Quản lý, sử dụng đất nông nghiệp công ích: Cần sớm có cơ chế tháo gỡ khó khăn
Đất nông nghiệp công ích là diện tích đất được trích ra từ quỹ đất nông nghiệp (khoảng 5-15%), do UBND cấp xã quản lý. Thời gian qua, tại nhiều địa phương, việc quản lý, sử dụng loại đất này bộc lộ không ít bất cập, như: Quỹ đất công ích cho thuê quá thời hạn quy định; bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích; việc đấu giá quyền thuê/thầu đất gặp nhiều khó khăn… Do đó, các địa phương kiến nghị thành phố Hà Nội sớm có cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc cho việc sử dụng loại đất này.
Vướng mắc đủ đường
Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quốc Oai Lê Quang Mạnh cho biết, theo quy định tại Luật Đất đai, các xã không được giao cho thuê đất nông nghiệp, mà phải tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Với thửa đất lớn, việc đấu giá có thể thuận lợi. Với thửa đất nông nghiệp công ích nhỏ lẻ, xen kẽ, khó canh tác thì việc đấu giá quyền sử dụng đất gặp nhiều khó khăn.
Về vấn đề này, theo Chủ tịch UBND xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) Nguyễn Tiến Dũng, do chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, nguy cơ bỏ ruộng hoang nhiều nên việc đấu giá quyền sử dụng các thửa đất nông nghiệp công ích rất khó. Nếu như xã giao khoán cho các hộ liền kề có nhu cầu thì vi phạm quy định, còn tổ chức đấu giá thì thu không đủ bù chi phí hồ sơ. Chưa kể quỹ đất này chỉ cho sử dụng trong 5 năm nên các nhà đầu tư không mấy mặn mà...
Chủ tịch UBND xã Thuần Mỹ (huyện Ba Vì) Nguyễn Văn Diên cho hay, qua rà soát, xã Thuần Mỹ có 10 thửa đất nông nghiệp công ích, diện tích từ 3.000m2 trở lên, sẽ được đấu giá nhưng đang vướng chi phí về hồ sơ, thủ tục, tư vấn, đo đạc… Muốn đấu giá phải có mặt bằng sạch, trong khi đó, nhiều thửa khó thanh lý tài sản trên đất.
Ngoài khó khăn về đấu giá quyền sử dụng, nhiều nơi còn xảy ra tình trạng lấn chiếm, sử dụng sai mục đích đất nông nghiệp công ích, cho mượn đất hoặc bỏ hoang, nhất là ở những địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh, sản xuất nông nghiệp không phải là lợi thế. Cụ thể, thị xã Sơn Tây có tổng diện tích đất nông nghiệp công ích là 364,771ha tại 13 xã, phường với hơn 4.150 thửa đất, chiếm khoảng 6,8% đất nông nghiệp. Đến nay, 232,076ha đã thanh lý hợp đồng nhưng chưa bàn giao mặt bằng (do vướng về thanh lý tài sản sau hết hạn hợp đồng hoặc bị các hộ dân đang xâm canh và không thực hiện nghĩa vụ tài chính). Nhiều trường hợp sử dụng sai mục đích, làm bến bãi, kinh doanh mặt bằng, xây dựng nhà ở, kho xưởng, cơ sở kinh doanh dịch vụ...
Tại quận Hà Đông, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Nguyễn Văn Trường cho biết, công tác quản lý đất đai nói chung và công tác quản lý đất nông nghiệp công ích tại địa phương gặp nhiều khó khăn bởi vi phạm trong quản lý sử dụng đất xảy ra tại một số xã qua các thời kỳ sáp nhập từ huyện về quận. Đến nay, Hà Đông mới xử lý được 2/209 trường hợp vi phạm theo các kết luận thanh tra trước năm 2021.
Gỡ từ thủ tục, tăng cường giám sát
Qua thực tế đấu giá quyền sử dụng đất nông nghiệp, các địa phương cho rằng, việc giao lại việc quản lý, đấu giá quyền sử dụng đất nông nghiệp công ích cho cấp xã là hợp lý. Tuy nhiên, đối với những thửa đất xen kẹt, không có đường vào… thì nên giao cho đối tượng đang sử dụng hiệu quả hoặc hộ liền kề thửa đất có nhu cầu.
Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ba Vì Nguyễn Thị Nam cho rằng, quản lý đất nông nghiệp công ích là câu chuyện mang tính lịch sử dài, có thời điểm giao huyện, có thời điểm trả về xã đấu giá và quản lý. Do đó, với trường hợp đặc biệt như xen kẹt, nhỏ lẻ, vướng về mặt bằng, thanh lý tài sản… nên để các xã lấy căn cứ giá đấu giá thành công các thửa đất khác để định giá, giao lại cho hộ cá nhân, đơn vị sử dụng hiệu quả và đã thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ tài chính trong quá trình thuê/thầu trước đó.
Tại huyện Ứng Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Định cho rằng: Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp công ích, cần cho phép các hợp tác xã, tổ chức được thuê đất, đồng thời kéo dài thời hạn cho thuê để họ mạnh dạn đầu tư phát triển. Thực tế, sản xuất nông nghiệp theo quy mô nhỏ, lẻ hộ gia đình, cá nhân chưa hiệu quả; nhiều trường hợp không sản xuất khiến đất nông nghiệp hoang hóa... nên cần được tích tụ, hình thành sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.
Theo đề xuất của Chủ tịch HĐND thị xã Sơn Tây Nguyễn Quang Hán, muốn sử dụng đất nông nghiệp công ích hiệu quả, UBND xã, phường cần thực hiện rà soát, kiểm kê thực địa và hồ sơ địa chính; thống kê, thiết lập hồ sơ, có biện pháp quản lý, phương án khai thác, sử dụng hiệu quả đối với diện tích đất nông nghiệp công ích theo quy định; công khai đến từng thửa đất, từng vị trí đất công ích để nhân dân biết và giám sát.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch HĐND huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Hằng nêu: Qua giám sát thực tế tại các xã, huyện chỉ đạo các địa phương, đơn vị chuyên môn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai và quy định về thẩm quyền giao thầu, sử dụng đất nông nghiệp công ích tới toàn thể cán bộ cấp thôn và người dân; yêu cầu các địa phương thường xuyên cập nhật biến động của thửa đất công, đất công ích vào hồ sơ số hóa đất công. Đi đôi với hoàn thiện hồ sơ xin phê duyệt giá khởi điểm, tổ chức đấu giá cho thuê đất sản xuất nông nghiệp theo quy định cũng cần quan tâm tới công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, phản ánh của công dân, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân.