Quận Tây Hồ (Hà Nội): Quy hoạch đường rộng hơn... 1 mét để lấy đất bán đấu giá cho ai?
Đó là chuyện lạ có thật ở Dự án Ao Dài (tại tổ 7, 8 cụm 1, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội). Phía sau sự việc này liệu có tiêu cực, lợi ích nhóm khi mà hồ sơ lấy ý kiến của dân lại toàn... cán bộ đứng ra ký?
Quy hoạch đường 1 mét để nhường đất phân lô
Nói tới Dự án Ao Dài, dư luận đánh giá tầm nhìn của lãnh đạo quận Tây Hồ, mà trực tiếp là ông Nguyễn Lê Hoàng, Phó chủ tịch UBND quận là "tụt hậu, ngược đời" khi ký phê duyệt quy hoạch một tuyến đường có chiều rộng trung bình là 5,5m nhưng có đoạn mặt cắt ngang chỉ rộng 1,17m đến 1,8m, cùng với đó là nhiều nút cổ chai; biến tuyến đường thẳng đẹp người dân bao năm kỳ vọng thành tuyến đường hình “lưỡi dao mẻ”, “dị dạng” bậc nhất Việt Nam.
Trong hai thập niên qua, Hà Nội đã và đang phát triển rất mạnh hạ tầng đường, cầu để giảm thiểu ùn tắc. Cả hệ thống chính trị không ngừng cố gắng đưa ra những giải pháp, tiêu tốn nhiều chục tỷ đồng để giải bài toán giao thông. Nhiều địa phương, để ô tô có thể đi vào sâu trong các ngõ một cách thuận tiện, người dân đã tình nguyện hiến đất, tiền bạc cũng như công sức, vật liệu để mở rộng đường.
Ấy vậy mà ở một quận trung tâm Thủ đô lại quy hoạch một tuyến đường “không giống ai”, đi ngược với kỳ vọng của nhân dân; cố gắng giảm ùn tắc của cả hệ thống chính trị. Thử hỏi, có địa phượng nào quy hoạch đường với nhiều nút cổ chai, có đoạn rộng chỉ hơn 1m? Con đường này phương tiện nào có thể đi lại? Xin thưa, chỉ 2 chiếc xe đạp với bề rộng tay lái dao động từ 0,6m đến 0,65m đi ngược chiều là không thể tránh nhau. Trong khi đó, đường cũ người dân đang sử dụng có bề rộng mặt cắt ngang trung bình khoảng 5m.
Tại sao quận Tây Hồ lại chọn một phương án “sáng tạo” như vậy? Đất Dự án Ao Dài còn rất nhiều. “Thay vì sử dụng nó để mở đường thì UBND quận Tây Hồ lại phân lô, chờ bán đấu giá…để tăng thu ngân sách”, một người dân cho biết.
Trao đổi với phóng viên, bà Đỗ Thị Mai, ở tổ 7, cụm 1, phường Phú Thượng nhận xét: “Đây là cách làm khó có thể chấp nhận. Chúng tôi không đồng ý, nhưng đơn vị thi công cứ làm. Chúng tôi không mong gì, chỉ mong UBND quận Tây Hồ, UBND phường Phú Thượng, chủ đầu tư dự án thực hiện đúng như đã hứa làm đường rộng 5,5m, hai bên có vỉa hè rộng 1m cho chúng tôi. Không ít nhất cũng phải làm trả đường rộng như con đường hiện nay chúng tôi đang sử dụng”.
Biên bản họp dân chỉ… cán bộ ký
Trước tiên, ngay từ khi rà soát, phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng Dự án Ao Dài đã có nhiều thiếu sót. Điều này cũng được UBND quận Tây Hồ gián tiếp thừa nhận, khi báo cáo UBND TP Hà Nội tại Báo cáo số 1718/UBND-QLDA ngày 7/11/2017. Ông Nguyễn Lê Hoàng cho biết: “Dự án Ao Dài được phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng ngày 16/7/2013 với quy mô xây dựng đường nội bộ có mặt cắt 5,5m, trong đó lòng đường B=5m giữa khu dự án đấu giá và khu dân cư tổ 7, 8 cụm 1, phường Phú Thượng. Trong quá trình triển khai công tác điều tra, giải phóng mặt bằng xác định một số thửa đất có một phần diện tích thuộc phạm vi nghiên cứu dự án đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ)”.
Vì vậy, ngày 13/4/2016, UBND phường Phú Thượng đã phối hợp với Ban Quản lý dự án quận cùng các phòng ban chuyên môn tổ chức họp lấy ý kiến của người dân về việc điều chỉnh quy hoạch dự án. Quy hoạch được điều chỉnh lại theo hướng loại bỏ các phần diện tích đã được cấp GCNQSDĐ ra khỏi phạm vi thực hiện dự án; điều chỉnh tuyến đường nội bộ tiếp giáp với khu dân cư theo hiện trạng sau khi loại bỏ phần diện tích đã được cấp GCNQSDĐ.
Kết quả được ông Nguyễn Lê Hoàng báo cáo rất hay: “Số phiếu đồng ý là 23/31 phiếu (chiếm tỷ lệ 74%), số phiếu không đồng ý là 6/31 phiếu (chiếm tỷ lệ 19%), ý kiến khác 2/31 phiếu (chiếm tỷ lệ 7%). Ngày 20-7-2016, UBND quận Tây Hồ đã chấp thuận bản vẽ quy hoạch mặt bằng điều chỉnh dự án và phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật tại Quyết định số 2798/QĐ-UBND ngày 11-10-2016”.
Nhưng lạ thay, trong Biên bản họp dân ngày 13/4/2016 do UBND phường Phú Thượng lập lại không có bất kỳ chữ ký của hộ dân nào có đất tham gia lấy ý kiến. Toàn bộ 15 chữ ký trong biên bản là của cán bộ các phòng, ban quận Tây Hồ; cán bộ UBND phường Phú Thượng tới Tổ trưởng, Bí thư Chi bộ các khu dân cư… Đơn cử như ông Nguyễn Văn Lợi, là Tổ trưởng tổ 7; Nguyễn Quốc Thịnh, là Chủ tịch Mặt trận tổ quốc phường; Đào Ngọc Hùng, là cán bộ Phòng Quản lý đô thị quận…
Người dân tổ 7, 8 cụm 1 phường Phú Thượng cho biết: UBND phường Phú Thượng đã có khoảng 10 cuộc họp về vấn đề nêu trên. Tất cả các cuộc họp đông đảo người dân tham gia phản đối phương án điều chỉnh quy hoạch của UBND quận Tây Hồ.
Phường được bồi thường về đất hơn 400 triệu đồng là sai
Liên quan tới Dự án Ao Dài, đi sâu vào tìm hiểu, chúng tôi còn thấy nhiều vấn đề cần được cơ quan chức năng làm rõ. Đặc biệt là việc UBND phường Phú Thượng được bồi thường, hỗ trợ số tiền hơn 508 triệu đồng. Bảng tổng hợp phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ tái đinh cư khi Nhà nước thu hồi đất, do ông Nguyễn Lê Hoàng ký, nêu rõ: “Tổng diện tích thu hồi là 2.832,94m2, trong đó đất công và đất khác là 1.168,76m2, đất nông nghiệp là 1.664,18m2. Tiền bồi thường về diện tích đất thu hồi là hơn 419 triệu đồng. Tiền bồi thường, hỗ trợ vật kiến trúc gắn liền với đất là hơn 88 triệu đồng”.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, nếu UBND phường được bồi thường về đất là sai. Vì theo Điều 24, Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014: “Trường hợp đất thu hồi thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn thì được hỗ trợ; mức hỗ trợ cao nhất có thể bằng mức bồi thường; mức hỗ trợ cụ thể do UBND cấp tỉnh quy định; tiền hỗ trợ được nộp vào ngân sách nhà nước và được đưa vào dự toán ngân sách hàng năm của xã, phường, thị trấn; tiền hỗ trợ chỉ được sử dụng để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng, sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn”.
Trước thực trạng bất cấp trên, người dân tổ 7, 8 cụm 1 cùng nhiều người dân phường Phú Thượng, quận Tây Hồ mong cơ quan chức năng cũng như UBND TP Hà Nội sớm vào cuộc, điều tra làm rõ. Trường hợp phát hiện sai phạm cần phải xử lý nghiêm và công khai trước dư luận. Cùng với đó, nhân dân cũng mong UBND TP Hà Nội sớm chỉ đạo điều chỉnh quy hoạch; đừng vì tăng thu ngân sách mà chấp nhận một bản quy hoạch lỗi, bất chấp sự phản đối của người dân.
Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.