Quản lý thị trường Tiền Giang thực hiện hơn 2200 lượt kiểm tra trong năm 2019

Với quyết tâm cao, sự nhạy bén, chủ động, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tinh thần, trách nhiệm trong thực thi công vụ; tập thể Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Tiền Giang đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao trong năm 2019, các mặt công tác đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Nằm ở vùng kinh tế trọng điểm phía nam, cửa ngõ kết nối giữa đồng bằng sông Cửu Long với thành phố Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ, với số lượng gần 56 nghìn tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, Tiền Giang sớm trở thành một tỉnh có nền kinh tế phát triển hàng đầu trong khu vực miền Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, đi cùng với đó là nguy cơ về gian lận thương mại, hàng giả hàng nhái cũng tăng cao.

Trao đổi về vấn đề này, ông Đỗ Văn Phước – Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Tiền Giang cho biết, địa bàn Tiền Giang có tuyến biển phía Đông dài 32km, cửa ngõ để các đối tượng buôn lậu đưa hàng hóa nhập lậu với các mặt hàng chủ yếu là xăng, dầu, phân bón vào các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ. Tuyến sông Tiền một nhánh của sông Mê Kông, với chiều dài 120km tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng buôn lậu vận chuyển hàng hóa nhập lậu từ biên giới Tây Nam thuộc tỉnh An Giang như: đường cát, hàng điện tử, mỹ phẩm, rượu, quần áo cũ... tập kết hàng hóa tại các huyện trên tuyến sông Tiền thuộc địa bàn tỉnh Tiền Giang để vận chuyển đi thành phố Hồ Chi Minh, các tỉnh miền Đông Nam bộ tiêu thụ.

Về thị trường nội địa, Tiền Giang cũng là địa bàn trung chuyển hàng hóa giữa các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại, từ đó các hành vi vi phạm trên các lĩnh vực như gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ, không đảm bảo chất lượng... trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đều có xảy ra.

Chính vì thế, Cục QLTT tỉnh Tiền Giang luôn xác định công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là một nhiệm vụ quan trọng, khó khăn, lâu dài trong việc bảo vệ quyền lợi của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển kinh tế tỉnh nhà.

Thống kê của Cục QLTT Tiền Giang năm 2019 cho thấy, lực lượng QLTT tỉnh đã thực hiện thanh tra, kiểm tra hơn 2200 vụ, phát hiện vi phạm và xử lý gần 500 vụ chủ yếu qua kiểm tra đột xuất, chiếm gần 21% so với số vụ kiểm tra. Qua đó, thu nộp ngân sách nhà nước số tiền hơn 3,2 tỷ đồng, đạt 107,6% so với chỉ tiêu đề ra.

Ông Đỗ Văn Phước – Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Tiền Giang

Ông Đỗ Văn Phước – Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Tiền Giang

Lực lượng cũng đã tịch thu hơn 9,5 nghìn bao thuốc lá điếu nhập lậu, tịch thu và tiêu hủy gần 1,3 nghìn sản phẩm như đồng hồ đeo tay giả mạo nhãn hiệu, đồ chơi trẻ em, mỹ phẩm, phân bón nhập lậu, với tổng trị giá hơn 57 triệu đồng.

 Cục QLTT Tiền Giang phối hợp với các cơ quan chức năng tiêu hủy hơn 1200 sản phẩm hàng hóa vi phạm trong năm 2019

Cục QLTT Tiền Giang phối hợp với các cơ quan chức năng tiêu hủy hơn 1200 sản phẩm hàng hóa vi phạm trong năm 2019

Cục QLTT tỉnh Tiền Giang luôn quan tâm đến công tác đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm; kịp thời có mặt, thường xuyên thực hiện công tác giám sát chất lượng an toàn thực phẩm tại các chợ; test nhanh hơn 2,5 nghìn mẫu thực phẩm, trong đó có 32 mẫu chả lụa, chả chay, chả cá, mì sợi tươi... có phản ứng dương tính với hàn the; thực hiện ký cam không vi phạm với cơ sở buôn bán kinh doanh và có kiểm tra, giám sát các trường hợp này.

Song song với đó, lực lượng đã tích cực tham gia hỗ trợ các ngành chức năng trong công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, phân công hơn 2,1 nghìn lượt công chức tham gia trực tại 09/09 chốt kiểm dịch trong 185 ngày, kiểm soát gần 13 nghìn lượt phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật và phun thuốc khử trùng.

Thông qua hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật với gần 19 nghìn lượt trên phương tiện báo, đài, trực tiếp kết hợp công tác kiểm tra thị trường, hội nghị tuyên truyền trực tiếp, tờ gấp, áp phích… đã giúp các tổ chức, cá nhân và người tiêu dùng nâng cao ý thức cảnh giác, tuân thủ quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và thận trọng khi mua, sử dụng hàng hóa.

Ngoài công tác nhiệm vụ chuyên môn, trong năm 2019, Cục QLTT Tiền Giang đã tập trung thực hiện hiệu quả 06 nhiệm vụ trọng tâm về ổn định – kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, xây dựng, hoàn thiện hạ tầng pháp lý, đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường, ứng dụng công nghệ thông tin và công tác thông tin – truyền thông. Trong đó, xác định việc ổn định tổ chức, xây dựng lực lượng là nhiệm vụ xuyên suốt, quan trọng nhằm duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của đơn vị.

Có thể nói, với quyết tâm cao, sự nhạy bén, chủ động, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tinh thần, trách nhiệm trong thực thi công vụ; tập thể Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Tiền Giang đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao trong năm 2019, các mặt công tác đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.

"Trong thời gian tới, lực lượng sẽ tăng cường hơn nữa công tác thông tin và tuyên truyền, đảm bảo có chiều sâu; thường xuyên và thực hiện hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng QLTT, tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường có trọng tâm, trọng điểm; tập trung các lĩnh vực, mặt hàng nổi cộm, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người dân, đẩy mạnh công tác giám sát chất lượng an toàn thực phẩm, nhất là thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020" - ông Phước khẳng định.

Ông Lê Văn Nghĩa - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Tiền Giang (Ban Chỉ đạo 389 Tiền Giang) đánh giá, lực lượng QLTT là một trong những ngành có nhiều đóng góp trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh; góp phần tạo sự ổn định thị trường, giúp người dân yên tâm sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.

Thu Hà

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quan-ly-thi-truong-tien-giang-thuc-hien-hon-2200-luot-kiem-tra-trong-nam-2019-130958.html