Quản lý quảng cáo trên môi trường mạng

Theo chương trình làm việc tại phiên họp thứ 37, sáng nay, 24.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Một trong những điểm mới của dự thảo Luật đó là bổ sung quy định về quảng cáo trên mạng. Việc lấp khoảng trống pháp lý này là rất cần thiết, kịp thời điều chỉnh những vấn đề đã và đang phát sinh trong thực tiễn về quảng cáo diễn ra khá sôi động trên môi trường mạng hiện nay.

Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi và cả sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi… Thông qua hoạt động quảng cáo sẽ giúp cho công chúng hiểu hơn về doanh nghiệp, sản phẩm của doanh nghiệp. Đây cũng là “kênh” thông tin khá hữu ích để khách hàng lựa chọn khi mua sản phẩm.

Cùng với sự phát triển của công nghệ, hoạt động quảng cáo ngày càng trở nên đa dạng. Bên cạnh sự tích cực của hoạt động quảng cáo mang lại, thời gian qua, nhiều đối tượng đã lợi dụng sự phổ biến và thông dụng của các phương tiện quảng cáo, xuất hiện nhiều người dùng mạng xã hội, trong đó có những nghệ sĩ nổi tiếng giới thiệu, mời chào, quảng cáo cho các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng, gây bức xúc cho đông đảo người tiêu dùng. Không ít người đã trở thành nạn nhân, bỏ tiền thật, mua phải sản phẩm kém chất lượng chỉ vì những quảng cáo “lấy được” của những người thiếu trách nhiệm này.

Hiện nay Luật Quảng cáo chỉ đề cập đến quy định quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, thiếu các quy định về quảng cáo trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức khác và cũng như chưa có quy định về quảng cáo trên mạng xã hội. Luật Quảng cáo năm 2012 hiện đang có một khoảng trống trách nhiệm đối với những người quảng cáo sản phẩm không đúng chất lượng. Luật hiện hành không quy định quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo mà chủ yếu tập trung vào trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, do đó, chưa có chế tài hoặc ràng buộc đối với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo trong trường hợp nội dung quảng cáo là không đúng sự thật hoặc yêu cầu người chuyển tải sản phẩm quảng cáo phải là người đã tìm hiểu, sử dụng sản phẩm đó và có trách nhiệm về các nội dung mình cung cấp.

Để lấp khoảng trống pháp lý này, dự thảo Luật đã quy định về yêu cầu đối với hoạt động quảng cáo trên mạng; trách nhiệm của người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo ở trong nước và ngoài nước; hoạt động quảng cáo trên mạng do các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam như: quảng cáo trên mạng phải có dấu hiệu nhận diện bằng từ ngữ, ký hiệu hoặc các hình thức tương tự để phân biệt giữa thông tin quảng cáo với các thông tin khác không phải quảng cáo…

Ngoài ra, để tránh gây hiểu nhầm về sản phẩm, dự thảo Luật cũng quy định, người sử dụng mạng xã hội phải đưa ra tuyên bố hoặc sử dụng tính năng được mạng xã hội cung cấp để phân biệt nội dung, thông tin chia sẻ, đăng tải thông thường với nội dung, thông tin có mục đích quảng cáo hoặc được tài trợ.

Trong điều kiện thị trường quảng cáo trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng, việc quảng cáo trên các phương tiện truyền thống như quảng cáo ngoài trời, quảng cáo trên báo chí sang quảng cáo trên mạng đang dần trở thành một xu thế tất yếu, thì việc dự thảo Luật bổ sung quy định cụ thể những yêu cầu mà hoạt động quảng cáo trên mạng và người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, người phát hành quảng cáo ở trong nước và ngoài nước tham gia hoạt động quảng cáo trên mạng phải tuân thủ là điều rất cần thiết, để khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý hoạt động quảng cáo trên mạng thời gian qua.

Tuy nhiên, liên quan đến quản lý hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, ngoài cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo, còn có trách nhiệm của các cơ quan như: cơ quan quản lý hệ thống mạng, an ninh mạng… Do đó, cần quy định cụ thể vai trò, trách nhiệm của các cơ quan này trong dự thảo Luật.

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng quy định, người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, người phát hành quảng cáo ở trong nước và ngoài nước tham gia hoạt động quảng cáo trên mạng “không quảng cáo trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng vi phạm pháp luật Việt Nam”. Đây là một quy định còn rất chung chung. Do đó, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu quy định cụ thể vi phạm pháp luật Việt Nam cụ thể trong lĩnh vực nào? Cùng với đó là cơ chế, cách thức để nhận biết các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng vi phạm pháp luật. Chỉ khi luật quy định cụ thể thì mới dễ thực hiện, sớm đi vào cuộc sống.

Lê Hùng

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quan-ly-quang-cao-tren-moi-truong-mang-post391206.html