụng nước ngầm nhiều hay ít, phục vụ cho hộ gia đình hay cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Theo quy định tại Điều 44, Luật Tài nguyên nước năm 2012 và Nghị định 201/2013/NĐ-CP ngày 27-11-2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước năm 2012 thì khai thác nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô từ 10m3/ngày đêm trở lên thì người dân phải xin cấp phép. Quy định là vậy, tuy nhiên trên thực tế, có rất ít trường hợp đi xin giấy phép vì nhiều người vẫn nghĩ rằng khoan giếng trên đất nhà mình thì không cần phải có giấy phép. Hoặc, họ cố tình “lờ” đi quy định này bởi ngại thủ tục phiền hà...
Những tác động tiêu cực của việc khai thác nước ngầm tràn lan đã được nhắc đến nhiều, như gây suy thoái chất lượng nguồn nước, sụt lún đất... Một số ví dụ có thể kể đến như, đầu tháng 6-2020, người dân ở thôn Điền Lý, xã Điền Lư (Bá Thước) hoang mang khi trong thôn xảy ra tình trạng sụt lún đất nghiêm trọng tại gia đình ông Nguyễn Xuân Toán. Tại hiện trường, phía sau căn nhà của ông Toán xuất hiện một hố sâu hơn 2m, rộng 3m, ngôi nhà cấp 4 rộng khoảng 100m2 xuất hiện nhiều vết nứt trên tường, nền nhà bị sụt lún. Tình trạng sụt trên xảy ra khi một nhà hàng xóm cách nhà ông Toán khoảng 10m đang tiến hành khoan giếng... Theo một số cán bộ địa phương, tình trạng sụt lún đất ở thôn Điền Lý không phải là mới và đã từng xảy ra 2 trường hợp tương tự hộ gia đình ông Toán. Nguyên nhân chính gây sụt lún là do biến động địa chất. Bên cạnh đó, thực trạng sử dụng giếng khoan nhiều cũng phần nào tác động đến tình trạng trên (trên 70% số hộ dân trên địa bàn xã sử dụng nước giếng khoan để phục vụ sinh hoạt và sản xuất)...
Ô nhiễm nước ngầm cũng là tình trạng được ghi nhận ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Thời điểm năm 2019, người dân ở xã Yên Thọ (Yên Định) bị đảo lộn do thiếu nước sinh hoạt, nhiều giếng nước (gồm cả giếng đào và giếng khoan) trên địa bàn trong tình trạng ô nhiễm hoặc cạn trơ đáy. Để có nước sinh hoạt, nhiều hộ dân đã bỏ nhiều chi phí thuê thợ khoan giếng sâu hơn để tìm nguồn nước nhưng do nước ngầm cạn kiệt nên giếng khoan chỗ có, chỗ không, nước bơm lên có mùi tanh, nổi váng. Nguyên nhân được xác định là do nguồn cung cấp nước cho tầng chứa nước bị ảnh hưởng, trong khi số lượng giếng khai thác ngày một tăng dẫn đến tình trạng sụt giảm, cạn kiệt nguồn nước tại các giếng khai thác của người dân... Kết quả quan trắc chất lượng nước ngầm của ngành chức năng từ năm 2018 cho thấy ở một số khu vực đã có dấu hiệu bị ô nhiễm bởi hàm lượng COD, độ cứng vượt giới hạn cho phép, nhất là khu vực làng nghề tơ tằm Thiệu Đô (nay thuộc thị trấn Thiệu Hóa), hàm lượng Amoni vượt giới hạn cho phép. Nguyên nhân chính làm suy giảm chất lượng nước ngầm được ngành chức năng đánh giá là do đặc điểm địa chất của từng vùng. Hơn nữa, do điều kiện vệ sinh môi trường kém, chuồng trại chăn nuôi bố trí chưa hợp lý, chưa có công trình xử lý chất thải triệt để. Một phần, còn do người dân khai thác nước ngầm bừa bãi, cùng với công tác xử lý nước thải sinh hoạt tại các hộ gia đình, nước thải từ các cơ sở sản xuất chưa triệt để nên nước thải ngấm dần theo thời gian vào mạch nước ngầm và gây ô nhiễm...
Trước thực trạng trên, tỉnh ta đã và đang tăng cường các giải pháp để quản lý tài nguyên nước nói chung và nước ngầm nói riêng. Riêng trong năm 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thẩm định, trình UBND tỉnh cấp 116 giấy phép hoạt động tài nguyên nước; chấm dứt hiệu lực 4 giấy phép khai thác và sử dụng nước dưới đất. Kiểm tra 39 đơn vị có hoạt động tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh, về cơ bản các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã đầu tư xây mới, cải tạo nâng cấp công trình khai thác, hệ thống thu gom, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi xả vào nguồn tiếp nhận. Tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước 133 đơn vị, tổng số tiền phải nộp 10,6 tỷ đồng. Đặc biệt, thực hiện Nghị định số 167/2018/NĐ-CP ngày 26-12-2018 của Chính phủ quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 5489/QĐ-UBND ngày 26-12-2019 phê duyệt đề cương chi tiết Dự án “Lập danh mục và bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh”. Dự án nhằm mục tiêu bảo vệ, duy trì và phát triển nguồn nước dưới đất phục vụ khai thác, sử dụng an toàn, hợp lý; hạn chế các tác động tiêu cực như sụt lún, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước dưới đất... Dự án giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường làm chủ đầu tư. Nhiệm vụ chính là thu thập, tổng hợp tài liệu liên quan đến tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn tỉnh (tài liệu, số liệu về địa hình, địa chất, thủy văn, loại đất, rừng, hiện trạng sử dụng đất; tài liệu điều tra, tìm kiếm, thăm dò nước dưới đất; thu thập dữ liệu về khai thác, sử dụng, xả nước thải vào nguồn nước...); điều tra bổ sung thông tin, dữ liệu tài nguyên nước dưới đất để tổng hợp đưa vào cơ sở dữ liệu: lấy mẫu nước, phân tích các chỉ tiêu theo quy chuẩn Việt Nam; lập, công bố danh mục, bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh. Ngày 24-9-2020, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự toán kinh phí tại Quyết định số 4067/QĐ-UBND để triển khai thực hiện dự án theo quy định...
Hy vọng việc triển khai dự án với những thông tin, số liệu, danh mục, bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất sẽ là cơ sở quan trọng để từ đó siết chặt quản lý hoạt động khai thác, sử dụng nước ngầm một cách hiệu quả, kéo giảm nguy cơ nước ngầm bị cạn kiệt cũng như những tác động tiêu cực khác. Bên cạnh đó, mỗi tổ chức, cá nhân cần nâng cao ý thức sử dụng tiết kiệm nguồn nước ngầm bởi đó không phải là tài nguyên vô tận.