Quan tâm phòng trừ sâu bệnh hại lúa cuối vụ đông xuân

Vụ đông xuân năm nay toàn tỉnh gieo cấy hơn 25.500 ha lúa. Hiện tại cây lúa đang bước vào giai đoạn làm đòng - trổ bông. Đây là giai đoạn cây lúa hết sức mẫn cảm với các loại sâu bệnh hại. Để bảo vệ sản xuất vụ đông xuân, ngành nông nghiệp, các địa phương đang cùng với nông dân tập trung chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa, đảm bảo năng suất thu hoạch.

 Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân Hải Lăng cách phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa - Ảnh: L.A

Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân Hải Lăng cách phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa - Ảnh: L.A

Trao đổi với chúng tôi khi vừa đi kiểm tra đồng ruộng về, ông Nguyễn Hữu Quyết, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Văn Trị, xã Hải Phong, huyện Hải Lăng cho biết, trong tổng số gần 100 ha diện tích sản xuất lúa của HTX, đến thời điểm này đã có hơn 50% diện tích cây lúa bước vào giai đoạn trổ bông. Cùng với thời tiết thuận lợi nên cây lúa phát triển rất tốt. Để đảm bảo năng suất thu hoạch, HTX đang tập trung đôn đốc xã viên tăng cường thăm đồng, chăm sóc, bảo vệ lúa; kịp thời phát hiện các loại sâu bệnh, nhất là bệnh đạo ôn cổ bông, sâu cuốn lá nhỏ, rầy các loại… để có biện pháp phòng trừ. “Mặc dù đầu vụ gặp một số ảnh hưởng do mưa rét kéo dài nhưng nhờ chủ động tập trung tối đa nhân lực, máy móc nên thời vụ gieo cấy của HTX vẫn đảm bảo. Kết hợp với thời tiết từ sau tết Nguyên đán đến nay khá thuận lợi nên cây lúa phát triển rất tốt. Đặc biệt, với những diện tích đang trổ bông, chỉ từ 1 - 1,5 ngày sau trổ là cây lúa đã cúi ngay trong khi những vụ trước phải mất từ 3 - 4 ngày chứng tỏ hạt lúa rất nặng. Bây giờ chỉ cần cảnh giác với các đối tượng sâu bệnh để phòng trừ kịp thời là chắc chắn nông dân sẽ có một vụ mùa bội thu. Năng suất thu hoạch thấp nhất dự kiến cũng có thể đạt từ 75 - 76 tạ/ha”, ông Quyết nhận định.

Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) huyện Hải Lăng Dương Văn Tuấn thông tin, khắc phục những khó khăn do mưa rét đầu vụ, đến thời điểm này, nhìn chung gần 6.900 ha lúa đông xuân trên địa bàn huyện đang phát triển tốt. Cây lúa đang ở giai đoạn đòng - trổ, trong đó có hơn 60% diện tích đã bước vào giai đoạn trổ bông. Tuy nhiên, qua điều tra đồng ruộng đã phát hiện có gần 200 ha lúa bị nhiễm bệnh bạc lá vi khuẩn, khô vằn và đốm nâu… với mật độ phổ biến từ 10 - 15%, nơi cao lên đến 20 - 35%; tập trung chủ yếu trên các chân ruộng gieo dày, bón thừa đạm và trên các giống nhiễm như HC95, DT100… Ngoài ra, các đối tượng sâu bệnh khác như sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn lá, rầy các loại… cũng đã xuất hiện và gây hại rải rác. Dự báo các đối tượng sâu bệnh hại này có khả năng tiếp tục phát sinh và gây hại lúa từ nay đến cuối vụ, làm ảnh hưởng đến năng suất thu hoạch nếu không được phát hiện và phòng trừ kịp thời. Để giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra, theo ông Tuấn, nông dân cần thường xuyên thăm đồng để phát hiện sớm và tổ chức phòng trừ kịp thời.

Cụ thể, đối với bệnh đạo ôn cần kiểm tra kỹ trên các giống như HC95, Đài Thơm 8, DT 100, TH5, NA2, Ma Lâm 48, HT 1...; trên các chân ruộng gieo dày, bón thừa phân đạm... để chủ động phòng trừ khi bệnh mới phát sinh, tỉ lệ bệnh khoảng 5 - 10% bằng các loại thuốc như Beam, Fujione, Ninja, Fillia, Map Famy, Trizole 430sc…; sau khi phun thuốc, bệnh ngừng phát triển mới được bón phân, tăng cường bón phân kali giúp cho cây lúa có sức đề kháng với bệnh. Đối với sâu cuốn lá nhỏ cần kiểm tra cụ thể từng trà lúa, từng giống lúa, từng cánh đồng cụ thể, nhất là các trà lúa gieo muộn, ruộng có mật độ gieo dày, ruộng tốt do bón thừa phân đạm… để phòng trừ kịp thời và có hiệu quả. Đặc biệt, cần chú ý theo dõi diễn biến của rầy các loại giai đoạn trước và sau trổ, những diện tích có mật độ rầy cao từ 750 con/ m2 trở lên cần khoanh vùng phun trừ kịp thời không để lây lan. “Đây là giai đoạn cây lúa hết sức mẫn cảm với các loại sâu bệnh. Do vậy, đơn vị đang tăng cường cán bộ về tận cơ sở để cùng với nông dân trực tiếp kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ các đối tượng sâu bệnh để tổ chức phòng trừ kịp thời. Phấn đấu năng suất thu hoạch toàn huyện đạt trên 62 tạ/ha”, ông Tuấn cho biết thêm.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Hiền, vụ đông xuân năm nay toàn tỉnh gieo cấy trên 25.500 ha lúa các loại. Hiện nay, cây lúa đang phát triển tốt, dự kiến sẽ trổ bông tập trung từ ngày 10 - 20/4/2021. Tuy nhiên, qua theo dõi có thể thấy mật độ lúa trên ruộng rất dày, cây yếu, nguy cơ đổ ngã khá cao khi xảy ra gió lớn vào giai đoạn trổ đến thu hoạch. Các đối tượng sâu bệnh hại như bệnh đạo ôn, khô vằn, đốm nâu, bạc lá vi khuẩn… cũng đã phát sinh và gây hại với diện tích nhiễm gần 2.000 ha; tỉ lệ bệnh phổ biến từ 5 - 20%, nơi cao lên đến 30 - 45%. Ngoài ra, rầy các loại, sâu cuốn lá nhỏ… cũng đã phát sinh rải rác. Trong khi hiện tại đang là thời điểm giao mùa, nguy cơ xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết cực đoạn như nắng nóng, nhiệt độ cao, mưa giông kèm theo lốc xoáy, gió giật mạnh làm đổ ngã lúa đang giai đoạn trổ bông, vào chắc, chín. Đồng thời, mưa nắng xen kẽ cũng tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại trên diện rộng như bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, rầy các loại, sâu cuốn lá, nhện gié…

Theo ông Hiền, để bảo vệ thành quả sản xuất vụ đông xuân, các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn nông dân chăm sóc, bảo vệ tốt diện tích các loại cây trồng hiện có. Đặc biệt, cần cảnh giác với các loại sâu bệnh trên cây lúa như bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh khô vằn, rầy các loại… có khả năng phát sinh, gây hại làm giảm năng suất, sản lượng thu hoạch.

Trước khi lúa trổ hoặc sau trổ 7 ngày cần tăng cường sử dụng các loại phân bón lá nhằm giúp cây lúa trổ tập trung, trỗ thoát bông, tăng tỉ lệ hạt chắc/bông. Rút nước phơi ruộng trước khi thu hoạch 7 - 10 ngày để mặt ruộng khô ráo, chống đổ ngã và thuận tiện cho việc thu hoạch. Khi ruộng lúa bị đổ ngã do gió lớn ở giai đoạn lúa chín sữa - chín sáp, cần tiến hành thoát nước nhanh trên ruộng, dựng lúa bị đổ rạp bằng cách buộc các cây lúa lại với nhau, tạo điều kiện cho lúa quang hợp, tiếp tục nuôi hạt đến khi thu hoạch. Tăng cường thăm đồng để kịp thời phát hiện và phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá… bằng các loại thuốc BVTV đặc hiệu, nhất là sau những trận mưa giông. Phun thuốc phòng trừ khi phát hiện mật độ rầy từ 700 - 1.000 con/m2 trở lên; sâu cuốn lá nhỏ từ 10 - 20 con/m2 trở lên, phun ngay khi sâu đang ở tuổi 1 - 2. “Do đây là giai đoạn cuối vụ nên khi sử dụng thuốc BVTV cần chú ý thời gian cách ly của từng loại thuốc để đảm bảo an toàn cho nông sản”, ông Hiền lưu ý.

Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=156803&title=quan-tam-phong-tru-sau-benh-hai-lua-cuoi-vu-dong-xuan