Quan tâm quản lý người có vấn đề về sức khỏe tâm thần

Ngày 10-5, tại TP.Biên Hòa xảy ra vụ án mạng gây chấn động khi con trai ra tay sát hại mẹ ruột tử vong. Cụ thể, do xin tiền mẹ ruột không cho nên Nguyễn Thanh Quý (ngụ P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) đã dùng dao đâm mẹ là bà H.T.N.T. (68 tuổi) tử vong. Quý từng vào bệnh viện để mua thuốc điều trị bệnh động kinh.

Đây là vụ việc quá đau lòng. Hành vi của thủ phạm đáng bị lên án. Tuy nhiên, đây cũng là một vấn nạn xã hội cần được quan tâm. Nhất là thời gian qua, tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước cũng xảy ra các vụ việc cố ý gây thương tích, giết người thân (cha, mẹ, vợ, con), chủ yếu là do ngáo đá, tâm thần, nghiện rượu, ghen tuông, hoặc mâu thuẫn do tranh chấp đất đai…

Các nguyên nhân nêu trên đều có thể ngăn ngừa từ sớm. Nhất là cần có biện pháp quản lý hữu hiệu những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần (chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự) do ngáo đá, nghiện rượu, mắc các bệnh: tâm thần phân liệt, động kinh mãn tính, trầm cảm… Hiện nay, những đối tượng này ở bên ngoài xã hội rất nhiều. Đa phần họ đều có vấn đề về sức khỏe tâm thần, mất khả năng lao động hoặc lười lao động. Do đó, khi những nhu cầu của họ không được đáp ứng, họ dễ nóng giận, mất kiểm soát, thậm chí rơi vào loạn thần, hoang tưởng (do ảo giác của ngáo đá, nghiện rượu) sẵn sàng dùng bạo lực với người thân trong gia đình, hiểm họa rất khó lường.

Chính vì vậy, các gia đình có người thân có vấn đề sức khỏe về tâm thần do những nguyên nhân nêu trên cần quan tâm điều trị bệnh cho người nhà. Cụ thể như: cho người thân đi cai ma túy, cai nghiện rượu và điều trị các bệnh tâm thần phân liệt, trầm cảm, động kinh mãn tính…, tránh tình trạng bệnh diễn tiến nặng. Thường xuyên quan tâm, theo dõi hành vi, cử chỉ, biểu hiện của người thân, kịp thời phát hiện dấu hiệu bất thường để ngăn chặn hành vi tiêu cực, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Ngoài ra, vai trò của chính quyền địa phương trong việc chủ động ngăn ngừa các hành vi phạm tội của người bệnh tâm thần hoặc có vấn đề về sức khỏe tâm thần rất quan trọng. Theo đó, chính quyền địa phương cần quan tâm rà soát, quản lý danh sách các trường hợp bị bệnh tâm thần hoặc có vấn đề về sức khỏe tâm thần tại địa phương; hỗ trợ, hướng dẫn đưa người bệnh vào điều trị tại các cơ sở chữa bệnh phù hợp. Hướng dẫn cho những người thường xuyên gần gũi, tiếp xúc với người bệnh kỹ năng phòng ngừa những tình huống nguy hiểm. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền sâu rộng về các hành vi, các nguy cơ do các đối tượng có vấn đề về sức khỏe tâm thần gây ra để mọi người dân cùng biết và chủ động cảnh giác, phòng ngừa.

Thu Uyên (TP.Biên Hòa)

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202305/quan-tam-quan-ly-nguoi-co-van-de-ve-suc-khoe-tam-than-3165844/