Quan tâm nhiều hơn đến quyền lợi của người bệnh

Những năm qua, ngành Y tế Thủ đô đã có bước phát triển tích cực, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân. Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2020), Hà Nội Ngày nay đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội về đóng góp của ngành nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đáp ứng yêu cầu của người bệnh.

Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội.

- Trong những năm qua, cùng với đà phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ của Thủ đô, ngành Y tế Hà Nội cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được không ít thành tựu nổi bật. Ông có cho rằng sự phát triển của ngành Y tế Hà Nội hiện đã thực sự đáp ứng được yêu cầu chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh của người dân hay chưa?

- Nâng cao chất lượng dịch vụ, ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân... là những gì mà ngành Y tế Hà Nội luôn hướng tới. Những năm gần đây, các bệnh viện của thành phố đã phát triển nhiều kỹ thuật chuyên sâu trong chẩn đoán, điều trị, nhiều kỹ thuật ngang tầm với các bệnh viện trung ương, như: Ghép thận, sản phụ khoa, tim mạch, chẩn đoán và điều trị ung thư, phẫu thuật tạo hình, phẫu thuật thẩm mỹ, chấn thương, chỉnh hình... Các bệnh viện tiếp tục đầu tư trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh, trong đó có các trang thiết bị hiện đại như phòng mổ tích hợp, phòng mổ hybrid, robot phẫu thuật, máy tăng nhiệt điều trị ung thư... Các bệnh viện tiếp tục cải cách thủ tục hành chính và quy trình khám, chữa bệnh, thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng bệnh viện, xây dựng bệnh viện xanh - sạch - đẹp; tập trung nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh với phương châm “Lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ”... Đặc biệt, tinh thần, thái độ phục vụ của nhân viên y tế đã có chuyển biến rõ nét, quan tâm nhiều hơn đến quyền lợi của bệnh nhân cũng như giảm phiền hà cho người bệnh.

- Tuy vậy vẫn có ý kiến cho rằng mặc dù ngành Y tế Thủ đô đã có nhiều chuyển biến tích cực, song chưa đồng đều ở các tuyến. Theo ông, làm thế nào để thu hẹp khoảng cách y tế giữa các tuyến?

- Để thu hẹp khoảng cách, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế tuyến dưới, trong năm 2019, ngành Y tế Hà Nội có 96 bác sĩ thuộc 17 bệnh viện đã luân phiên đi cơ sở để hỗ trợ nhân viên y tế tuyến dưới. Đa số các đơn vị tuyến trên ban hành quyết định cử người của đơn vị đi luân phiên xuống tuyến dưới theo từng đợt, 1 - 2 tháng/đợt hoặc 1 tuần/đợt, hình thức đi liên tục hoặc 2 ngày/tuần... Nhiều bệnh viện hỗ trợ cùng lúc nhiều đơn vị, nhiều chuyên ngành khác nhau. Chẳng hạn như Bệnh viện Thanh Nhàn hỗ trợ 9 đơn vị với 8 chuyên ngành, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn hỗ trợ 5 đơn vị với 4 chuyên ngành, Bệnh viện Mắt Hà Đông hỗ trợ 9 đơn vị, Bệnh viện Mắt Hà Nội hỗ trợ 8 đơn vị, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội hỗ trợ 8 đơn vị...

Nhờ được hỗ trợ mà nhiều đơn vị tuyến dưới đã thực hiện được các kỹ thuật mới: Bệnh viện Đa khoa Đông Anh thực hiện phẫu thuật máu tụ ngoài màng cứng, phẫu thuật Phaco, cấp cứu ngừng tuần hoàn trẻ sơ sinh; Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Xuyên đã thực hiện tốt kỹ thuật phẫu thuật nội soi khớp gối, phẫu thuật nội soi niệu quản bằng laser...; Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất đã thực hiện phẫu thuật máu tụ ngoài màng cứng; Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ đã thực hiện được các kỹ thuật phẫu thuật kết hợp xương phức tạp... Điều này góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn tại các đơn vị tuyến dưới, giúp người dân địa phương được khám, chữa bệnh ở cơ sở với chất lượng tốt hơn, có thể được thực hiện một số dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại tuyến cơ sở.

Bên cạnh đó, nhằm phát huy vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu, thành phố đã triển khai mở rộng mô hình điểm trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình từ tháng 8-2019, hiện có 271/584 trạm y tế triển khai mô hình này. Tại các trạm y tế triển khai mô hình, mỗi ngày trung bình có 20 - 30 bệnh nhân đến khám, chữa bệnh, tổng số bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở đạt 1,35 triệu lượt (tăng 31,2% so với năm 2018).

Chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Tim Hà Nội. Ảnh: Bá Hoạt

- Theo ông, khối y tế dự phòng đã đáp ứng được yêu cầu chưa, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Covid-19 đang có diễn biến phức tạp?

- Trong bối cảnh dịch bệnh trong nước, trên thế giới, các nước trong khu vực có diễn biến rất phức tạp, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố vẫn được kiểm soát tốt. Hà Nội vẫn duy trì tốt hệ thống giám sát, phát hiện dịch bệnh tại cơ sở y tế cũng như tại cộng đồng. 65 đội chống dịch cơ động được trang bị đầy đủ, sẵn sàng đáp ứng nhanh, kịp thời với các trường hợp bệnh truyền nhiễm, các sự kiện y tế công cộng. Công tác xét nghiệm chống dịch đủ khả năng chẩn đoán nhanh các tác nhân gây bệnh mới trên thế giới. Ngoài ra, các chương trình mục tiêu đều đạt được yêu cầu đề ra, trên 95% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

- Không thể phủ nhận những nỗ lực của ngành Y tế Thủ đô trong thời gian qua, thế nhưng, sai sót chuyên môn, sự cố y khoa, tình trạng bớt xén vật tư y tế, sự vô cảm, tắc trách... đôi khi vẫn xảy ra làm ảnh hưởng đến y đức và khiến người bệnh cũng như dư luận không khỏi bức xúc. Ông nghĩ sao về điều đó?

- Theo tôi, những biểu hiện tiêu cực đó chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, bởi thực tế vẫn còn rất nhiều thầy thuốc tận tâm với nghề, ngày đêm chăm sóc, cứu sống bệnh nhân dù cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn, vất vả. Ngay trong thời điểm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Covid-19 xâm nhập nước ta, nhiều y, bác sĩ đã không ngại nguy hiểm vì có thể mắc bệnh bất cứ lúc nào, cố gắng hết mình tham gia phòng, chống dịch bệnh.

Với trách nhiệm của mình, Sở Y tế Hà Nội đã xây dựng và ban hành kế hoạch giám sát thực hiện quy chế chuyên môn và các hoạt động chăm sóc người bệnh trong năm 2020. Sở sẽ thành lập đoàn giám sát thực hiện quy chế chuyên môn các đơn vị định kỳ 2 lần/năm; các đơn vị cũng xây dựng kế hoạch tự kiểm tra, giám sát tại các khoa 1 lần/tuần và toàn bệnh viện 1 lần/tháng. Nội dung giám sát bao gồm kiểm tra cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc... tại khoa cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc; kiểm tra việc thực hiện hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ; kiểm tra việc xây dựng kế hoạch báo động đỏ nội viện, việc thực hiện hướng dẫn phòng ngừa sự cố y khoa; kiểm tra về an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn... Kết quả kiểm tra sẽ được Sở Y tế đưa vào nội dung xét thi đua cuối năm.

- Để xây dựng cơ sở y tế thân thiện, cán bộ y tế hết lòng vì người bệnh, cần hướng đến điều gì, thưa ông?

- Trong giai đoạn hiện nay, người thầy thuốc phải không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao kiến thức và tay nghề nhằm làm chủ thiết bị, máy móc hiện đại. Người thầy thuốc không được ỷ lại vào công nghệ, không được lạm dụng kỹ thuật cao và chỉ định xét nghiệm không cần thiết. Dù là thiết bị, máy móc hiện đại đến đâu thì cũng không thể thay thế cái mà chúng ta gọi là “nhạy cảm lâm sàng”. Chính sự tiếp xúc đối diện giữa thầy thuốc và người bệnh mang lại một tình cảm gần gũi, tin tưởng.

Nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân, thời gian tới ngành Y tế Hà Nội sẽ thực hiện nghiêm và hiệu quả việc quy định đánh giá, xếp loại chất lượng công tác hằng tháng đối với công chức, viên chức và người lao động; lấy việc đánh giá, xếp loại hằng tháng làm căn cứ đánh giá chất lượng công tác cuối năm để xét khen thưởng, động viên kịp thời và nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc của mỗi công chức, viên chức, người lao động. Cùng với đó, ngành Y tế Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung phát triển các kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu trong chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân. Đặc biệt, ngành sẽ đẩy mạnh việc quản lý và chăm sóc sức khỏe nhân dân ngay từ tuyến y tế cơ sở để người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt nhất.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Dũng Phong

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-thoai/958558/quan-tam-nhieu-hon-den-quyen-loi-cua-nguoi-benh