Quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

Xăng dầu là mặt hàng rất quan trọng, tác động trực tiếp tới nền kinh tế, các quốc gia đã có nhiều kinh nghiệm hay trong quản lý mặt hàng thiết yếu này.

Đa dạng mô hình quản lý

Theo Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, tại nhiều quốc gia trên thế giới, chuỗi cung ứng, phân phối xăng dầu được phân chia rõ ràng cho từng chủ thể tham gia thị trường.

Tại Hoa Kỳ, đặc điểm cơ bản của ngành xăng dầu quốc gia này bao gồm một số lượng lớn các doanh nghiệp, nhưng quy mô rất khác nhau. Hoa Kỳ không hạn chế việc tham gia thị trường và quyền kinh doanh bao gồm cả quyền nhập khẩu và quyền phân phối.

Chính phủ Hoa Kỳ quy định phải có sự tách biệt giữa hoạt động lọc dầu và hoạt động bán lẻ. Quy định này đã buộc các công ty dầu mỏ cho thuê các trạm bơm xăng cho các nhà vận hành độc lập khi có nguy cơ thống lĩnh thị trường và nhằm hạn chế các hành vi phi cạnh tranh. Nhu cầu tại Hoa Kỳ tương đối ổn định ở mức cao và đủ độ lớn để tạo ra sự cạnh tranh giữa một số doanh nghiệp lọc dầu hay doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối.

Các doanh nghiệp tư nhân nắm giữ từ lọc dầu đến nhập khẩu và cả phân phối sản phẩm xăng dầu, giá được thị trường quyết định, tuy nhiên vẫn có sự can thiệp ở mức tối thiểu của Chính phủ. Chính vì các quy định hạn chế đối với hoạt động thương mại chỉ ở mức tối thiểu nên giá sản phẩm xăng dầu tại nước này thay đổi cùng nhịp với giá sản phẩm xăng dầu thế giới. Điều này không có nghĩa là thị trường xăng dầu Hoa Kỳ hoàn toàn không có sự quản lý của Chính phủ. Các doanh nghiệp phải tuân theo các quy định chung về bảo vệ người tiêu dùng và chống các hành vi phi cạnh tranh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải nộp các loại thuế, tuân thủ các quy định về môi trường, an toàn và các quy định khác.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Để giữ ổn định thị trường xăng dầu trong mọi tình huống, Hoa Kỳ luôn ưu tiên đẩy mạnh dự trữ thông qua việc tham gia chương trình năng lượng của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA). Trong trường hợp có sự mất cân đối đáng kể trên thị trường, lượng xăng dầu dự trữ sẽ được bán ra để hỗ trợ; không có sự can thiệp trực tiếp đến giá cả thị trường mà thông qua vận hành quỹ dự trữ chiến lược. Kho dự trữ chiến lược này được sử dụng để đảm bảo nguồn cung ứng cho nhu cầu nội địa, đồng thời can thiệp vào thị trường xăng dầu thế giới trong những trường hợp thiếu hụt.

Ngoài ra, Hoa Kỳ áp dụng thuế suất ổn định và tương đối thấp đối với các sản phẩm xăng dầu. Việc áp dụng thuế suất ổn định không những ổn định nguồn thu của Nhà nước, mà còn phản ánh sát thực hơn về biến động của thị trường xăng dầu quốc tế. Tuy nhiên, nếu áp dụng thuế suất cố định, giá cả xăng dầu trên thị trường nội địa sẽ biến động theo cùng nhịp giá cả xăng dầu thế giới, điều này làm cho người sử dụng xăng dầu luôn phải đối mặt với sự biến động giá cả và điều tiết lượng tiêu dùng.

Với Trung Quốc, đây là nước vừa sản xuất, xuất khẩu, lại vừa nhập khẩu xăng dầu hàng đầu thế giới nên luôn phải áp dụng những biện pháp quản lý giá xăng dầu rất chặt chẽ.

Tại nước này chỉ 2 doanh nghiệp của Nhà nước là Tổng công ty Xăng dầu Quốc gia Trung Quốc (CNPC) và Tổng công ty Xăng dầu - Hóa chất Trung Quốc (Sinopec) được quyền kinh doanh và phân phối xăng dầu. Khi mặt hàng này được phân phối ra, mỗi cửa hàng sẽ chỉ được nhận hàng ở một đầu mối trong 2 doanh nghiệp kể trên, theo đúng quy trình kiểm soát của nhà nước. Bên cạnh đó, các cây xăng nhỏ lẻ cũng phải đáp ứng các quy định về kỹ thuật, tiêu chuẩn kho chứa hay quy định cấm dự trữ mà Chính phủ đề ra.

Mỗi tháng Trung Quốc sẽ công bố giá bán lẻ định hướng (phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới với hệ số 0,5 cho giá tại Singapore; 0,3 giá tại London và 0,2 giá tại New York) đối với xăng dầu. Mức giá này chỉ thay đổi nếu có biến động đặc biệt trong tháng và giá bán tại cây xăng chỉ được phép dao động trong khoảng 8% giá bán lẻ định hướng trên.

Trung Quốc giao nhiệm vụ cho Cục Dự trữ vật tư quốc gia đồng thời thực hiện hai chức năng, vừa quản lý Nhà nước về dự trữ, vừa quản lý trực tiếp hàng hóa dự trữ quốc gia. Đối với mặt hàng xăng dầu, Trung Quốc hiện có kho dự trữ lên tới 20 triệu tấn. Như vậy, tính trực tiếp và tính hệ thống là nguyên tắc cơ bản trong việc tổ chức quản lý dự trữ quốc gia về xăng dầu của Trung Quốc.

Tại Indonesia, xăng dầu là mặt hàng có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn và giữ vai trò quan trọng đối với sản xuất của các ngành khác trong nền kinh tế, nên mặt hàng này sẽ được chính phủ quy định bằng sắc lệnh của tổng thống. Indonesia thường có chính sách trợ giá rất nhiều đối với mặt hàng xăng dầu.

Mức giá này sẽ được cân đối để tương đương với giá xăng dầu của các nước trong khu vực, sau đó tùy tình hình mà tăng hay giảm giá kết hợp với biện pháp trợ giá, trợ cấp cho người dân để bù đắp khó khăn.

Hay Malaysia, Chính phủ nước này chủ trương chỉ chiếm lĩnh thị trường bán lẻ trong nước ở mức 30%, còn lại cho các hãng nước ngoài vào kinh doanh. Trên thị trường Malaysia hiện có các hãng xăng dầu nước ngoài như Shell, Esso, BP, Mobil, Caltex chiếm lĩnh khoảng 70% thị phần bán lẻ. Tuy nhiên, về mảng thăm dò tìm kiếm và khai thác dầu khí, chỉ doanh nghiệp quốc hữu Petronas của Malaysia được độc quyền.

Hiện nay, Chính phủ Malaysia đang thực hiện kiểm soát giá bán lẻ xăng dầu đối với xăng, diesel thông qua cơ chế “giá tự động”. Giá bán lẻ xăng và dầu diesel được xác định như sau: Giá bán lẻ = Giá thành sản phẩm + Chi phí phân phối + Chi phí vận chuyển + Hoa hồng đại lý + Lợi nhuận công ty + Thuế

Malaysia là nước xuất khẩu dầu thô và đã lập quỹ bù giá bằng cách lấy lãi từ hoạt động xuất khẩu dầu thô để bù lỗ cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhập khẩu khi giá dầu trên thị trường thế giới tăng đột biến. Trước tình hình giá dầu thế giới lên cao, để hạn chế những tác động tiêu cực, Malaysia áp dụng biện pháp điều chỉnh tăng giá kết hợp với trợ giá nhiên liệu ở mực độ nhất định.

Bài học nào cho Việt Nam?

Từ việc nghiên cứu kinh nghiệm chính sách quản lý nhà nước đối với kinh doanh xăng dầu của một số nước, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương nhận định, Chính phủ các nước thường can thiệp ít nhiều vào thị trường xăng dầu, mức độ và phạm vi can thiệp tùy thuộc vào tầm quan trọng của xăng dầu đối với nền kinh tế, vào sự phát triển kinh tế và các mục tiêu theo đuổi.

Theo đó, về sự can thiệp của Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu: Chính phủ các nước rất chú trọng và quản lý chặt chẽ, thống nhất các hoạt động kinh doanh xăng dầu cả với công ty trong nước cũng như các công ty nước ngoài, bảo đảm một môi trường kinh doanh bình đẳng và có trật tự theo luật pháp của mỗi nước. Các nước kiểm soát việc kinh doanh xăng dầu bằng nhiều chính sách, như: Quản lý quyền kinh doanh, chính sách thuế, chính sách giá cũng như quy định mức lợi nhuận hợp lý cho kinh doanh xăng dầu.

Chính sách thuế, các quốc gia đều áp dụng thuế suất ổn định và tương đối thấp đối với các sản phẩm xăng dầu. Chính phủ các nước đều can thiệp vào giá cả xăng dầu bằng nhiều hình thức và biện pháp điều tiết, khống chế khác nhau.

Cùng đó, thị trường xăng dầu của hầu hết các nước đều hoạt động theo hướng mở rộng cạnh tranh quốc tế, cho phép nhiều công ty xăng dầu quốc tế vào cạnh tranh kinh doanh cả trong khâu bán buôn và bán lẻ trên thị trường nội địa. Ngành dầu khí của hầu hết các nước đều được tổ chức dưới hình thức các công ty tổng hợp đảm nhiệm tất cả các khâu trong lĩnh vực công nghiệp dầu khí từ thăm dò, khai thác, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm cũng như tất cả các ngành công nghiệp và dịch vụ thuộc lĩnh vực dầu khí. Các công ty hoạt động trong lĩnh vực dầu khí của nhiều nước hình thành dưới hình thức các công ty cổ phần, trong đó Nhà nước nắm tỷ lệ khống chế đặc biệt và ở những khâu quan trọng nhất của lĩnh vực dầu khí. Nhiều nước trên thế giới đã tập trung xây dựng những hãng xăng dầu mạnh mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế.

Các nước đều ban hành chính sách dự trữ xăng dầu của quốc gia, quan tâm đến việc tạo dựng một lực lượng dự trữ quốc gia về xăng dầu cho sản xuất và đời sống, sẵn sàng đối phó với những bất trắc xảy ra.

Từ những bài học thực tiễn trên, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương cho rằng, trong quản lý kinh doanh mặt hàng này, Việt Nam có thể đưa ra những chính sách hiệu quả và hợp lý phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế nhằm quản lý tốt hoạt động kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp trên thị trường.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng thiếu hụt xăng dầu tại Việt Nam là giá bán lẻ xăng quá thấp, chiết khấu lại không được bao nhiêu, nên nhiều thương nhân kinh doanh xăng dầu phải chịu cảnh thua lỗ, không có tiền để nhập hàng. Và để giải quyết tình trạng khan hiếm xăng dầu cục bộ, Nhà nước cần điều chỉnh lại giá cơ sở xăng dầu sát với biến động của giá thị trường thế giới. Ngoài ra, để ràng buộc trách nhiệm giữa đầu mối và hệ thống phân phối cơ quan Nhà nước phải khống chế lại quyền của thương nhân, không được ký hợp đồng tràn lan và chỉ được ký tối đa 2 doanh nghiệp đầu mối.

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quan-ly-hoat-dong-kinh-doanh-xang-dau-kinh-nghiem-quoc-te-va-bai-hoc-cho-viet-nam-350200.html