Quân sự thế giới hôm nay (26-10): Tàu hộ vệ Gremyashchiy của Nga phóng tên lửa hành trình tàng hình Kalibr
Quân sự thế giới hôm nay (26-10-2024) có những nội dung sau: Raytheon tiếp tục sản xuất tên lửa chống tăng TOW cho quân đội Mỹ, Phần Lan mua thêm tên lửa AARGM-ER, tàu hộ vệ Gremyashchiy của Nga phóng thành công tên lửa hành trình tàng hình Kalibr.
* Raytheon tiếp tục sản xuất tên lửa chống tăng TOW cho quân đội Mỹ
Raytheon, công ty con của RTX, đã ký được hợp đồng tiếp tục sản xuất hệ thống vũ khí chống tăng TOW cho quân đội Mỹ trị giá 676 triệu USD.
Theo đó, Raytheon không chỉ duy trì dây chuyền sản xuất mà còn nâng cao khả năng của tên lửa chống tăng TOW để đáp ứng nhu cầu chiến trường đang thay đổi. Những cải tiến gần đây như ngòi nổ hiện đại hóa và công nghệ phát hiện mục tiêu tiên tiến đã được thử nghiệm thành công với biến thể TOW 2B mới nhất. Những nâng cấp này giúp củng cố hiệu quả của tên lửa trong tác chiến đô thị và chống lại nhiều loại mục tiêu của đối phương. Raytheon cam kết có thể sản xuất tới 10.000 tên lửa TOW mỗi năm, đảm bảo bổ sung nhanh chóng kho dự trữ cho cả lực lượng trong nước và đồng minh.
TOW 2B được nâng cấp đáng kể so với các phiên bản tiền nhiệm của hệ thống tên lửa chống tăng TOW, đặc biệt là cách tấn công các mục tiêu bọc thép. Các biến thể trước đó, như TOW 2A, chủ yếu hoạt động dựa vào chế độ tấn công trực tiếp, tấn công vào vị trí có lớp giáp dày nhất như bên hông hoặc mặt trước của phương tiện đối phương. TOW 2B được lập trình tấn công đột nóc, nhằm vào các điểm dễ bị tổn thương nhất của xe tăng hoặc các phương tiện bọc thép. Khả năng này được hỗ trợ bởi cảm biến tiên tiến và cơ chế ngòi nổ phát hiện thời điểm tối ưu để tấn công mục tiêu.
Ngoài ra, thiết kế đầu đạn kép của TOW 2B cũng cải thiện hiệu quả chống lại giáp phản ứng nổ, mang lại khả năng xuyên phá và sát thương vượt trội so với các mẫu trước đó. Điều này khiến TOW 2B đặc biệt có giá trị trong việc chống tăng và xe bọc thép hiện đại.
Tên lửa TOW đã được sử dụng rộng rãi kể từ khi ra đời, với hơn 700.000 hệ thống được chuyển giao cho các lực lượng của Mỹ và các quốc gia khác. Một trong những điểm mạnh của TOW là khả năng tương thích với nhiều nền tảng, bao gồm xe có người lái và không người lái. Cụ thể, TOW có thể được tích hợp vào xe bọc thép bánh hơi đa năng cơ động cao, xe Stryker, xe chiến đấu Bradley và nhiều loại xe bọc thép hạng nhẹ cho các tình huống chiến đấu khác nhau.
Hợp đồng trị giá 676 triệu USD tiếp tục sản xuất hệ thống vũ khí TOW của Raytheon nhấn mạnh tầm quan trọng của tên lửa chống tăng này trong chiến tranh hiện đại. Bên cạnh đó, nó cũng nhấn mạnh cam kết liên tục của lục quân Mỹ trong việc duy trì khả năng phòng thủ tiên tiến trong môi trường an ninh toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng.
* Phần Lan mua tên lửa AARGM-ER
Bộ Quốc phòng Phần Lan mới đây đã nhất trí mua tới 150 tên lửa AARGM-ER (tên lửa dẫn đường chống bức xạ tiên tiến - tầm bắn mở rộng) để tăng cường sức mạnh cho máy bay chiến đấu đa năng F-35A trong tương lai của nước này. Những tên lửa này nhằm mục đích cải thiện khả năng sống sót của máy bay khi hoạt động dưới sự đe dọa của các hệ thống phòng không tầm xa.
Được phát triển bởi Northrop Grumman từ năm 2016, AARGM-ER đã trải qua nhiều lần thử nghiệm và bắt đầu sản xuất vào năm 2021. Tên lửa có trọng lượng 467kg, chiều dài 4,06m, có tầm bắn lên tới 250km, có khả năng chế áp và phá hủy hệ thống phòng không của đối phương bằng cách nhắm vào các hệ thống radar nhờ công nghệ dò tìm radar tiên tiến. Bên cạnh đó, tầm bắn của tên lửa này cũng được cải thiện đáng kể so với các mẫu tiền nhiệm nhờ mang động cơ nhiên liệu rắn. Tên lửa vẫn giữ nguyên đầu đạn và hệ thống dẫn đường từ các mẫu trước, được thiết kế để vừa với khoang vũ khí bên trong của máy bay chiến đấu F-35A và F-35C.
Việc mua tên lửa AARGM-ER nằm trong nỗ lực hiện đại hóa quốc phòng của Phần Lan, cụ thể là gói mua sắm máy bay chiến đấu F-35A. Theo chương trình này, Phần Lan đã đặt hàng 64 máy bay chiến đấu F-35A để thay thế máy bay F/A-18 Hornets. Việc giao hàng F-35A dự kiến bắt đầu vào năm 2026.
* Tàu hộ vệ Gremyashchiy của Nga phóng thành công tên lửa hành trình tàng hình Kalibr
Bộ Quốc phòng Nga mới đây đã công bố đoạn phim cho thấy tàu hộ vệ Gremyashchiy của Hạm đội Thái Bình Dương phóng thành công tên lửa hành trình tàng hình Kalibr. Theo đó, tên lửa đã bắn trúng mục tiêu và bay được quãng đường khoảng 1.300km, chứng minh tầm bắn ấn tượng và khả năng chính xác của tên lửa này.
Kalibr là tên lửa hành trình tàng hình tầm xa được thiết kế để tấn công các mục tiêu trên bộ, trên biển và dưới nước với độ chính xác cao. Tên lửa có thể mang theo cả đầu đạn thông thường và đầu đạn hạt nhân, với tầm bắn có thể lên tới 2.500km, tùy thuộc vào biến thể. Tên lửa này được biết đến với đặc tính tàng hình và khả năng bay ở độ cao thấp, giúp nó khó bị phát hiện và đánh chặn. Kalibr đã trở thành một vũ khí chủ chốt trong kho vũ khí tấn công của Hải quân Nga và có thể được triển khai trên nhiều nền tảng khác nhau, bao gồm tàu mặt nước, tàu ngầm và hệ thống phòng thủ bờ biển.
Tính đến năm 2024, nhiều tàu chiến của Hải quân Nga đã có thể phóng tên lửa hành trình tàng hình Kalibr, trong đó có các tàu lớp Đô đốc Grigorovich, được trang bị hệ thống phóng thẳng đứng. Được trang bị nhiều hệ thống vũ khí hiện đại, các tàu lớp Đô đốc Gorshkov đóng vai trò là nền tảng đa năng cho các hoạt động phòng không, chống hạm và tấn công trên bộ. Ngoài ra, tàu lớp Buyan-M và lớp Karakurt cũng có khả năng phóng tên lửa Kalibr.
Đối với tàu ngầm, đã có hơn 10 tàu ngầm lớp Kilo của Nga được trang bị tên lửa này. Tàu ngầm hạt nhân lớp Yasen, tàu ngầm tấn công tiên tiến nhất của Nga, cũng đã được biên chế tên lửa Kalibr.
TRẦN HOÀI (tổng hợp)
* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.