Quan tâm chăm sóc, điều trị cho trẻ bại não

Bại não là tình trạng bệnh lý gây nên bởi tổn thương não bộ không tiến triển theo thời gian, do các nguyên nhân trước, trong và sau sinh cho đến dưới 5 tuổi. Bại não gây ra tình trạng tàn tật về vận động, tinh thần, giác quan và hành vi.... để lại hậu quả nặng nề cho chính bản thân trẻ em, gia đình và còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế- xã hội. Do vậy, bệnh bại não cần được phát hiện sớm, can thiệp sớm, kịp thời để hạn chế những di chứng.

Chăm sóc trẻ mắc bại não tại Bệnh viện phục hồi chức năng tỉnh Ninh Bình.

Chăm sóc trẻ mắc bại não tại Bệnh viện phục hồi chức năng tỉnh Ninh Bình.

Tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Ninh Bình đã và đang điều trị nhiều trẻ em mắc bại não, với các phương pháp: Điện trị liệu, vận động trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, châm cứu,...Với sự phối hợp trong chăm sóc và điều trị, theo thời gian, nhiều trẻ được điều trị tại đây có kết quả khá tốt, qua đó giúp trẻ sinh hoạt độc lập, tự phục vụ bản thân, sớm hòa nhập cộng đồng.

Hơn 1 năm cùng con điều trị bệnh, chị Đinh Thị H., xã Đông Sơn (thành phố Tam Điệp) vui mừng, phấn khởi khi con được cải thiện đáng kể về sức khỏe và trí tuệ. Theo chị H., con chị đến 9 tháng tuổi vẫn không biết lẫy, biết bò, cho đi khám thì được chẩn đoán bị bại não. Từ đứa bé không biết lẫy, biết bò, lưng yếu, cổ rủ không ngồi được, sau một thời gian được các bác sĩ hướng dẫn tập luyện, phục hồi chức năng, hiện cháu đã ngồi vững, bò nhanh, tự đứng vịn lên được và bập bẹ gọi được mẹ, bố...

Chị H. cho biết, chị sẽ kiên trì tập luyện cho con đến khi nào vẫn còn khả năng về điều kiện sức khỏe và kinh tế, với mong muốn con có thể độc lập tự phục vụ được những nhu cầu tối thiểu của cá nhân trong cuộc sống.

Biết là hành trình điều trị bệnh vất vả, tốn kém, nhưng gia đình anh Trần Văn T., xã Văn Phong (huyện Nho Quan) luôn cố gắng dành sự ưu tiên đặc biệt cho đứa con thứ 2 với suy nghĩ "còn nước, còn tát". Anh T. cho biết, con trai anh đến 6 tháng tuổi vẫn không biết lật, cổ luôn co cứng, lưng yếu... Sau 2 năm kiên trì điều trị tại bệnh viện, được các bác sĩ và kỹ thuật viên điều trị bằng thuốc và tập luyện vận động, cháu đã có những tiến bộ rõ rệt. Hiện con trai anh T. đã bò được, ngồi vững, cổ cất lên cứng cáp và cử động linh hoạt, tay đã cầm nắm được, chân bước đi chập chững và có thể dắt đi được nhiều bước... Trước sự tiến bộ của con, gia đình anh T. cảm thấy rất vui và yên tâm tiếp tục cho con điều trị, tin tưởng sau này con có thể chủ động, tự chăm sóc được cho bản thân.

Điều dưỡng Lê Thị Vân, Phó phòng Kế hoạch-Điều dưỡng, Bệnh viện phục hồi chức năng tỉnh Ninh Bình cho biết: Hiện nay, vẫn còn một phần tỷ lệ trẻ sinh ra mắc chứng bại não. Bại não là một trạng thái rối loạn thần kinh trung ương không tiến triển, gây nên do tổn thương não. Theo nghiên cứu, mỗi trẻ mắc bệnh đều do một hay nhiều nguyên nhân khác nhau trước, trong và sau khi sinh, trong đó chủ yếu là do sinh non, nhiễm rubella, đa thai, có sự can thiệp trong lúc sinh...

Tại Bệnh viện phục hồi chức năng tỉnh Ninh Bình thường xuyên điều trị cho 30-40 trẻ mắc bệnh bại não ở trong và ngoài tỉnh. Việc tập phục hồi chức năng cho trẻ mắc bệnh này nên bắt đầu càng sớm càng tốt, trong đó 3 năm đầu đời chính là khoảng thời gian vàng phục hồi chức năng cho trẻ. Từ đó sẽ tránh được các biến dạng co rút cơ, khớp và giúp trẻ phát triển các kỹ năng vận động sớm.

Bệnh bại não khó có thể chữa khỏi hoàn toàn, tuy nhiên các triệu chứng và các khuyết tật có thể được giảm bớt bằng phương pháp vật lý trị liệu. Khi điều trị cho bệnh nhân bại não, các y, bác sỹ, kĩ thuật viên được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm và tận tâm với nghề, bệnh nhân được hướng dẫn tỉ mỉ từng phương pháp tập, hỗ trợ vận động kết hợp cùng gia đình. Đồng thời, các nhân viên y tế cũng động viên gia đình, việc tập vật lý trị liệu cho trẻ bại não phải kiên trì, lâu dài, chứ không thể một sớm một chiều là cải thiện được.

Để điều trị hiệu quả cho các bệnh nhân mắc bệnh này, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Ninh Bình đã đầu tư trang thiết bị và triển khai nhiều liệu pháp giúp phục hồi chức năng giúp trẻ. Như phục hồi các chức năng vận động ngồi, tập, vịn, đi men, tập đi (gọi là hỗ trợ điều trị liệt), hạn chế khiếm khuyết, khuyết tật, phục hồi chức năng nghe, nói, giao tiếp, cải thiện và tăng cường trí nhớ.

Đặc biệt, căn cứ vào tình trạng bệnh, sức khỏe của mỗi trẻ mà các y bác sĩ, kỹ thuật viên có bài tập riêng cho từng đối tượng để đảm bảo hiệu quả. Hơn nữa, trong quá trình tập vận động, các y bác sĩ và kỹ thuật viên cũng hướng dẫn cho người nhà hiểu thêm về bệnh, nắm được các kiến thức cơ bản về kỹ năng thực hành, đồng hành cùng bệnh viện kiên trì tập luyện, vận động cho trẻ nhanh phục hồi, giảm sự lệ thuộc của trẻ vào người khác, giúp trẻ hòa nhập cộng đồng, có cuộc sống tốt hơn.

Cũng theo điều dưỡng Lê Thị Vân, có nhiều biện pháp phòng bệnh bại não trước sinh. Bà mẹ cần được theo dõi và quản lý thai nghén chặt chẽ; xét nghiệm yếu tố Rh, dự phòng hậu quả của bất đồng nhóm máu. Các bà mẹ cần được phát hiện và điều trị các bệnh mạn tính, các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh dục-tiết niệu, tiêm phòng bệnh Rubeol trước khi mang thai. Tránh tiếp xúc tia phóng xạ, dùng thuốc và các chất kích thích trong quá trình thai nghén. Người mẹ phải khỏe mạnh trước lúc thụ thai, chăm sóc trước sinh tốt, chế độ dinh dưỡng đầy đủ để tránh đẻ non tháng, nhẹ cân, từ đó mới bảo vệ trẻ không bị các bệnh nhiễm trùng và chấn thương sọ não...

Bài, ảnh: Huy Hoàng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/quan-tam-cham-soc-dieu-tri-cho-tre-bai-nao/d20230214165755300.htm